Cuối tuần vừa qua, BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư tiếp nhận năm bệnh nhân đều nhập viện trong tình trạng nhiễm trùng huyết nặng, sốc nhiễm trùng, suy hô hấp, suy đa tạng, hôn mê và bị hoại tử các đầu chi nặng nề. Hai trường hợp ngay sau đó đã tử vong do bệnh diễn biến nặng, có tiền sử nghiện rượu lâu năm, hôn mê sâu, suy đa phủ tạng, được chẩn đoán ít cơ hội qua khỏi nên gia đình đã xin cho bệnh nhân về.
Trong số ba bệnh nhân đang điều trị, còn một người vẫn hôn mê. Hai người khác đã được điều trị thoát sốc nhưng dự tính thời gian điều trị còn kéo dài và rất tốn kém.
Tiết canh để quá lâu trong môi trường nắng nóng, trở thành môi trường lý tưởng để các loại vi khuẩn sinh sôi |
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Khoa Cấp cứu, BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư, bình thường một tháng BV tiếp nhận bốn đến năm trường hợp. Tuy nhiên, thời gian vừa qua do thời tiết nắng nóng nên có sự gia tăng đột biến các ca nhập viện có liên quan ăn các sản phẩm từ lợn chưa được nấu chín như tiết canh, thịt và phủ tạng chưa được nấu chín. “Tiết canh để quá lâu trong môi trường nắng nóng, trở thành môi trường lý tưởng để các loại vi khuẩn sinh sôi. Từ số lượng ít liên cầu khuẩn lợn có thể sinh sôi lên gấp nhiều lần…”, bác sĩ Cấp lý giải.
Bệnh liên cầu lợn ở người là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính lây truyền từ động vật sang người, chủ yếu từ lợn. Người bị bệnh có biểu hiện đa dạng nhưng hay gặp nhất là hai thể viêm màng não và sốc nhiễm khuẩn. Bệnh thường để lại biến chứng nặng và có thể tiến triển nhanh thành suy đa phủ tạng dẫn đến tử vong. Thời gian ủ bệnh ngắn, chỉ từ vài giờ đến ba ngày. Khi sốt cao (40-41 độ C), xuất hiện các mảng xuất huyết hoại tử dưới da, tiêu chảy, cứng cổ..., có thể khó thở, người dân nên đến BV sớm, tránh nguy cơ tử vong.
Cùng với tiết canh, thịt lợn bệnh thì một số loại gỏi sống cũng là nguồn gốc chính gây ra nguy cơ lây bệnh giun xoắn sang cơ thể người. Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp cảnh báo: Giun xoắn là bệnh nặng đặc biệt nguy hiểm, dễ gây tử vong chứ không giống như các bệnh giun sán thông thường. Ai cũng có thể nhiễm giun xoắn nếu ăn phải ấu trùng giun xoắn (có tên Trichinella) còn sống trong thịt động vật nấu chưa chín (tiết canh, nem, gỏi…).
Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cũng cho biết, ấu trùng nguy hiểm này cũng từng được BV Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh phát hiện trong lươn - loài thủy sản rất được ưa chuộng tại các quán nhậu. Món lòng luộc chưa kỹ cũng chứa nhiều nguy cơ gây bệnh, do ấu trùng giun xoắn sau khi vào dạ dày xuống ruột non, trở thành giun trưởng thành và xâm nhập vào niêm mạc ruột. Ấu trùng do giun cái sinh ra sẽ theo máu xâm nhập các cơ, phát triển thành kén, tồn tại ở đây khoảng 20 năm và duy trì khả năng gây nhiễm bệnh suốt thời gian này.
Hình minh họa |
Dấu hiệu đặc trưng nhiễm giun xoắn là người bệnh bị phù mi mắt, có trường hợp mù và chảy máu kết mạc. Đôi khi người bệnh phù toàn bộ đầu, cổ và chi trên. Ngoài ra, người bệnh có thể sốt với thân nhiệt tăng dần sau hai - ba ngày sốt cao tới mức tối đa.
Theo Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), điều nguy hiểm, là liên cầu khuẩn tồn tại tự nhiên rất khó phát hiện, kể cả những con lợn mang trùng liên cầu khuẩn cũng không có biểu hiện mắc bệnh nên không thể phát hiện. Đến nay, chỉ có thể phát hiện được lợn nhiễm liên cầu khuẩn thông qua việc xét nghiệm, song vẫn chưa có vaccine để phòng bệnh liên cầu khuẩn trên lợn, vì thế người dân phải tự bảo vệ bằng cách không ăn tiết canh, không ăn sống mà thực phẩm phải được nấu chín. Vì vậy, khuyến cáo đối với căn bệnh này từ các bác sĩ vẫn là: Người dân tuyệt đối không nên ăn thịt chưa nấu chín, đặc biệt là không ăn tiết canh, nem, gỏi làm theo cách cổ truyền (thịt chưa nấu chín).
Hợp tác cùng Thời Nay
>>> Xem thêm:
- 9 điều bạn cần thay đổi trong lối sống để giảm nguy cơ mắc ung thư
- Chuyên gia hướng dẫn cách nêm gia vị tốt cho sức khỏe
- Râu ngô và công dụng bất ngờ trong việc thông mật, lợi tiểu