Đồng thời kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ và các Bộ ngành về các văn bản quy phạm pháp luật khác liên quan đến hoạt động thị trường bất động sản Việt Nam.
Thị trường đã vượt qua "cơn bĩ cực" nhưng vẫn còn đối diện nhiều khó khăn
Báo cáo tổng kết hoạt động 2023 và phương hướng, kế hoạch hoạt động 2024, VNREA nhận định năm 2023, thị trường bất động sản phủ một gam màu xám của sự trầm lắng, khó khăn. Các doanh nghiệp bất động sản phải đối diện chủ yếu với 3 nhóm điểm nghẽn lớn nhất về cơ sở pháp lý, nguồn vốn và quy trình, trình tự thủ tục. Số lượng doanh nghiệp phá sản, giải thể, dừng hoạt động tăng lên, đi ngược với sự thụt lùi trong số lượng doanh nghiệp bất động sản thành lập mới năm 2023.
Trong bối cảnh đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt, sát sao chỉ đạo triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
Quốc hội cũng đã thông qua 3 bộ Luật "xương sống" của thị trường gồm: Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản và các Luật khác liên quan. Bộ ngành đang khẩn trương lấy ý kiến các nghị định, thông tư hướng dẫn các Luật nêu trên để kịp thời thi hành từ ngày 1/1/2025.
Mới đây nhất, Thủ tướng Chính phủ đã đốc thúc, yêu cầu các bộ, ngành sớm trình các nghị định hướng dẫn chi tiết thi hành Luật Đất đai mới sửa đổi, làm cơ sở để Chính phủ đề xuất Quốc hội cho phép luật có hiệu lực từ ngày 1/7/2024.
Trong bối cảnh đó, với tinh thần đồng hành, sát cánh cùng doanh nghiệp bất động sản, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đã tập trung đề xuất nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Các vấn đề khó khăn, vướng mắc khác đã được các bộ, ngành, Chính phủ tiếp thu và cơ bản được đưa vào sửa đổi trong Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản. Theo đó, hoạt động tham gia góp ý sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật của VNREA được lãnh đạo Chính phủ, Quốc hội đánh giá cao.
Thị trường BĐS đã qua giai đoạn khó khăn, đang bước vào giai đoạn hồi phục và tăng trưởng mới. |
Hiệp hội cũng tiếp tục tập trung góp ý sửa đổi cơ chế chính sách tới các cấp thẩm quyền, các vấn đề về việc xây dựng các nghị định, thông tư liên quan đến thị trường bất động sản. Đặc biệt là về cơ chế, chính sách, tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp, quy trình, trình tự, thủ tục triển khai đầu tư dự án khu nhà ở và khu đô thị.
“Ngay từ đầu năm, Hiệp hội đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, hỗ trợ cho sự phục hồi của thị trường bất động sản nói chung và các doanh nghiệp bất động sản nói riêng. Trong quý II, ngoài Hội nghị BCH, BTV và gặp mặt đầu xuân năm 2024, Hiệp hội sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả các hoạt động liên quan đến góp ý, phản biện chính sách; phổ biến các chính sách, pháp luật mới để các doanh nghiệp hội viên nắm bắt, tổ chức một số hội nghị tiếp thu ý kiến doanh nghiệp về khó khăn và giải pháp tháo gỡ, trực tiếp lãnh đạo hiệp hội tham gia để ghi nhận ý kiến; tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư tại một số địa phương có ngành công nghiệp trọng điểm như Bắc Giang, Thái Nguyên… Trong hoạt động hợp tác quốc tế, Hiệp hội sẽ tiếp tục đẩy mạnh tham gia các hội nghị Fiabci toàn cầu, hội nghị bất động sản quốc tế và nhiều các hoạt động ý nghĩa, quan trọng khác”, TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch VNREA cho biết.
Tháo gỡ cho thị trường bất động sản là 1 giải pháp quan trọng.
Đánh giá cao vai trò và hoạt động của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam trong thời gian qua, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam khẳng định, VNREA là một trong những hiệp hội có hoạt động sôi nổi nhất, có đóng góp tích cực đối với việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, có nhiều kiến nghị, góp ý với Quốc hội, Chính phủ.
