Dấu chấm hết của trật tự hậu Xô Viết

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Cuộc xung đột dai dẳng với Ukraine đang khiến vị thế của nước Nga suy yếu ở vùng Trung Á và Caucasus.
Dấu chấm hết của trật tự hậu Xô Viết

Điện Kremlin đã phải vật lộn để kiềm chế hậu quả của cuộc xung đột với Ukraine. Các nhà lãnh đạo Nga không tưởng tượng rằng cuộc xung đột này đã tạo động lực đoàn kết trong cộng đồng phương Tây, hoặc quân đội Ukraine sẽ kháng cự bền bỉ đến vậy, cũng như việc phải huy động lực lượng quân dự bị, một biện pháp quyết liệt có thể gây ra những hậu quả tiêu cực trong nước. Thay vào đó, một cuộc chiến dịch quân sự nhằm khôi phục sức mạnh của Nga đã khiến vị thế của nước này trở nên lung lay.

Tổng thống Nga Vladimir Putin coi Ukraine là một phần trong phạm vi ảnh hưởng hợp pháp của Nga, nhưng những diễn biến hiện chỉ ra rằng phạm vi ảnh hưởng đó đang bị thu hẹp lại. Nga đang mất dần vị thế ở những khu vực mà nước này lâu nay có sức ảnh hưởng sâu rộng. Không nơi nào cảm nhận điều này rõ hơn các quốc gia Nam Caucasus và Trung Á. Thật vậy, khu vực rộng lớn ở phía nam của Nga dường như đang trải qua một sự thay đổi kiến ​​tạo khỏi quỹ đạo Moscow vì nhiều lý do chồng chéo.

Quá căng thẳng, Nga dường như không còn có thể đóng vai trò là người bảo đảm an ninh khu vực cho các chính quyền Caucasus và Trung Á. Cuộc xung đột Nga-Ukraine đã khiến nhiều quốc gia ở khu vực này dần lung lay niềm tin vào Moscow. Cuộc xung đột cũng đã đặt ra câu hỏi về di sản của Đế quốc Nga năm xưa và sự cần thiết của các quốc gia ở phía nam để loại bỏ hành trang đế quốc đó. Sự sa lầy của Nga ở Ukraine đã làm suy giảm vị thế của nước này ở Nam Caucasus và Trung Á, và một số cường quốc, chủ yếu là Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ, lại hưởng lợi. Dù vậy, Nga sẽ vẫn là một nhân tố tích cực và quan trọng trong khu vực, nhưng vai trò của họ sẽ bị giảm đi nhiều do cuộc xung đột với Ukraine.

Gặp bất lợi tại Caucasus

Sau khi Liên Xô tan rã, Nga vẫn là một cường quốc và thường xuyên hiện diện trong chính trường của nhiều quốc gia ở Nam Caucasus và Trung Á. Trong nhiều năm, Nga đã giúp giữ cho một số cuộc xung đột trong khu vực “đóng băng”.

Đứng đầu trong số các cuộc chiến này là tranh chấp giữa Armenia và Azerbaijan về vùng lãnh thổ Nagorno-Karabakh. Vai trò của Nga đã bị đặt dấu hỏi ngay cả trước cuộc xung đột tại Ukraine, khi cuộc chiến sự bùng phát vào năm 2020. Trong một chiến dịch chớp nhoáng, quân đội Azerbaijan đã giành quyền kiểm soát nhiều vùng của Karabakh và một số vùng lãnh thổ lân cận. Bị đánh bại, Armenia buộc phải chấp nhận một hành lang đất liền xuyên nước này nối Azerbaijan với vùng tự trị Nakhchivan.

Trước những sự kiện này, người Armenia đã không giấu được sự bất bình và thất vọng đối với Nga. Các quan chức Nga cho rằng họ bất khả kháng trong cuộ xung đột này, các đảm bảo an ninh của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) chỉ bao gồm các biên giới được chính thức công nhận của Armenia, không phải lãnh thổ tranh chấp của Karabakh.

Nhưng Nga đã đánh mất ảnh hưởng và niềm tin của Armenia khi đi nước đôi: nước này đã trở thành một trong những nhà cung cấp thiết bị quân sự chính cho Azerbaijan và cũng cho phép Thổ Nhĩ Kỳ - kẻ thù lịch sử của Armenia và đồng minh chính của Azerbaijan - một chỗ ngồi trên bàn đàm phán khu vực về cuộc xung đột.

