Hiện nay, tình trạng ùn tắc xe ôtô đến kiểm định tại các trung tâm đăng kiểm đã và đang diễn ra rất nghiêm trọng, ảnh hưởng tới người dân và doanh nghiệp, gây thiệt hại đến đời sống, kinh tế-xã hội.
Do vậy, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã đề xuất đưa ra giải pháp cấp bách, mang tính khả thi cao để nhanh chóng giải quyết triệt để vấn đề ùn tắc tại các trung tâm đăng kiểm.
Lo ngại “đứt gãy” chuỗi cung ứng
Trước thời điểm xảy ra các vụ việc sai phạm ở các trung tâm đăng kiểm, thống kê của Cục Đăng kiểm Việt Nam cho thấy trên cả nước có 281 trung tâm đăng kiểm, với 491 dây chuyền kiểm định và tổng số 2.014 đăng kiểm viên tham gia kiểm định xe cơ giới.
Thời gian qua, nhiều trung tâm đăng kiểm vi phạm trong công tác kiểm định nên đã bị công an các tỉnh, thành điều tra, khám xét, khởi tố và bắt tạm giam trên 600 lãnh đạo, đăng kiểm viên, nhân viên.
Hiện cả nước đã có 106 trung tâm đăng kiểm phải dừng hoạt động để phục vụ công tác điều tra. Đến nay, Cục Đăng kiểm đã phối hợp với các đơn vị liên quan để đưa 66 trung tâm đăng kiểm hoạt động trở lại nhưng các đơn vị này chỉ hoạt động với công suất tối thiểu do không có đủ lực lượng đăng kiểm viên và vẫn còn 40 trung tâm đăng kiểm chưa thể hoạt động trở lại.
Ông Nguyễn Chiến Thắng, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam thừa nhận tình trạng ùn tắc đã và đang diễn ra tại 184 trung tâm đăng kiểm ở 43 tỉnh, thành phố, đặc biệt có 2 tỉnh Bắc Kạn và Hòa Bình, mỗi tỉnh chỉ có 1 trung tâm nhưng đều đang dừng hoạt động.
Nhấn mạnh dù đã có nhiều giải pháp (giãn chu kỳ đăng kiểm, miễn đăng kiểm lần đầu xe con mua mới, “chi viện” đăng kiểm viên công an và quân đội…) nhưng tình trạng ùn tắc tại các trạm đăng kiểm vẫn diễn ra và có xu hướng gia tăng do năng lực hiện tại của các trung tâm đăng kiểm không đủ đáp ứng.
Ông Thắng dẫn chứng lượng xe ôtô hiện tại đến kỳ kiểm định nhưng chưa được kiểm định hiện vào khoảng 800.000 xe; số lượng phương tiện phải kiểm định trong 6 tháng tới khoảng 1,7 triệu xe. Như vậy, tổng số lượng phương tiện cần được kiểm định trong 6 tháng khoảng 2,5 triệu xe.
Trong khi đó, năng lực của 241 trung tâm đăng kiểm với 384 dây chuyền đang hoạt động chỉ có thể kiểm định được khoảng 550.000 xe mỗi tháng. Theo tính toán của Cục Đăng kiểm, để kiểm định lượng phương tiện 2,5 triệu xe, giải quyết dứt điểm tình trạng tồn đọng và ùn tắc sẽ phải cần ít nhất 6 tháng (chưa kể trường hợp phương tiện phải kiểm định lại). Đặc biệt, khu vực Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh - nơi có mật độ phương tiện cao, sẽ phải kéo dài thời gian hơn.
Hiện nay, nhiều trung tâm đăng kiểm phải đặt lịch hẹn kiểm định cho người dân kéo dài đến hàng tháng. Việc này đã gây thiệt hại lớn cho người dân và doanh nghiệp như vẫn phải đóng phí sử dụng đường bộ, phí bến bãi trong khi xe "đắp chiếu," thậm chí bị hủy hợp đồng vận chuyển. Các doanh nghiệp vận tải và logistics cũng sẽ bị ngưng trệ trong sản xuất, gây lãng phí và thiệt hại rất lớn và nguy cơ cao bị phạt do không thực hiện kịp hợp đồng đã ký kết với các đối tác.
