Theo kết quả kiểm tra thực tế, trong số hơn 10km đê trực tiếp biển được xây dựng bằng bê tông, gần 55km đê không trực tiếp biển được đắp đất và trồng cây dứa dại bảo vệ chân đê, có tổng cộng hơn 20km đê bao gồm 6km đê trực tiếp biển và 15km đê không trực tiếp biển bị sạt lở nặng. Ngoài ra, 50km đê cửa sông trên địa bàn tỉnh cũng đã bị sạt lở nghiêm trọng.
Địa phương bị sạt lở nặng nhất gồm các xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh; Cửa Việt, huyện Gio Linh; Hải Dương, huyện Hải Lăng. Ông Ngô Thế Thanh, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thái lo lắng: “Đê trực tiếp biển qua địa bàn Vĩnh Thái dài 20km, trong đó 14km được bê tông hoá, 6km còn lại được đắp bằng đất cát.
Do mưa lớn những ngày qua cộng với sóng biển đánh dữ dội, nhiều đoạn đê trực tiếp biển bằng bê tông đã bị sạt lở, sụt lún; đê cát cũng bị xói lở, xâm thực sâu vào đất liền từ 100-200m. Chính quyền và người dân địa phương đang rất lo lắng trước tình trạng này. Xã đã huy động nguồn lực trong dân, sử dụng một số vật tư vật liệu như bao tải chứa cát, cọc tre để hạn chế phần nào sự tàn phá của thiên tai”.
Không khá hơn Vĩnh Thái, các con đê hữu và tả Thạch Hãn (Triệu Phong); đê hữu Bến Hải (Vĩnh Linh); tuyến đê Hải Dương (Hải Lăng) đều bị sạt lở, hư hỏng nặng. Chân đê bị sạt trượt, sụt lún; thân đê bị sóng nước và mưa lớn làm xói lở, hở hàm ếch…
Đê biển bị sạt lở, sụt lún gây hở hàm ếch. |
Ông Hồ Xuân Hòe, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Trị trăn trở, hiện nay, các tuyến đê bị sạt lở, hư hỏng nặng do thiên tai mưa bão cần nhanh chóng được sửa sang, khắc phục, nhất là bằng biện pháp cứng hóa.
Tuy nhiên, các nguồn kinh phí bố trí hàng năm còn nhỏ và thấp so với kế hoạch xây dựng. Địa phương vì thế đang phải sử dụng các biện pháp khẩn cấp khác, chủ yếu huy động nguồn lực từ trong nhân dân và sự hỗ trợ giúp đỡ của các lực lượng vũ trang đóng trên địa bàn để khắc phục, sửa chữa những đoạn đê bị hư hỏng đó. Bảo vệ an toàn cuộc sống của hàng nghìn hộ dân sinh sống ven các tuyến đê và khu vực gần đê.
Theo Công An Nhân Dân