Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh - "hồn cốt" của nhiều ca khúc sống mãi với thời gian

Bên dòng sông Lam trữ tình thơ mộng, dân ca ví, giặm xứ Nghệ Tĩnh ra đời. Câu ca ví giặm mộc mạc, sôi nổi theo người nông dân một nắng hai sương ra đồng, ngọt ngào trong trong lời ru à ơi bên nôi của người mẹ trẻ, vui tươi với câu hát đối đáp của những chàng trai, cô gái… Và ví, giặm Nghệ Tĩnh sống mãi trong những giai điệu tự hào đi cùng năm tháng.
Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh - "hồn cốt" của nhiều ca khúc sống mãi với thời gian

Giai điệu, ca từ ví, giặm Nghệ Tĩnh là chất liệu để nhiều nhạc sĩ nổi tiếng sáng tạo ra những ca khúc sống mãi với thời gian, ghi dấu vào lòng người nghe. Những bài hát tên tuổi như: "Xa khơi", "Mơ quê" của Nguyễn Tài Tuệ; "Trông cây lại nhớ đến Người" (Đỗ Nhuận) "Lời Bác dặn trước lúc đi xa", "Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò Nghệ Tĩnh" (Trần Hoàn), "Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh" (Nguyễn Văn Tý), “Ca dao em và tôi” của nhạc sĩ An Thuyên …đã khẳng định tầm ảnh hưởng của dân ca Ví, Giặm đối với nền âm nhạc hiện đại của Việt Nam.

Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh - "hồn cốt" của nhiều ca khúc sống mãi với thời gian - anh 1

Hát ví, giặm ở Nghệ An

Trong số đó đặc biệt nhất phải kể tới Nhạc sĩ An Thuyên, cha đẻ của của ca khúc đi cùng năm tháng nổi tiếng “Ca dao em và tôi”. Nhạc sĩ An Thuyên sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo Quỳnh Kim, Quỳnh Lưu, Nghệ An. Truyền thống văn nghệ lâu đời, dân ca ví, giặm nơi đây có trong máu thịt của ông. Và chính môi trường âm nhạc đậm chất giân gian ấy có sức hút kỳ lạ đối với người con xứ Nghệ này.

Ông cũng đã gặt hái nhiều thành công khi khai thác chất liệu dân ca Ví , Giặm vào những sáng tác của mình, với những ca khúc như “Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác”, “Neo đậu bến quê”, “Ca dao em và tôi”, “Vầng trăng đò đưa”…

Nhạc sĩ An Thuyên bày tỏ: “Khi viết “Đêm nghe ví đò đưa nhớ Bác”, bạn không tưởng tượng được đó hoàn toàn là bài hát giặm, trước nó là một câu ví. Tôi lấy nguyên nhịp 7/8, nhịp rất lạ, đậm đặc và tinh túy đến mức 5 năm sau đó, cho đến năm 1980, tôi viết bài nào dường như cũng giống như “Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác”. Phải đến năm 1981 tôi ra Hà Nội học rồi cho đến bây giờ, tôi có thêm những vùng văn hóa khác và tiếp thu những kiến thức âm nhạc của nhân loại thì mình có thêm những tri thức cao hơn thời đó thì bắt đầu nhìn trở lại dân ca Nghệ Tĩnh mới thoát khỏi cái bóng của “Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác”.

Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh - "hồn cốt" của nhiều ca khúc sống mãi với thời gian - anh 2

Nhạc sĩ An Thuyên với nhiều bài hát nổi tiếng: Ca dao em và tôi, Đêm nghe ví đò đưa nhớ Bác

Với ca khúc “Ca dao em và tôi” nổi tiếng, ông khẳng định: “Tòan bộ những cây đa, bến nước, con đò dòng sông tất cả nó nằm trong bối cảnh không giandân ca ví dặm. Máu thịt của tôi là dân ca ví dặm thì lúc nào cũn có thể ví giặm. Máu tôi lúc nào cũng chảy thì lúc nào cũng chảy ra ví giặm”.

Còn với nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, quê hương gốc gác của ông từ xa xưa ở trên Vĩnh Phúc, nhưng đời các cụ gia đình ông đã chọn và rời vào Xứ Nghệ để an cư lập nghiệp. Sinh ra và lớn lên tại Tp Vinh nhưng người nhạc sĩ tài hoa ấy lại rất nặng tình với vùng quê Hà Tĩnh. Chính vì vậy mà cuộc đời sự nghiệp sáng tác của ông có hai tác phẩm viết về Hà Tĩnh vô cùng nổi tiếng, đi vào lịch sử vĩ đại của nền âm nhạc Việt Nam đó là "Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh" và “Người đi xây hồ Kẻ Gỗ”.

Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh - "hồn cốt" của nhiều ca khúc sống mãi với thời gian - anh 3

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý

Người đi xây hồ Kẻ Gỗ được sáng tác năm 1976, khi cả nước đang bước vào công cuộc xây dựng lại đất nước sau ngày thống nhất. Ca khúc được hình thành khi Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý đi thực tế tại Hồ Kẻ Gỗ thuộc địa phận tỉnh Hà Tĩnh. Ca khúc này mang đậm âm hưởng dân ca ví dặm với ca từ nhẹ nhàng gợi lên những tình cảm sâu lắng thiết tha tới những hình ảnh đặc trưng của vùng đất Nghệ An – Hà Tĩnh. Đây cũng là một trong những ca khúc kinh điển của thanh nhạc cách mạng Việt Nam.

Với “Một khúc tâm tình người Hà Tĩnh” người ta không thể quên được những câu hát có sức ám ảnh với nhiều thế hệ người Việt:

Đi mô rồi cũng nhớ về Hà Tĩnh

Nhớ núi Hồng Lĩnh nhớ dòng sông La

Nhớ biển rộng quê ta ớ ơ ơ ơ

Những cánh đồng muối trắng

Tình sâu (mấy) nghĩa nặng, biển ta lại nhớ rừng

Nên chi giữa đồng bằng (mà) gió ngàn bay (i) về

Tìm âm vang sóng vỗ ....

Các bạn có thể nghe bài hát "Một khúc tâm tình người Hà Tĩnh" do NSND Thu Hiền trình bày tại đây:

Xa khơi cũng là ca khúc của nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ ra đời năm 1962 cũng nhanh chóng giành được sự yêu thích của công chúng trên sóng phát thanh..Xa khơi mang đậm chất dân ca Trung Bộ, trữ tình, mênh mang. Ca khúc được viết như lời tâm sự của một cô gái trong lúc xa khơi, gửi lời nhớ thương tới người "anh" đang ở bên kia vĩ tuyến. Bài hát thể hiện khát vọng thống nhất đất nước lúc bấy giờ.

Sinh ra từ đời sống, ví, giặm cùng với những loại hình nghệ thuật âm nhạc dân gian khác góp phần làm phong phú kho tàng văn hóa dân tộc. Đồng thời câu ca ví, giặm Nghệ Tĩnh, di sản văn hóa phi phi vật thể đại diện của nhân loại được UNESCO công nhận, đã nuôi dưỡng, bồi đắp cho tâm hồn bao thế hệ người Việt Nam. Cảm ơn những người nghệ sĩ đầu tiên của xứ Nghệ, những nông dân chân lấm tay bùn dù cuộc đời chưa hết nỗi vất vả cơ cực, dù một đời "cà mặn, nhút chua" thì người dân bên dòng sông Lam vẫn lạc quan, yêu đời, biết gửi lòng mình vào những câu dân ca trữ tình sâu lắng, say đắm lòng người. Cám ơn những người nhạc sĩ tài hoa đã thổi hồn hơi thở ví, giặm vào những ca khúc đương đại để câu ca ví giặm của mảnh đất anh hùng Nghệ Tĩnh còn mãi với thời gian./

>>> Xem thêm:

1. Huyền tích về Ca trù – Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại

2. Điểm mặt di sản phi vật thể mới được UNESCO vinh danh

3. Ngơ ngẩn ngắm non nước mây trời di sản thiên nhiên thế giới Tràng An

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tới sân bay quốc tế Trường Thủy (thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh GMS, Hội nghị Cấp cao ACMECS, Hội nghị Cấp cao CLMV và làm việc tại Trung Quốc. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Thủ tướng tới Vân Nam, bắt đầu chuyến công tác tại Trung Quốc
(Ngày Nay) - Sáng 5/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay quốc tế Trường Thủy (thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh GMS, Hội nghị Cấp cao ACMECS, Hội nghị Cấp cao CLMV và làm việc tại Trung Quốc từ ngày 5 đến ngày 8/11/2024.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.