Đội trưởng Shigeo Sawairi của câu lạc bộ Nagoya Grampus thừa nhận rằng, vào năm 1993, anh và các đồng đội đã bị ấn tượng mạnh bởi sự xuất hiện của danh thủ Gary Lineker đến mức họ đã vỗ tay hoan hô tiền đạo nổi tiếng người Anh khi Lineker đến tập luyện. Giờ đây, chính bản thân Lineker, một cầu thủ có sức ảnh hưởng lớn ở Anh, đang hoan nghênh các cầu thủ Nhật Bản.
Sự đảo chiều này phần lớn là nhờ quá trình phát triển vượt bậc của J. League, giải đấu kỷ niệm sẽ kỷ niệm sinh nhật lần thứ 30 vào tháng 5 năm nay.
Ba thập kỷ trước, bóng đá Nhật Bản chỉ sở hữu 10 đội bóng chuyên nghiệp. Tới năm 2023, nước này đã có 60 câu lạc bộ thi đấu trong 3 hạng đấu cao nhất của đất nước. Trung bình mỗi trận đấu J. League thường thu hút 20.000 khán giả tới sân, theo thống kê trước COVID-19.
Cùng với đó là sự phát triển ở chất lượng chuyên môn của các đội bóng. Mới đây, câu lạc bộ Urawa Reds đã có lần thứ 3 vô địch cúp vô địch châu Á cấp câu lạc bộ. Đáng chú ý, các câu lạc bộ cũng là nơi phát triển và đào tạo cầu thủ cho đội tuyển quốc gia Nhật Bản, với 4 lần vô địch Asian Cup và lọt vào vòng loại trực tiếp của World Cup ở 4 trong 6 giải đấu vừa qua. Tại World Cup 2022, 19 trong tổng số 26 tuyển thủ Nhật Bản đang thi đấu cho các giải đấu hàng đầu châu Âu.
Urawa Reds đã có lần thứ 3 vô địch AFC Champions League. |
“J. League rất dũng cảm và có tầm nhìn”, Ben Tan, cựu phó giám đốc điều hành của Giải Ngoại hạng Thái Lan và hiện đang làm việc cho Hiệp hội bóng đá Singapore, nhận xét. "Họ đã liên tục cải thiện các giải đấu quốc nội của mình. Việc Nhật Bản sản sinh ra nhiều câu lạc bộ chuyên nghiệp và cầu thủ đẳng cấp nhất trong 30 năm là điều không thể tin được".
Cựu tuyển thủ Singapore và hiện là nhà tiếp thị thể thao Sasi Kumar tỏ ra ngạc nhiên trước tầm nhìn dài hạn của các nhà làm bóng đá Nhật Bản. "Chúng tôi không biết mình sẽ ăn gì vào bữa sáng ngày mai, nhưng họ đã lên kế hoạch và xây dựng một hệ sinh thái, không chỉ J. League mà mọi thứ bên dưới cho đến cấp cơ sở".
Hệ thống bóng đá học đường tại Nhật Bản được coi là một trong những hệ thống tốt nhất trên thế giới. Các câu lạc bộ bắt buộc phải có nhiều học viện ở cấp độ trẻ, mỗi quận trong số 47 tỉnh của đất nước đào tạo ra những cầu thủ được gửi đến các trường thể dục chất lượng cao, sau đó có các trường trung học, đại học và học viện tư nhân, tất cả đều nhằm mục đích đào tạo và phát triển các thế hệ trẻ.
“Rất nhiều quốc gia châu Á nặng về tốp đầu, quá chú trọng đến các đội chuyên nghiệp mà bỏ qua hệ thống bóng đá cơ sở, không hiểu rằng đây mới là những trụ cột chống giữ cho đỉnh cao”, ông Kumar nói. "J. League đã làm điều này tốt hơn bất kỳ giải đấu nào ở châu Á".
Theo Eddy Bosnar, một hậu vệ người Úc từng chơi cho các đội như JEF United và Shimizu S-Pulse từ năm 2008 đến 2011, những cầu thủ hiện tại được đào tạo cả các vấn đề tâm lý, một sự khác biệt so với những đồng nghiệp trong quá khứ.
“Rồi họ có một vài người như Shinji Ono và Shunsuke Nakamura đến thử sức tại châu Âu”, Bosnar nói. "Nhưng bây giờ, nhiều cầu thủ Nhật Bản đến các giải đấu hàng đầu khi còn trẻ. Người Nhật tự coi mình là những người giỏi nhất và các cầu thủ sẽ chấp nhận giảm lương để được đến các giải đấu hàng đầu châu Âu, trong khi các cầu thủ Úc chỉ đến châu Á để kiếm nhiều tiền hơn".
