Sáng 20/3, TAND TP. Hà Nội đã có kết luận vụ tranh chấp bản quyền vở thực cảnh “Ngày xưa” hay còn gọi là “Thuở ấy xứ Đoài” giữa Công ty Cổ phần Tuần Châu Hà Nội và Công ty Cổ phần Đầu tư tổng hợp Truyền thông DS do ông Nguyễn Việt Tú làm Giám đốc.
Theo kết luận của TAND TP. Hà Nội, công ty DS phải trao trả quyền sở hữu tác phẩm “Ngày xưa” cho công ty Tuần Châu. Tuần Châu phải thanh toán hơn 600 triệu đồng cho Việt Tú tiền lãi chậm trả, lãi phát sinh. Quan trọng nhất là TAND TP. Hà Nội xác định “Tinh hoa Bắc bộ” là tác phẩm phái sinh, sử dụng nhiều chất liệu, ý tưởng từ vở “Ngày xưa” do Việt Tú sáng tác.
Chủ tọa phiên tòa - Thẩm phán Nguyễn Thị Thúy Hạnh tuyên án |
Kết thúc phiên tòa, đạo diễn Nguyễn Việt Tú đã có những trao đổi với báo chí.
Cảm xúc của anh sau khi nghe kết luận của TAND TP. Hà Nội?
Tôi nghĩ đây là thời khắc lịch sử không chỉ cho riêng tôi mà còn cho tất cả các nghệ sĩ hiểu được giá trị của sự sáng tạo, của quyền sở hữu trí tuệ. Tôi chờ đợi giây phút này đã rất lâu, thực sự rất… rất lâu.
Tôi cảm thấy mình may mắn vì ở thời điểm này không chỉ nhiều người trong xã hội mà ngay cả những cơ quan hành pháp, luật sư, những người trực tiếp tham gia vào hệ thống hành pháp đã nhận thấy tầm quan trọng của quyền sở hữu trí tuệ.
Đồng thời, thông qua đây, tôi xin khẳng định rằng tôi chưa bao giờ có ý định chiếm đoạt bất kỳ một điều gì không thuộc về mình. Từ kết luận của tòa, tôi hy vọng tất cả mọi người có thể nhìn nhận đúng bản chất sự việc.
Anh có thực sự hài lòng với kết luận của tòa án ngày hôm nay?
Ngay từ đầu, mục đích của tôi không đến tòa để đòi quyền lợi về mặt tài chính, điều tôi quan tâm nhất đó chính là sự tôn trọng đối với bản quyền sáng tạo của người nghệ sĩ.
Do vậy, bất luận kết quả như thế nào thì tôi vẫn sẽ tôn trọng quyết định của tòa. Hôm nay, khi tòa đã tuyên vở diễn “Tinh hoa Bắc Bộ” là tác phẩm phái sinh từ vở diễn “Ngày xưa” dựa trên những bằng chứng DS và Tuần Châu đưa ra, những tài liệu từ Cục Bản quyền cung cấp và có kết luận của hội nghề nghiệp tối cao là Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, đó mới là điều đáng giá nhất.
Vậy có thể hiểu rằng đối với phần nội dung phản tố mà không được chấp nhận anh sẽ không kháng cáo?
Tôi không quan tâm đến bất kỳ điều gì khác ngoài việc công nhận vở diễn “Tinh hoa Bắc Bộ” là tác phẩm phái sinh của “Ngày xưa”. Bản thân giao kết của tôi với chủ đầu tư không phải hướng đến số tiền phụ lục mà họ chưa trả như tòa đã tuyên.
Điều mà tôi mong muốn là được trở thành một phần của nền công nghiệp nghệ thuật mà ở đó, chúng ta, tất cả các nghệ sĩ và doanh nghiệp cùng nhau đồng hành phát triển, thượng tôn trí tuệ sáng tạo và làm cho trí tuệ sáng tạo đó thăng hoa, phát sinh lợi ích cho cả hai bên.
Anh có thể nói rõ hơn về việc không cần 10% nữa hay không?
Tôi xin nhắc lại, tôi chưa bao giờ đến đây với mục đích để đòi những quyền lợi tài chính, bao gồm một khoản mà họ cho rằng là “nhỏ” nhưng thực ra đó chỉ là “màn sương mù” che phủ đi một con số khổng lồ. Số tiền này rất lớn nếu tính với một khán đài 2000 chỗ trong suốt vòng đời của sản phẩm dự kiến từ 5 – 10 năm, trung bình mỗi năm là từ 200 – 250 buổi, nhưng tôi không quan tâm nữa!
