Tuy nhiên, Tổng Công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) đã chủ động nhiều giải pháp để đảm bảo đủ điện cho sản xuất kinh tế-xã hội và nhu cầu sinh hoạt của người dân.
Chủ động chống quá tải
Những ngày nắng nóng tháng Năm, chúng tôi có dịp cùng các cán bộ, công nhân ngành điện đi kiểm tra các trạm điện và đến thăm hộ gia đình nhà bà Nguyễn Thị Bối, tổ trưởng tổ 7, thị trấn Quế, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam.
Trong tổ dân phố số 7 do bà Bối làm tổ trưởng, có 231 hộ dân, chỉ một vài tuần trước đây, khi đường điện và trạm biến áp chưa được đầu tư, nâng cấp, nguồn điện cung cấp cho các hộ gia đình và sản xuất tại thị trấn Quế rất yếu, thậm chí không dùng được cho các lò sản xuất gốm, mỹ nghệ...
Đầu xóm đã thế, cuối xóm điện còn yếu hơn, tình trạng mất điện, điện yếu xảy ra nhiều, nhất là vào mùa nắng nóng. Nhưng từ khi có đường dây điện mới về, người dân dùng điện thoải mái hơn, không lo tình trạng thiếu điện xảy ra.
Theo ông Bùi Xuân Thành, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Hà Nam dự báo tăng trưởng phụ tải điện vào khoảng trên 10%, nên công ty đã rà soát, tu sửa và nâng cấp các đường dây, để truyền tải, kết nối các trạm 110kV...
Để khắc phục tình trạng phụ tải tăng cao tại khu vực thành phố Phủ Lý, huyện Kim Bảng, huyện Thanh Liêm, ngay từ những ngày đầu năm 2017 Công ty Điện lực Hà Nam đã hoàn thiện dự án đấu nối và đóng điện 3 lộ đường xuất tuyến 22kV sau trạm biến áp (TBA) 110kV Châu Sơn, 2 lộ đường 22kV và 5 lộ đường dây 35kV sau trạm biến áp 110kV Thạch Tổ để san tải cấp điện cho các khu vực này. Do đó, đã giải quyết được nhu cầu phụ tải, tình hình cung cấp điện cho các khách hàng được ổn định hơn.
Ngoài ra, Công ty cũng thực hiện sửa chữa lớn, cải tạo nâng cấp xong lộ 375-E24.3 cấp điện cho khu vực huyện Kim Bảng; cải tạo nâng cấp lộ 371-E24.2 cấp điện cho khu vực huyện Lý Nhân...., đồng thời, thực hiện sửa chữa thường xuyên xong 90 hạng mục và thí nghiệm định kỳ trung gian Lê Hồ, Bình Lục, Vũ Bản; thí nghiệm được 77 trạm biến áp phân phối.
Cũng nhờ sự chủ động, tính đến hết tháng 4/2017, Công ty Điện lực Hà Nam đã hoàn thành 20 danh mục chống quá tải, tương ứng với 69 TBA, tổng dung lượng 22.410 KVA, cải tạo lưới điện 0,4kV phù hợp với nhu cầu phụ tải ở các khu dân cư, giảm bán kính cấp điện.
Hải Phòng cũng là một địa phương có mức dự báo tăng tải cao khi sản xuất công nghiệp của địa phương này tiếp tục tăng dẫn đến nhu cầu sử dụng điện lớn. Theo ông Nguyễn Trường Giang, Phó Giám đốc Trung tâm điều độ B2, Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Điện lực Hải Phòng, về cơ bản thì các đường dây 100kV và trạm 110kV vận hành cao điểm khoảng trên 50% công suất lắp đặt và hiện vẫn còn 50% công suất dự phòng nữa.
Còn cáp điện ngầm đã được đầu tư của Công ty Trách nhiệm hữu hạn ABB (Thụy Sĩ) từ năm 2001-2002 và đến nay công ty tiếp tục đầu tư, mới sử dụng khoảng 60% định mức của đường cáp. Như vậy, về nguồn lưới điện của Hải Phòng tương đối ổn định, dung lượng các trạm 100kV đảm bảo cung cấp; các nguồn trung thế cũng đảm bảo cung cấp điện phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh.
Tuy nhiên, một trong những giải pháp song hành quan trọng để đảm bảo cung cấp điện mùa nắng nóng được ngành điện tích cực thực hiện thời gian qua là công tác tuyên truyền tiết kiệm điện đến khách hàng.