Hai năm sau, cuộc xung đột ở Ukraine đã làm căng thẳng thêm tình hình ở Nam Caucasus, khuyến khích Azerbaijan tiếp tục mở rộng lãnh thổ. Một lệnh ngừng bắn liên tục hiện đã được duy trì, nhưng triển vọng cho các cuộc đàm phán hòa bình có vẻ mờ mịt. Nhóm Minsk, vốn phụ trách các cuộc đàm phán hòa bình, khó có khả năng tạo ra bước đột phá do nhóm này bao gồm các đại diện từ Nga và các nước châu Âu hiện đang mâu thuẫn về cuộc chiến ở Ukraine.

Thủ tướng Nikol Pashinyan đã than thở về việc Nga không có khả năng hỗ trợ Armenia và tham gia vào việc bảo vệ nước này, cho thấy rằng chính quyền Moscow là một đồng minh không đáng tin cậy. Một số người biểu tình thậm chí đã kêu gọi Armenia rời khỏi CSTO. Trong khi đó, Điện Kremlin coi việc Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi tới thăm Armenia là một hành động khiêu khích. Còn người Armenia coi đây là dấu hiệu cho thấy sự suy yếu của Nga.

Việc Nga xung đột với Ukraine có khả năng kích hoạt các cuộc xung đột khác ở Nam Caucasus. Moscow đã sử dụng Nam Ossetia và Abkhazia, hai khu vực ly khai của Gruzia, để gây áp lực buộc chính quyền Tbilisi từ bỏ quan điểm thân phương Tây. Chính phủ Gruzia hiện tại đã cẩn thận không có lập trường quá cứng rắn đối với cuộc chiến ở Ukraine.

Nhưng tin đồn xuất phát từ Nga rằng nam giới ở Nam Ossetia và Abkhazia có thể được huy động để chiến đấu ở Ukraine - nhiều cư dân của các nước cộng hòa ly khai, đặc biệt là ở Nam Ossetia, có hộ chiếu Nga - báo hiệu cho Tbilisi rằng căng thẳng địa phương có thể bùng phát trở lại, và chính quyền Gruzia sẽ phải quyết định phản ứng như thế nào nếu công dân Ossetia và Abkhaz được huy động để chiến đấu cho Nga.

Sự ngờ vực tại Trung Á

Cuộc xung đột với Ukraine cũng gây bất lợi cho Nga theo một cách khác. Quyền lực mềm của Moscow đã bị suy yếu trên phần lớn không gian hậu Xô Viết, đặc biệt là ở Trung Á. Các quốc gia Trung Á đã cố gắng chống lại sức ép của Nga để đứng về phía Điện Kremlin trong vấn đề Ukraine, một mặt kêu gọi một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột, trong khi không lên án Nga tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Không một chính phủ nào trong số này có thể tỏ ra ủng hộ Ukraine vì họ phụ thuộc nhiều vào Nga về mặt an ninh và kinh tế.

Mỗi nước có một lập trường khác nhau. Sadyr Japarov - Tổng thống Kyrgyzstan, nhấn mạnh rằng Nga có quyền đảm bảo "sự bảo vệ của người dân Donbas". Mạnh mẽ hơn, Kazakhstan đã cho phép một số cuộc biểu tình ủng hộ Ukraine diễn ra hồi mùa xuân. Vào tháng 3, Uzbekistan đã đứng lên bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine khi ngoại trưởng nước này đưa ra một tuyên bố nghiêm khắc từ chối công nhận tính hợp pháp của các nước ly khai ở phía đông Ukraine.

Về nỗ lực của Nga trong việc chính thức sáp nhập một phần lãnh thổ của Ukraine, các chính quyền Trung Á cũng không công nhận những cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức hồi tháng 9. Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev đã đưa ra lập trường cứng rắn nhất về vấn đề, tương tự việc nước này từ chối công nhận nền độc lập của Abkhazia và Nam Ossetia, cũng như việc Nga sáp nhập Crimea.

Cuộc chiến ở Ukraine cũng giáng một đòn mạnh vào một loại sức mạnh khác của Nga: uy tín quân sự. Thật vậy, những thất bại quân sự của Nga đã khiến các chính phủ độc tài ở Trung Á vô cùng ngạc nhiên. Ngay cả khi từ lâu đã hiểu Nga là một đối tác khôn lanh, họ đã tin tưởng vào Moscow như một nhân tố đảm bảo an ninh và là nguồn ổn định của chế độ. Cuộc xung đột tại Ukraine đã làm lung lay sâu sắc nhận thức đó. Đối với các chính phủ đã quen với việc nhận các thiết bị quân sự của Nga với giá chiết khấu và cử các sĩ quan du học tại các học viện quân sự Nga, những sự kiện gần đây đột nhiên đặt ra câu hỏi về sự phát triển trong tương lai của quân đội của họ.