Thông qua cuộc tranh chấp giữa anh và Tuần Châu, anh có muốn gửi gắm điều gì đối với các văn nghệ sĩ đang sáng tạo nghệ thuật hay không?
Tôi thấy một điều khá nhạy cảm và có phần nào hơi thất vọng, đó là trong vụ việc vừa rồi, có rất nhiều nghệ sĩ họ hiểu vấn đề nhưng họ lại không lên tiếng để xã hội thấy được bản chất sự việc. Tôi cho rằng mỗi người có một sứ mệnh và tôi không có ý kiến gì cả.
Qua đây, tôi chỉ muốn gửi thông điệp đến tất cả các nghệ sĩ sáng tạo ở Việt Nam là phải đấu tranh bảo vệ sự thật, bảo vệ sự sáng tạo chân chính để sự sáng tạo ấy được tôn trọng và thừa nhận trong xã hội.
Đạo diễn Việt Tú: ‘Vụ kiện này chưa bao giờ là sự lựa chọn của tôi’ |
Anh sẽ ứng xử như thế nào với tác phẩm phái sinh “Tinh hoa Bắc Bộ”?
Tôi khẳng định nếu phía Tuần Châu không tiếp tục kiện tụng vô nghĩa và phi lý thì tôi sẽ không có bất kỳ một động thái pháp lý nào tiếp theo. Tôi cho rằng điều quan trọng nhất đã được tìm thấy và đã được tòa giải quyết một cách thỏa đáng. Còn nếu Tuần Châu muốn tiếp tục thì đó là lựa chọn của họ.
Mọi người cần phải biết rằng vụ kiện này chưa bao giờ là sự lựa chọn của tôi. Tất cả những gì đang diễn ra, tôi hoàn toàn là người bị động. Tôi thấy khó hiểu khi mình liên tục bị “tấn công” bởi những luận điểm vô căn cứ.
Tôi khẳng định chưa bao giờ có ý định chiếm đoạt thứ gì không thuộc về mình. Tôi sẵn sàng trả lại cho Tuần Châu với điều kiện họ phải trả lại cho tôi tất cả những thứ mà trong hợp đồng họ chưa thực hiện.
Bản án ngày hôm nay rất quan trọng, nó giúp họ hiểu được phần nào về quyền sở hữu trí tuệ. Nếu không thận trọng, vụ việc dân sự như thế này rất có thể sẽ chuyển sang thành vụ án hình sự.
Nên gọi tác giả đạo diễn của “Tinh hoa Bắc Bộ” như thế nào thì đúng chuẩn mực?
Thực ra tác giả của vở “Tinh hoa Bắc Bộ” cũng có công lao là làm mọi thứ trên nền tảng sáng tạo của tôi. Tôi hy vọng đạo diễn Hoàng Nhật Nam không dại dột khi tiếp tục vụ kiện vì nếu có, đó sẽ là khoảnh khắc lịch sử - lần đầu tiên có một người trong hiệp hội nghề nghiệp mà đi ngược lại phán quyết của tòa, của Hội Nghệ sĩ Sân khấu, của cả những đồng nghiệp uy tín trong nghề. Nếu đạo diễn Hoàng Nhật Nam có sự cầu thị thì vụ việc này sẽ chỉ là một trải nghiệm quan trọng về quyền sở hữu trí tuệ mà bạn ấy có được.
Đến thời điểm này, phía Tuần Châu đã liên lạc với anh hay chưa và họ có ý kiến như thế nào về quãng thời gian vừa qua?
Tuần Châu có thông qua một số kênh để trao đổi với tôi và tôi cũng ghi nhận điều đó. Tuy nhiên, họ vẫn không thỏa mãn với những yêu cầu của tôi, đó là họ phải thừa nhận “Tinh hoa Bắc Bộ” là tác phẩm phái sinh của "Ngày xưa".
Phía Tuần Châu cho rằng trong bản án mà tòa đã tuyên hôm nay, họ đã đạt được 80% mục đích và mục đích tối thượng là đòi được quyền sở hữu đã đạt được, vậy anh đánh giá như thế nào về suy nghĩ của luật sư?
Quan điểm này của luật sư bên phía Tuần Châu tôi thấy rất hài hước, bởi tôi đã bao giờ chiếm đâu mà họ mất công đi đòi!