Các công ty điện lực địa phương đã tổ chức tuyên truyền tới các nhà hàng, cơ sở dịch vụ thương mại cắt giảm số lượng đèn quảng cáo, trang trí, đèn chiếu sáng biển hiệu. Đồng thời, yêu cầu các công ty quảng cáo và đơn vị có biển quảng cáo giảm bớt đèn chiếu sáng và tắt đèn sau 22 giờ đêm.
Các đơn vị quản lý hệ thống chiếu sáng công cộng đã thực hiện cắt giảm số lượng đèn chiếu sáng công cộng, phù hợp theo từng khu vực, tránh lãng phí điện... để cùng với ngành điện chủ động đảm bảo cung ứng điện trong mùa nóng.
Không để thiếu điện
Hải Phòng và Hà Nam là những tỉnh nằm trong nhóm dẫn đầu các tỉnh thu hút đầu tư nước ngoài vào các khu công nghiệp. Do vậy, yếu tố đảm bảo điện phải đi trước luôn là tiêu chí hàng đầu của tỉnh và của các Công ty Điện lực.
Theo ông Bùi Xuân Thành, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Hà Nam, trong thời gian tới, Công ty sẽ tiếp tục tập trung đầu tư trong việc chống quá tải các trạm biến áp, cải tạo lưới điện 0,4kV cho phù hợp với nhu cầu phụ tải ở các khu dân cư, giảm bán kính cấp điện, đồng thời, lập phương án nâng công suất trạm biến áp trung gian Vũ Bản từ 2.500 KVA lên 3.200 KVA; trạm trung gian Tiên Hiệp từ 3.200 KVA lên 5.600 KVA.
Năm 2017, đơn vị thực hiện sửa chữa lớn kế hoạch vốn và quyết toán đảm bảo tiến độ EVNNPC giao. Trong tháng Năm phấn đấu hoàn thành 45 hạng mục sửa chữa thường xuyên... “Chúng tôi luôn nỗ lực để làm sao không để xảy ra tình trạng quá tải, thiếu điện trong sản xuất và sinh hoạt,” ông Thành nói.
Hiện nay, Tổng công ty Điện lực miền Bắc thực hiện nhiệm vụ cung ứng điện trên địa bàn 27 tỉnh phía Bắc, với hơn 9,4 triệu khách hàng, chiếm khoảng 40% tổng số khách hàng toàn EVN. Với tốc độ sản xuất công nghiệp tăng cao, việc cấp điện tại nhiều tỉnh phía Bắc, các khu công nghiệp đang là áp lực lớn với EVNNPC.
Ngay từ cuối năm 2016, Tổng công ty đã chủ động bố trí và giao nguồn vốn đầu tư, sửa chữa lớn, chống quá tải để các đơn vị có thời gian chuẩn bị và triển khai.
Ông Hồ Mạnh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc EVNNPC cho biết, Tổng công ty đã chỉ đạo các đơn vị tiến hành nâng công suất các trạm biến áp 110kV; nâng cấp một số đường dây 110kV nhằm nâng cao năng lực cấp tải cho các điện lực...
Bên cạnh đó, chỉ đạo các đơn vị đẩy nhanh, hoàn thành việc lắp đặt các tụ bù để làm sao nâng chất lượng điện áp, giảm tổn thất cho các đường dây, trạm biến áp trước tháng 6. Để xử lý các sự cố điện có thể xảy ra một cách nhanh nhất, công tác ứng trực, chuẩn bị vật tư, trang thiết bị… cũng được các đơn vị sẵn sàng.
Tổng công ty cũng đã yêu cầu các đơn vị tiến hành rà soát lại toàn bộ năng lực lưới, khắc phục nhanh những khiếm quyết còn tồn tại trên lưới. Ngoài ra, xem xét lại sơ đồ kết dây của các đường dây, trạm biến áp để chọn ra được phương pháp vận hành tốt nhất trong điều kiện cực đoan về thời tiết...
Báo cáo của EVNNPC cho hay, trong 4 tháng đầu năm 2017, Tổng công ty đã hoàn thành đóng điện đợt 1 là 1.361 trạm biến áp; đợt 2 sẽ đóng điện thêm 280 trạm, hoàn thành vào 30/6/2017. Nhờ những giải pháp đó, về cơ bản, việc cung ứng điện cho các tỉnh phía Bắc phần nào sẽ được đảm bảo trong mùa nắng nóng này.