Liên quan đến vụ tranh chấp bản quyền vở thực cảnh "Ngày xưa" (Thuở ấy xứ Đoài) giữa Công ty CP Tuần Châu Hà Nội (Tuần Châu) và công ty CP Đầu tư tổng hợp Truyền thông DS (DS) do ông Nguyễn Việt Tú làm giám đốc. Mới đây, đạo diễn Hoàng Nhật Nam – Chủ nhân của tác phẩm "Tinh hoa Bắc Bộ" (tác phẩm được xác định là phái sinh từ tác phẩm "Ngày xưa") đã có tâm thư gửi đến TAND TP. Hà Nội.
Tâm thư viết tay của đạo diễn Hoàng Nhật Nam gửi TAND. TP. Hà Nội |
Trong thư gửi TAND TP. Hà Nội, đạo diễn Hoàng Nhật Nam nói rằng mình cảm thấy rất bàng hoàng và khó hiểu khi tác phẩm "Tinh hoa Bắc Bộ" do anh làm tác giả được tòa tuyên là tác phẩm phái sinh từ vở diễn "Ngày xưa" của đạo diễn Việt Tú mà không có sự hiện diện của anh tại phiên tòa.
“Phán quyết của tòa có liên quan đến hai tác giả nhưng trong phiên tòa và dư luận chỉ thấy được một người. Qúy tòa tuyên án để bảo vệ quyền lợi của một tác giả nhưng lại quên mất quyền lên tiếng của một tác giả khác chính là tôi. Đáng nói hơn cả, tác phẩm “Tinh hoa Bắc Bộ” đã được Cục bản quyền tác giả cấp giấy chứng nhận quyền tác giả vào ngày 31/7/2017” – Đạo diễn Hoàng Nhật Nam viết.
Bên cạnh đó, vị đạo diễn này cũng thắc mắc việc xem xét tác phẩm phái sinh chỉ dựa trên tham khảo văn bản ý kiến từ Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam liệu đã đúng và đủ hay chưa?
Qua bức tâm thư này, đạo diễn “Tinh hoa Bắc Bộ” mong muốn TAND TP. Hà Nội sẽ xem xét lại bản án đã tuyên.
Chủ tọa phiên tòa - Thẩm phán Nguyễn Thị Thúy Hạnh tuyên án ngày 20/3/2019 |
Cùng quan điểm với đạo diễn Hoàng Nhật Nam, đại diện luật sư bên phía Tuần Châu cho biết: Nếu vụ án được xem xét giải quyết các vấn đề tranh chấp từ Hợp đồng số 0111 giữa Tuần Châu và DS thì vụ án án hoàn toàn không liên quan đến đạo diễn Nhật Nam. Tuy nhiên, trong vụ án này HĐXX lại xem xét đến yêu cầu phản tố của bị đơn liên quan đến "Kịch bản Tinh Hoa Bắc Bộ", và tuyên xử "Tinh Hoa Bắc Bộ" là tác phẩm phái sinh của "Ngày Xưa" mặc dù yêu cầu này đang được xem xét giải quyết trong vụ án khác do cùng một thẩm phán giải quyết. Việc quyết định này của HĐXX liên quan trực tiếp đến quyền lợi của đạo diễn Nhật Nam nhưng lại không đưa đạo diễn Nhật Nam vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án. Đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng theo quy định tại BLTTDS.
“Mặt khác, trong vụ án này, đạo diễn Nhật Nam đã từng đề xuất được tham gia với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án nhưng thẩm phán lại không chấp nhận. Tuy nhiên, đến nay lại có phản quyết xâm phạm nghiêm trong đến quyền lợi của đạo diễn Nhật Nam.
Như vậy, để đảm bảo quyền lợi ích hợp pháp của mình đạo diễn Nhật Nam hoàn toàn có quyền làm đơn đề nghị Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội, Viện trưởng VKSND cấp cao tại Hà Nội kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm theo quy định tại điều 278 BLTTDS về việc không xác định tức cách tham gia tố tụng là người có quyền lợi liên quan của đạo diễn Nhật Nam trong vụ án” – Đại diện Luật sư Tuần Châu nói.