Dù vậy, các chính phủ trong khu vực vẫn dựa vào sức mạnh quân sự của Nga: vào tháng 1, quân đội Nga đã được cử đến Kazakhstan để hỗ trợ chính quyền Tổng thống Kassym-Jomart Tokayev trước làn sóng bạo động trên toàn quốc. Người Nga nhanh chóng rời đi mà không làm suy yếu đáng kể tính hợp pháp của Astana.

Tuy nhiên, giờ đây các đối tác của Nga trong CSTO nhận thấy các lực lượng Nga đang bị kéo dãn và căng thẳng. Các nước Trung Á nhận ra rằng Nga không quan tâm đến các cuộc đụng độ biên giới giữa Kyrgyzstan và Tajikistan khiến khoảng 100 người thiệt mạng hồi tháng 9, ngay cả khi các cuộc đụng độ nằm ngoài quyền tài phán của CSTO, thì sự im lặng của Moscow vẫn đáng lưu tâm.

Những toan tính đế quốc

Những luận điệu của Tổng thống Vladimir Putin và việc ông phủ nhận sự tồn tại của một quốc gia Ukraine hợp pháp, riêng biệt cũng đã cho thấy nước Nga đang có những toan tính mở rộng sức ảnh hưởng.

Mặc dù Uzbekistan và Turkmenistan xây dựng quốc gia của họ bằng cách bác bỏ quá khứ từng thuộc Liên Xô, các chính phủ Kazakhstan, Kyrgyzstan và Tajikistan đã không sử dụng luận điệu này. Cho đến gần đây, chỉ có một số bộ phận nhỏ dư luận địa phương - thường chỉ giới hạn ở những người có quan điểm tự do, dân tộc chủ nghĩa hoặc Hồi giáo - đã yêu cầu các quốc gia của họ thực hiện một số biện pháp để xóa bỏ quá khứ thuộc Liên Xô, bao gồm công nhận việc từng là thuộc địa của Đế quốc Nga và Liên Xô, làm giảm vị thế của tiếng Nga, và viết lại sách giáo khoa lịch sử. Nhưng trước diễn biến ở Ukraine, quan điểm xét lại đã lan rộng hơn, đặc biệt là ở Kazakhstan và Kyrgyzstan.

Ví dụ, các mạng xã hội ở Trung Á đã xôn xao trước thông tin Nga cho nhập ngũ người dân tộc thiểu số, thường là người theo đạo Hồi, với tỷ lệ cao hơn người gốc Nga. Điều này dẫn đến tạo ra sự chênh lệch thương vong, đặc biệt là trong trường hợp của những người lính từ nước cộng hòa Dagestan, các nhà chức trách Nga đang thúc đẩy những người di cư Trung Á nhập ngũ.

Những thông tin này đang khiến nhiều người nghĩ Nga ưu tiên đẩy người dân tộc thiểu số ra tiền tuyến. Chính phủ Nga đã đưa ra một chương trình cung cấp quyền công dân nhanh chóng cho những người lao động nhập cư muốn gia nhập quân đội (Nga không phải là ngoại lệ, phần lớn các quân đoàn nước ngoài trên thế giới đều đưa ra đề nghị này). Điều này có thể thu hút một số nam thanh niên muốn lập thân trong xã hội Nga. Nhưng các chính phủ Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajik và Uzbekistan đã khẳng định rằng công dân của họ không được phép chiến đấu ở Ukraine và sẽ phải đối mặt với hình phạt, thậm chí có thể bị bỏ tù, nếu vi phạm.

Việc hàng loạt công dân Nga đổ xô tới Trung Á, đầu tiên là vào đầu tháng 3, rồi sau đó vào cuối tháng 9, nhằm tránh phải nhập ngũ, đã gây ra nhiều cảm xúc lẫn lộn ở Trung Á. Một số người sẵn lòng giúp đỡ những người mới đến, họ coi những người Nga trẻ tuổi và có tay nghề cao này là tài sản cho sự phát triển của đất nước. Những người khác đã coi sự xuất hiện của quá nhiều người Nga tiếp tục tạo ra sự thống trị mới của văn hóa Nga và ngôn ngữ Nga ở đất nước của họ.

Kết thúc trật tự cũ

Vị thế suy yếu của Nga ở Trung Á và vùng Caucasus đã mang lại lợi ích cho các quốc gia khác. Hội nghị thượng đỉnh hợp tác Thượng Hải gần đây tại Samarkand đã chứng minh rằng Tổng thống Nga không còn là nhà lãnh đạo có ảnh hưởng nhất trong khu vực, bởi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đang nổi lên như những ứng cử viên nặng ký.

Khi nền kinh tế Nga suy giảm, Trung Quốc sẽ trở thành nhà cung cấp các khoản đầu tư cơ sở hạ tầng lớn thậm chí nổi bật hơn trong khu vực. Thổ Nhĩ Kỳ đã giành cho mình một vị thế mới với tư cách là một nhà trung gian hòa bình tiềm năng ở Kavkaz và đang tận dụng khéo léo vị trí trung gian giữa Moscow và Kyiv để thúc đẩy vị thế của mình trong khu vực Đông Âu.

