Dấu hiện nhận biết và cách phòng bệnh viêm não Nhật Bản

Bệnh viêm não Nhật Bản thường gặp ở trẻ lớn sau 5 tuổi đến khoảng 15-16 tuổi. Giai đoạn đầu của bệnh giống các bệnh viêm não khác, tuy nhiên bệnh này có tỷ lệ di chứng cao.
Trẻ mắc viêm não Nhật Bản đang điều trị tại bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh: VGP/Hiền Minh
Trẻ mắc viêm não Nhật Bản đang điều trị tại bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh: VGP/Hiền Minh

Bệnh thường gặp vào mùa Hè

Mới đây, Hà Nội đã ghi nhận ca viêm não Nhật Bản đầu tiên trong năm 2019. Đó là trường hợp một bệnh nhân 4 tuổi ở huyện Chương Mỹ. Trẻ nhập viện trong tình trạng sốt cao, ly bì, co giật… Sau khi được các bác sĩ tích cực điều trị, hiện sức khỏe của trẻ đã tiến triển.

TS.BS Đỗ Thiện Hải, Phó trưởng khoa Truyền nhiễm, bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, trong tuần qua, khoa có tiếp nhận một số ca nhập viện được chẩn đoán viêm não Nhật Bản. Bệnh này đa số ghi nhận mắc ở trẻ lớn từ sau 5 tuổi đến 15-16 tuổi. Những trẻ này mặc dù đã được tiêm đủ 3 mũi theo lịch tiêm chủng, nhưng không được tiêm mũi nhắc lại sau 3-5 năm.

Cũng theo TS.BS Đỗ Thiện Hải, bệnh viêm não Nhật Bản thường ghi nhận các ca bệnh gia tăng vào mùa Hè, nhất là khu vực phía Bắc như Sơn La, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Hà Nam…

Một trong những nguồn lây bệnh được chỉ ra là do vật nuôi như lợn, trâu bò… và muỗi là đường lây truyền trung gian. Tức là khi lợn, trâu bò… mắc bệnh, muỗi đốt phải những động vật này, sau đó đốt sang người và truyền virus bệnh cho người.   

Một số tỉnh miền Bắc có trồng một số loại quả có vị ngọt như Hải Dương, Bắc Giang… mặc dù không phải quả đó mang bệnh cho trẻ, nhưng do một số loài chim mang virus ăn phải những loại quả đó và nếu trẻ ăn phải, trẻ sẽ có nguy cơ mắc bệnh.

Theo số liệu năm 2018 của Bộ Y tế, không ghi nhận trường hợp tử vong do viêm não Nhật Bản, tuy nhiên, tỷ lệ di chứng để lại còn rất cao, từ 20-40%, có trẻ mặc dù đã qua giai đoạn viêm nhưng vẫn khó thở, vẫn phải dùng tới các biện pháp hỗ trợ. Điều nguy hiểm là các di chứng do viêm não Nhật Bản rất khó hồi phục.

Hiện tại, khoa Truyền nhiễm, bệnh viện Nhi Trung ương đang điều trị cho 3 bé biến chứng nặng từ bệnh này, trẻ không tự thở được.

Dấu hiện nhận biết và cách phòng bệnh viêm não Nhật Bản ảnh 1

Ngoài 3 mũi tiêm cơ bản, trẻ cần phải được tiêm nhắc lại sau 3-5 năm tiếp theo vaccine phòng viêm não Nhật Bản cho đến khi trẻ qua 15 tuổi. Ảnh: VGP/Hiền Minh

Trẻ cần được tiêm các mũi nhắc lại cho đến khi 15 tuổi 

Theo các chuyên gia y tế, từ tháng 5 đến tháng 8 hằng năm là thời gian cao điểm ghi nhận các ca bệnh viêm não Nhật Bản. Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, nhiều quốc gia vẫn còn lưu hành bệnh này với tỷ lệ cao như các nước Đông Nam Á, Ấn Độ, Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Philippines.

