Tọa đàm có sự tham dự của Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT Trần Hữu Linh; GS.TS Trần Thị Vân Hoa – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân; TS Vũ Văn Ngọc, Viện trưởng Viện Đào tạo Tiên tiến, CLC và POHE; GS.TS Hoàng Đức Thân, Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế… cùng đại diện các đơn vị chức năng của Tổng cục QLTT.
Nhấn mạnh đến sự cần thiết của việc đào tạo cử nhân QLTT, đáp ứng nhu cầu xã hội trong bối cảnh hiện nay, Tổng cục trưởng Trần Hữu Linh cho biết, Lãnh đạo Bộ Công Thương xác định đào tạo mang tính gốc rễ, có đào tạo bài bản mới xây dựng được lực lượng QLTT chính quy, chuyên nghiệp, hiện đại. Vì vậy, Bộ Công Thương đặc biệt chú trọng, coi việc đào tạo chính quy lực lượng QLTT là một nhiệm vụ chiến lược, phải được đẩy mạnh trong thời gian tới.
Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT Trần Hữu Linh. |
“Nghĩa vụ và sứ mệnh của QLTT là bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và các doanh nghiệp” – ông Trần Hữu Linh khẳng định. Theo đó, để thực hiện được sứ mệnh, chiến lược phát triển lực lượng QLTT giai đoạn 2021 – 2025, tầm nhìn 2030 hướng tới mục tiêu: Xây dựng lực lượng quản lý thị trường hiện đại, đạt trình độ chuyên nghiệp, chuyên sâu; Trang thiết bị kỹ thuật hiện đại dựa trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin nhằm thực hiện có hiệu quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các doanh nghiệp.
Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT chia sẻ thêm, hàng năm, nhu cầu tuyển dụng công chức vào lực lượng QLTT rất lớn, từ 200-300 cán bộ. Tổng cục QLTT mong muốn được tuyển dụng cán bộ được đào tạo một cách chính quy, bài bản, đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh hội nhập hiện nay.
Cụ thể hơn về những kỹ năng quan trọng cần trang bị của một cán bộ QLTT, ông Nguyễn Kỳ Minh – Phó Chánh Văn phòng Tổng cục QLTT cho biết, cán bộ QLTT đảm bảo 8 kỹ năng cứng: Nắm vững, thuần thục khối kiến thức cơ bản và nâng cao; Thành thạo kỹ năng phân tích, tổng hợp, dự báo; Thuần thục trong thực hiện các biện pháp nghiệp vụ; Nhuần nhuyễn trong thực hiện quy trình, nội dung kiểm tra, thanh tra chuyên ngành; Phát hiện và xử lý các tình huống phát sinh trong tổ chức, triển khai hoạt động QLTT; Phân tích, đánh giá, tìm hiểu nguyên nhân vấn đề và đề xuất các giải pháp xử lý tình huống; Giải quyết xung đột giữa các chủ thể; Thành thạo trong việc tổ chức thực hiện các hoạt động hỗ trợ.
Cùng với đó, một cán bộ QLTT cần có kỹ năng mềm: ngoại ngữ, ứng dụng CNTT, thương mại điện tử; sử dụng các trang, thiết bị công nghệ cao phục vụ nghiệp vụ; nắm bắt tâm lý, đấu tranh với đối tượng vi phạm; nguyên lý kế toán, quản lý hoá đơn, chứng từ…
GS. TS Trần Thị Vân Hoa – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân. |
Đánh giá về vai trò của lực lượng QLTT, GS. TS Trần Thị Vân Hoa – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân khẳng định, được hình thành từ năm 1957, lực lượng QLTT có nhiều đóng góp quan trọng vào sự ổn định và phát triển kinh tế đất nước. Tuy nhiên, trong suốt thời gian hình thành và phát triển, đa số cán bộ quản lý thị trường được hình thành từ các nguồn đào tạo khác nhau, làm việc theo kinh nghiệm, chưa có sự chuyên sâu; đặc biệt, vẫn chưa có trường đại học nào ở Việt Nam đào tạo chính quy ngành quản lý thị trường.
Ngày 4/1 vừa qua, Trường Đại học Kinh tế quốc dân và Tổng cục Quản lý thị trường đã tổ chức lễ ký kết thoả thuận hợp tác đào tạo cử nhân ngành Quản lý thị trường. Theo Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân, đây là sự kiện có ý nghĩa về phát triển lực lượng, là dấu mốc mang tính lịch sử, đặt nền móng cho đào tạo nguồn nhân lực chính quy của quản lý thị trường. Đây cũng là tiền đề quan trọng để đào tạo nên một lực lượng công chức quản lý thị trường trong tương lai mạnh về trình độ chuyên môn, am hiểu về chính sách pháp luật, có kỹ năng nghề nghiệp khắc phục những hạn chế và yếu kém trong hoạt động công vụ, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mà Đảng, Chính phủ và Nhân dân giao phó.
Trường Đại học Kinh tế quốc dân đã phối hợp với Tổng cục Quản lý thị trường dự thảo chương trình và giáo trình đào tạo chính quy bậc Đại học chuyên ngành Quản lý thị trường. Toạ đàm được tổ chức hôm nay đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp để bổ sung, hoàn thiện nhu cầu đào tạo, yêu cầu nghề nghiệp, chương trình đào tạo… từ đó, hoàn thiện khung chương trình đào tạo cũng như chuẩn đầu ra, đáp ứng được nhu cầu xã hội đối với các cử nhân ngành Quản lý thị trường trong tương lai.