Theo ThS.BS Nguyễn Phương Thảo, Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương, với bệnh thuỷ đậu, giai đoạn tiền triệu chứng thường kéo dài 1- 2 ngày trước khi xuất hiện ban, người bệnh mệt mỏi, sốt từ 37,8° - 39,4°C. Ban trên da xuất hiện đầu tiên trên mặt và thân, nhanh chóng lan ra tất cả các vùng khác trên cơ thể.
Ban lúc đầu có dạng rát sẩn, tiến triển đến phỏng nước trong vòng vài giờ đến một vài ngày. Phần lớn các nốt phỏng có kích thước nhỏ 5 - 10 mm, có vùng viền đỏ xung quanh. Các tổn thương da có dạng tròn hoặc bầu dục; vùng giữa vết phỏng dần trở nên lõm khi quá trình thoái triển của tổn thương bắt đầu.
Các nốt phỏng ban đầu có dịch trong, dạng giọt sương, sau đó dịch trở nên đục; nốt phỏng bị vỡ hoặc thoái triển, đóng vảy; vảy rụng sau 1 đến 2 tuần, để lại một sẹo lõm nông.
Ban thuỷ đậu thường xuất hiện từng đợt liên tiếp trong 2 - 4 ngày khi đang mắc bệnh; trên mỗi vùng da có thể có mặt tất cả các giai đoạn của ban - dát sẩn, phỏng nước và vảy.
Bác sĩ cũng chú ý, khi trẻ có triệu chứng sốt, phát ban phỏng nước, gia đình nên cách ly trẻ không tiếp xúc với mọi người xung quanh để tránh lây nhiễm; giữ phòng ở thông thoáng, sạch sẽ, có ánh nắng mặt trời. Cần tránh làm vỡ các nốt thuỷ đậu vì dễ gây bội nhiễm và có thể tạo thành sẹo tồn tại lâu dài.
Nếu trẻ sốt trên 38º5 độ, cho trẻ uống thuốc hạ sốt thành phần Paracetamol, cách 4-6 giờ/ lần, kết hợp chườm ấm. Khi chườm ấm cho trẻ thủy đậu, cần dùng nước ấm tan giá (không quá ấm nóng) để tránh gây vỡ, bỏng rát các phỏng nước trên cơ thể.
Đặc biệt, nếu trẻ mắc thuỷ đậu có các biểu hiện ho nhiều, khó thở, mệt mỏi, li bì cần đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, điều trị kịp thời, tránh biến chứng nặng.