“Bất động sản là lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế quốc dân, nên có thể nói rằng Hiệp hội đã có trách nhiệm cao không chỉ với thị trường bất động sản mà còn cả nền kinh tế.
Nền kinh tế vừa bước qua quý 1, chỉ số kinh tế vĩ mô được cải thiện nhưng vẫn còn nhiều lo lắng để có thể tăng tốc thời gian tới. Trong khi đó các động lực tăng trưởng đang suy yếu. Vừa qua chúng ta dựa nhiều vào FDI, xuất khẩu, đầu tư công nhưng những động lực này đang có xu hướng suy giảm. Tăng đầu tư công không phải là động lực dài hạn cho tương lai. Đầu tư nước ngoài thì chúng ta lại ít có dự án lớn về công nghệ cao. Xuất khẩu tăng trưởng nhưng không cao, còn khu vực tư nhân trong nước đang suy yếu.
Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị lần đầu yêu cầu cần thúc đẩy cho khu vực tư nhân nhưng thực tế khu vực này lại đang suy yếu, trong khi đây mới chính là khu vục chính có vai trò dẫn dắt nền kinh tế trong tương lai.
Theo đó, việc tháo gỡ cho thị trường bất động sản để nền kinh tế có thể bật lên là 1 giải pháp quan trọng. Vì tăng trưởng trong bất động sản liên quan đến cả chuỗi cung ứng, bất động sản tạo ra mặt bằng sản xuất kinh doanh là nơi ở người dân, là nền tảng cho sản xuất, là cuộc sống của người dân… tạo ra tăng trưởng cho các lĩnh vực kinh tế khác. Trong thời gian tới, cần dồn lực khôi phục thị trường bất động sản”, ông Lộc nhấn mạnh.
Cũng theo nhận định của ông Lộc, Quốc hội đã thông qua 3 luật quan trọng, như 3 mũi giáp công có thể thúc đẩy, là cứu cánh thị trường bất động sản và có thể đặt nhiều kỳ vọng vào tác động của các luật này đối với sự phục hồi và phát triển của thị trường. Tuy nhiên, hành trình trước mắt có thể sẽ còn gian nan, bởi vẫn còn những điểm chồng chéo chưa được sửa đổi một cách triệt để, và việc thực thi luật sẽ phát sinh nhiều vấn đề trong thực tế.
Thị trường bất động sản thời gian tới vẫn gắn với 4 chữ: Vướng và chậm, khó và bí. Cụ thể là vướng phát lý, chậm thủ tục dự án, khó nguồn vốn và bí về thanh khoản.
Khi các luật đã được thông qua bắt đầu có hiệu lực, thị trường vẫn cần thời gian để thích nghi và còn rất khó khăn ở giai đoạn tới. Để giải quyết đồng bộ các vấn đề thì có rất nhiều việc chúng ta phải làm. Đã có 20 chính sách mới đã được triển khai, song việc thực thi trong thực tế cũng không đơn giản. Ngay cả việc định giá, dù có ra luật thì triển khai vẫn khó khăn, không hề dễ dàng. Do vậy, rất cần Hiệp hội bất động sản chung tay, sâu sát với các doanh nghiệp để nắm bắt tình hình và có những kiến nghị, hỗ trợ kịp thời cho các doanh nghiệp và thị trường bất động sản.
Cùng quan điểm này, PGS.TS. Trần Đình Thiên cho rằng cấu trúc của thị trường bất động sản cần được định hình lại, Hiệp hội BĐS phải có cách đặt vấn đề thúc đẩy Bộ Xây dựng giải quyết vấn đề vốn cho doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội.
“Thị trường bất động sản tương lai vẫn có những điểm sáng. Thị trường đang ở giai đoạn thay đổi, định hình lại theo hướng bền vững hơn. Hiệp hội nên tổ chức các Diễn đàn, Hội nghị giúp thị trường, doanh nghiệp định hình lại cấu trúc phát triển. Đó là xu hướng đô thị gắn với các khu công nghiệp; với bất động sản công nghiệp chính là khu công nghiệp sinh thái tuần hoàn”, PGS.TS Trần Đình Thiên khẳng định.