Ngày 21/3, Công ty Cổ phần Tuần Châu - Hà Nội cũng đã có đơn gửi đến TAND cấp cao, TAND TP. Hà Nội kháng cáo bản án sơ thẩm liên quan tranh chấp kinh doanh thương mại với Công ty Cổ phần Đầu tư Tổng hợp Truyền thông DS.
Trong đơn, Công ty Tuần Châu xin kháng cáo toàn bộ bản án xét xử sơ thẩm của TAND TP. Hà Nội được tuyên ngày 20/3/2019. Tuy nhiên, phía Tuần Châu không nêu lý do kháng cáo mà sẽ trình bày các lý do cụ thể sau khi nhận được Bản án sơ thẩm.
Sáng 20/3, HĐXX TAND TP. Hà Nội chính thức đưa ra kết quả sau phiên tòa sơ thẩm liên quan đến vụ tranh chấp bản quyền vở thực cảnh "Ngày xưa" giữa Công ty CP Tuần Châu Hà Nội, và công ty CP Đầu tư tổng hợp Truyền thông DS do ông Nguyễn Việt Tú làm giám đốc.
Sau khi xem xét, HĐXX nhận định, đạo diễn Việt Tú là tác giả duy nhất của vở thực cảnh, Tuần Châu không phải là người trực tiếp sáng tạo tác phẩm. Theo hợp đồng ký kết giữa hai bên năm 2015, Tuần Châu là chủ sở hữu tác phẩm. Việc DS đăng ký quyền sở hữu tác giả là không đúng. Do đó, DS cần chuyển giao kịch bản vở diễn "Ngày xưa" cho Tuần Châu.
Đạo diễn Nguyễn Việt Tú có các quyền nhân thân như quyền đặt tên tác phẩm, quyền đứng tên tác giả, quyền bảo vệ sự toàn vẹn tác phẩm. Ngoài ra, việc Nguyễn Việt Tú cung cấp thông tin cho báo chí không phải là công bố tác phẩm nên không xâm phạm quyền sở hữu theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ. Do đó, việc Tuần Châu yêu cầu đạo diễn Việt Tú chấm dứt hành vi này là không hợp lý và không có căn cứ.
Tòa án cũng bác đơn kiện yêu cầu DS phải bồi thường 6,2 tỷ đồng của Tuần Châu. Lý do được HĐXX đưa ra là hợp đồng nguyên tắc ký giữa các bên là không được chuyển nhượng tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào cho bên thứ ba. Tuy nhiên, phía Tuần Châu đã đơn phương chấm dứt hợp đồng, rồi ký kết với công ty Sen Vàng để xây dựng vở diễn "Tinh hoa Bắc Bộ", thay thế cho vở "Ngày xưa". Đây là lựa chọn của Tuần Châu chứ không phải lỗi từ phía DS.
Cùng với việc bác đơn kiện yêu cầu DS bồi thường 6,2 tỷ đồng, Tòa tuyên Tuần Châu phải bồi thường những khoản chậm thanh toán và doanh thu 10% từ vở diễn cho DS với tổng số tiền hơn 600 triệu đồng.
Tòa cũng không đồng ý với yêu cầu đòi hơn 350 triệu đồng là chi phí mời luật sư vì xác định, Tuần Châu có một phần lỗi. Bởi lẽ, DS đã 2 lần gửi email thông báo cho Tuần Châu đăng ký bản quyền tác giả, nhưng Tuần Châu không phản hồi.
Tòa án cũng căn cứ vào các công văn trả lời của Cục Bản quyền tác giả và trình bày của một số người liên quan từng làm việc với đạo diễn Việt Tú xác định, vở diễn "Tinh hoa Bắc Bộ" và Vở diễn "Ngày xưa" có nhiều điểm giống nhau về câu chuyện, trang phục, bối cảnh…
"Tinh hoa Bắc Bộ" là vở diễn có sau, sử dụng trang phục, âm thanh… của vở có trước, cùng một loại hình nên không được coi là tác phẩm độc lập. Tòa xác định đây là tác phẩm phái sinh từ vở “Ngày xưa”.