Ông Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương chia sẻ với báo chí: đầu năm 2017, mỗi tháng bệnh viện tiếp nhận 2-3 trường hợp mắc sởi đến điều trị nội trú. Tuy nhiên trong 3 tháng gần đây, con số này tăng lên khoảng 20 - 24 cháu/tháng. Nhiều bà mẹ chủ quan trong việc tiêm phòng sởi dẫn đến em bé không có miễn dịch chủ động. Nếu không kịp thời phát hiện và chăm sóc đúng cách, trẻ có thể bị biến chứng dẫn đến tử vong.
BS khuyến cáo, để tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra, các bậc phụ huynh cần phân biệt rõ gi bệnh sởi với sốt phát ban, đồng thời nắm rõ những dấu hiệu, nhận biết sớm của bệnh để kịp thời điều trị, tránh biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
Cùng với bệnh sởi, dịch dau mắt đỏ cũng đang “hoành hành” người dân. Theo bác sĩ Nguyễn Ngọc Hà - bệnh viện Mắt Hà Nội, bệnh đau mắt đỏ có thể xuất hiện ở bất kỳ thời điểm nào trong năm nhưng riêng thời điểm giao mùa là dễ gặp và lây lan mạnh hơn cả. Lý do là bởi điều kiện vệ sinh sau mùa lũ không được đảm bảo, người dân sử dụng phải nguồn nước ô nhiễm, dẫn đến viêm kết mạc cấp.
Ảnh minh họa |
Phần lớn nguyên nhân là bởi mắt tiếp xúc với vi khuẩn và virus, đặc biệt là vi khuẩn Adenovirus, liên cầu, tụ cầu, phế cầu... Con đường lây bệnh chủ yếu qua tiếp xúc trực tiếp với dử mắt của bệnh nhân thông qua bàn tay hoặc các vật dụng trung gian như khăn mặt, chậu rửa, cốc chén, đồ chơi, chăn gối... chưa được vệ sinh sạch sẽ; bệnh cũng có thể lây qua hơi thở, nước bọt người bệnh mang mầm bệnh như nói chuyện quá gần, ho, hắt hơi...
Bác sĩ Ngọc Hà cho hay, bệnh nhân khi mắc bệnh đau mắt đỏ sẽ cảm thấy khó chịu, cộm trong mắt như có cát. Sau khi ngủ dậy sẽ thấy khó mở mắt do nhiều dử mắt dính chặt, hai mi mắt bị sưng mọng... Một số trường hợp viêm kết mạc cấp do vi rút sẽ bị nổi hạch trước tai sưng và đau, có thể kèm theo các triệu chứng viêm đường hô hấp như ho, sốt, sổ mũi, khò khè.
Trước nguy cơ dịch đau mắt đỏ có thể lan rộng, Sở Y tế Hà Nội đã đề nghị Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội phối hợp với các TTYT các quận/huyện đẩy mạnh tuyên truyền ngay cho người dân các xã bị ngập lụt biện pháp vệ sinh môi trường, thu dọn rác thải, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh; Đóng gói, phát và hướng dẫn người dân cách sử dụng cloramin B, phèn chua để xử lý nước sinh hoạt hàng ngày; Hướng dẫn người dân vùng ngập lụt biết cách chủ động phòng tránh các dịch bệnh thường gặp khi mưa lũ như sốt xuất huyết; sốt rét; đau mắt đỏ; bệnh ngoài da…