Ở Việt Nam, bệnh viêm não Nhật Bản ghi nhận ở nhiều tỉnh thành trên cả nước. Hàng năm có khoảng từ vài trăm đến 1.000 trường hợp mắc viêm não virus và số trường hợp mắc bệnh viêm não Nhật Bản chiếm khoảng 20%. Tuy nhiên, từ năm 1997 sau khi triển khai tiêm vaccine phòng bệnh viêm não Nhật Bản trong Chương trình tiêm chủng mở rộng, số người mắc và chết do viêm não Nhật Bản đã giảm đi rất nhiều.

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) cho biết, viêm não Nhật Bản là bệnh cấp tính do virus gây ra, làm tổn thương nghiêm trọng hệ thần kinh trung ương. Bệnh có tên là viêm não Nhật Bản là do được phát hiện lần đầu tiên tại Nhật Bản và các nhà khoa học Nhật Bản cũng là người tìm ra virus gây bệnh.

Ổ bệnh trong tự nhiên là một số loài chim. Bệnh không lây truyền trực tiếp từ người sang người hoặc từ động vật sang người mà lây truyền thông qua muỗi đốt. Loại muỗi gây truyền bệnh viêm não Nhật B ản là muỗi Culex, thường đẻ trứng và nở ra bọ gậy phát triển ở các cống rãnh hoặc ao hồ nước tù, ruộng lúa... Muỗi này thường hay ở trong các bụi rậm hoặc chuồng gia súc.

Người mắc bệnh viêm não Nhật Bản có diễn biến rất đa dạng. Một số không có triệu chứng hoặc triệu chứng rất nhẹ, một số trường hợp lại diễn biến thành viêm não nặng. Bệnh nhân sau khi nhiễm virus 5-15 ngày thì xuất hiện các triệu chứng như: Nhức đầu, nôn mửa, sốt, lú lẫn và co giật, có thể phù não rất nặng dẫn đến tử vong hoặc để lại các di chứng như yếu, liệt, động kinh, rối loạn tâm thần hay chậm phát triển trí tuệ...

Với trẻ nhỏ, các dấu hiệu không điển hình và khó phát hiện hơn nên cần phải dựa vào một số dấu hiệu quan trọng như: Sốt, nôn nhiều, thóp phồng, co giật, co cứng, cử động bất thường, li bì hoặc hôn mê.

Để phòng bệnh viêm não Nhật Bản, các chuyên gia y tế khuyến cáo, biện pháp tốt nhất là tiêm phòng vaccine phòng bệnh và diệt muỗi, loăng quoăng phòng chống muỗi đốt.

Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, trẻ cần phải được tiêm vaccine phòng bệnh viêm não Nhật Bản 3 mũi cơ bản gồm: Mũi 1 sau 1 tuổi, mũi 2 sau mũi 1 từ 1-2 tuần, mũi 3 sau mũi 2 khoảng 1 năm. Sau đó, cứ 3-5 năm tiêm nhắc lại cho trẻ cho đến khi trẻ qua 15 tuổi. Nếu trẻ chỉ được tiêm 3 mũi đầu, tỷ lệ bảo vệ của vaccine chỉ đạt 90-95% trong 3 năm đầu sau tiêm.

Theo VGP
TIN LIÊN QUAN
Phở - Một thế kỷ định hình và lan tỏa
Phở - Một thế kỷ định hình và lan tỏa
(Ngày Nay) - Phở ra đời trong bối cảnh giao thoa văn hóa Việt - Pháp đầu thế kỷ 20 và được coi là món ăn quốc dân của Việt Nam, vượt qua thời gian để trở thành biểu tượng ẩm thực độc đáo. Từ những gánh hàng rong đến những quán phở gia truyền và hàng loạt chuỗi nhà hàng cao cấp, phở đã trở thành câu chuyện văn hóa và kinh tế mang tính biểu tượng.