Không chỉ các cầu thủ, bóng đá Nhật Bản còn có nhiều điểm hấp dẫn trong mắt Bosnar.
“Mọi thứ ngoài sân cỏ thật không thể tin được. Các cơ sở đào tạo rất tuyệt vời, chỉ những nơi tốt nhất ở châu Âu mới có thể so sánh được. Nó giống như tàu cao tốc shinkansen, mọi thứ đều đúng giờ và hoàn hảo", cựu cầu thủ người Úc cho biết.
“Điều quan trọng là J. League xuất khẩu cầu thủ”, theo ông Shinji Kubota, giám đốc của J. League. "Tôi tin rằng sẽ có nhiều trẻ em bắt đầu chơi bóng hơn vì chúng được truyền cảm hứng từ những cầu thủ đang thi đấu ở nước ngoài. Ngoài ra, từ góc độ kinh doanh, là một giải đấu có thể sản sinh ra nhiều cầu thủ có thể đóng vai trò tích cực ở nước ngoài, giá trị của giải đấu sẽ tăng, và tôi tin rằng nó sẽ góp phần tăng doanh thu".
Giác đốc J. League cho rằng các cầu thủ được đào tạo bằng cách chơi ở các giải đấu mạnh trong nước và việc để các cầu thủ trưởng thành ở các giải đấu trong nước thi đấu ở các giải đấu hàng đầu ở nước ngoài cũng sẽ tạo ra động lực phát triển cho đội tuyển quốc gia.
J. League đã mở rộng sức hấp dẫn của mình, một phần nhờ thiết lập một số quan hệ đối tác với các liên đoàn bóng đá ở Đông Nam Á. Một số cầu thủ giỏi nhất từ Indonesia, Việt Nam, Campuchia và Thái Lan đã thử sức ở Nhật Bản, làm tăng sức hấp dẫn quốc tế của giải đấu.
Một video về buổi tập đầu tiên của ngôi sao Thái Lan Chanathip Songkrasin tại câu lạc bộ Consadole Sapporo đã đạt 3 triệu lượt xem.
“Trong thời gian tôi làm việc tại Thai League, chúng tôi đã cử các cầu thủ đến Nhật Bản và họ đã phá vỡ mọi rào cản để cho thấy những gì các cầu thủ Đông Nam Á có thể làm được”, ông Ben Tan nói. “Chiến lược và sự sẵn sàng thay đổi của J. League là điều mà các giải đấu châu Á có thể học hỏi".
Tại World Cup 2022, Nhật Bản đã đánh bại Tây Ban Nha và Đức, những nhà vô địch năm 2010 và 2014, để giành quyền vượt qua vòng bảng. Ngoài ra, một trong những cầu thủ đang gây sốt tại châu Âu chính là tiền vệ cánh Kaoru Mitoma, trước đây thuộc biên chế của Kawasaki Frontale.
Kaoru Mitoma được xem là hiện tượng mới của bóng đá Nhật Bản. |
Mitoma cũng là một trong những ngôi sao đang lên của Brighton&Hove Albion, câu lạc bộ hiện xếp thứ 6 tại Ngoại hạng Anh. Với 7 bàn thắng, cầu thủ chạy cánh này không chỉ là gương mặt mới nổi của bóng đá Nhật Bản, mà còn nằm trong tầm ngắm của các đội bóng hàng đầu châu Âu.
“Chúng ta đã chứng kiến nhiều thế hệ cầu thủ xuất sắc, gần đây nhất là Mitoma, người có lối thi đấu cuốn hút”, ông Tan nói. "Các cầu thủ Nhật Bản đến từ hệ thống đào tạo trẻ của họ đã ký hợp đồng với các câu lạc bộ hàng đầu quốc tế, một minh chứng về cách cấu trúc câu lạc bộ và sơ đồ đào tạo của họ về con đường đưa các tài năng trẻ đến với các giải đấu hàng đầu".
Đối với ông Kumar, tất cả mọi thứ vẫn nằm ở J. League.
“Các quốc gia châu Á phải trải qua những gì J. League trải qua, đó là lý do tại sao họ ở vị trí hiện tại, sản sinh ra những cầu thủ tuyệt vời và tham dự World Cup”, ông Kumar nói. "Đó là một giải đấu sôi động với các cộng đồng và tập đoàn muốn tham gia. Nó đã đi một chặng đường dài".