Về lý thuyết, EU có thể giành được lợi thế nếu họ có thể tìm ra cách liên kết lại với Armenia, Azerbaijan và Georgia và tạo ra các hình thức quan hệ đối tác mới cho 3 quốc gia này, để duy trì một thế trận đối đầu với Nga. Đối với Mỹ, nước này tiếp tục được coi là một đối tác không đáng tin cậy ở khu vực Caucasus và Trung Á, đặc biệt là sau cuộc rút quân khỏi Afghanistan vào năm 2021.

Nhưng sẽ là khôn ngoan nếu các nước phương Tây không tán dương việc Nga cố gắng giữ vai trò người bảo đảm an ninh cho Caucasus và Trung Á. Mặc dù sự suy giảm ảnh hưởng của Nga có thể mở ra cơ hội mới cho các quốc gia này để định hình lại vận mệnh của mình, nhưng nó cũng có thể tạo ra làn sóng căng thẳng trong khu vực, thể hiện rõ ràng trong những nỗ lực chủ động của Azerbaijan nhằm hoàn thành việc tái chiếm Karabakh.

Các quốc gia Trung Á và Nam Caucasus dường như đã phải chịu nhiều thiệt hại do sự suy giảm của nền kinh tế Nga và tác động của các lệnh trừng phạt của phương Tây nhắm vào Nga: thu hẹp lượng kiều hối, vốn chiếm một phần quan trọng của nền kinh tế Armenia, Kyrgyzstan , Tajikistan và Uzbekistan, có nguy cơ gây hại cho nhiều người dân trong khu vực.

Các nước phương Tây cũng không nên kỳ vọng làn sóng chống đối Nga ở Nam Caucasus và Trung Á. Mặc dù suy giảm vị thế, Nga vẫn là một cường quốc trong khu vực. Mối liên kết quân sự, kinh tế và giao lưu nhân dân giữa Nga và các nước trong khu vực sẽ tồn tại lâu dài và khó đột ngột biến mất. Sự thống trị của Nga có thể đang rạn nứt, nhưng chưa có trật tự rõ ràng nào được hình thành để thế chỗ.

Theo Foreign Affairs
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
(Ngày Nay) - Tròn 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, Quân đội nhân dân Việt Nam cùng với toàn dân đã lập nên những chiến công vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc.
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
(Ngày Nay) - Vào một buổi chiều giá lạnh gần đây tại thành phố Kovel, miền Tây Ukraine, một người đàn ông tóc bạc, mặc quân phục chuẩn bị lên tàu. Vài phút sau, tàu rời ga trong một hành trình dài về phía Đông đất nước, hướng đến tiền tuyến trong cuộc chiến với Nga.
Ảnh minh hoạ.
Nga phát triển phương pháp mới chống bệnh huyết khối
(Ngày Nay) - Các nhà khoa học thuộc Đại học Vật lý và Công nghệ Moskva và Trung tâm Khoa học Lâm sàng Liên bang về Y học Hóa lý mang tên Lopukhin trực thuộc Cơ quan Y Sinh Liên bang của Nga đã phát triển một phương pháp mới để phân tích các hoạt chất sinh học có tác dụng trong việc tìm kiếm thuốc chống đông máu - những chất ngăn chặn hình thành cục máu đông.
“Việt Nam là bạn…”
“Việt Nam là bạn…”
(Ngày Nay) - Không chỉ bảo vệ vững chắc Tổ quốc, Quân đội nhân dân Việt Nam còn cử lực lượng tham gia hoạt động Gìn giữ Hòa bình Liên Hợp Quốc tại các quốc gia và khu vực đói nghèo, có xung đột vũ trang tại Châu Phi. Cùng với đó, bộ đội ta cũng từng lên đường hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ khắc phục hậu quả động đất… Tại sao phải cử bộ đội đi lo những chuyện “thiên hạ”? Đó có phải là những việc làm phù phiếm và viển vông?
Tìm hiểu vaccine ngừa ung thư của Nga
Tìm hiểu vaccine ngừa ung thư của Nga
(Ngày Nay) - Nga vừa thông báo tuyển tình nguyện viên để thử nghiệm lâm sàng vaccine ngừa ung thư mới có tên là Enteromix. Vaccine do Trung tâm Nghiên cứu Y học Quốc gia về X quang của Bộ Y tế và Viện Y sinh Engelhardt thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga hợp tác điều chế, được Nga tuyên bố là bước đột phá trong cuộc chiến chống ung thư.