“Nếu tình trạng trên không sớm được giải quyết sẽ gây đứt gãy chuỗi cung ứng, ảnh hưởng đến hiệu quả và tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế và thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam,” một chuyên gia giao thông nhận định.
Cho phép xe tự động giãn chu kỳ kiểm định
Trước kiến nghị cho phép xe không kinh doanh vận tải từ 9 chỗ ngồi trở xuống ngay từ chu kỳ kiểm định hiện tại, ông Nguyễn Chiến Thắng, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam bày tỏ quan điểm đây là giải pháp cấp bách và có tính khả thi để nhanh chóng giải quyết vấn đề ùn tắc triệt để tại các trung tâm đăng kiểm.
Theo ông Thắng, số lượng ôtô chở người các loại đến 9 chỗ không kinh doanh vận tải đến hạn kiểm định hàng tháng chiếm khoảng 33-43% trên tổng số phương tiện đến hạn kiểm định tại trung tâm đăng kiểm hiện nay, đặc biệt là tại khu vực Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
“Đây là nhóm loại phương tiện sở hữu cá nhân, về cơ bản cường độ sử dụng không nhiều, được chủ phương tiện luôn quan tâm, chăm sóc, bảo dưỡng, sửa chữa và được coi là một thứ tài sản có giá trị,” ông Thắng nhìn nhận.
Cục Đăng kiểm đã tổng hợp số liệu kiểm định đối với ôtô chở người các loại đến 9 chỗ không kinh doanh vận tải và nhận thấy tỷ lệ đạt ngay từ lần kiểm định đầu tiên là rất cao (khoảng 95%).
“Nếu số lượng ôtô chở người các loại đến 9 chỗ không kinh doanh vận tải nêu trên đã kiểm định trước đó được áp dụng ngay chu kỳ kiểm định quy định tại Thông tư 02 mà không phải đến trung tâm đăng kiểm để cấp lại giấy chứng nhận kiểm định và tem kiểm định thì sẽ tạo điều kiện cho các trung tâm đăng kiểm tập trung nhân lực và cơ sở vật chất phục vụ chủ yếu kiểm định cho các loại phương tiện kinh doanh vận tải khác để vừa giải quyết được ùn tắc, đảm bảo sớm đưa phương tiện vào khai thác vận tải, giảm thiểu các thiệt hại không đáng có cho xã hội,” ông Thắng cho hay.
Nếu giải pháp này được thực hiện, theo tính toán của Cục trưởng Cục Đăng kiểm, thời gian giải quyết được tình trạng ùn tắc là khoảng hơn một tháng tính từ thời điểm áp dụng. Đây là giải pháp duy nhất đến thời điểm hiện nay để giải quyết dứt điểm tình trạng ùn tắc tại các trung tâm đăng kiểm trong thời gian sớm nhất.
Trên cơ sở này, Cục Đăng kiểm Việt Nam báo cáo và kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải cho phép áp dụng ngay chu kỳ kiểm định theo quy định tại Thông tư số 02 đối với ôtô chở người các loại đến 9 chỗ không kinh doanh vận tải đã được cấp giấy chứng nhận và tem kiểm định.
Để phù hợp với quy định hiện hành, căn cứ thời hạn trên giấy chứng nhận và tem kiểm định đã được cấp, cơ quan quản lý Nhà nước về đăng kiểm có văn bản điện tử xác nhận thời hạn kiểm định lần tới cho phương tiện mà không phải cấp lại tem, giấy chứng nhận kiểm định và chủ xe không phải đưa xe đến trung tâm đăng kiểm để thực hiện kiểm định lại.
Theo phương án đề xuất, Cục Đăng kiểm sẽ xây dựng phần mềm để chủ xe đến hạn kiểm định có thể vào ứng dụng (app) đăng kiểm để tự in 1 giấy xác nhận tự động giãn chu kỳ kiểm định mà không cần phải đến trung tâm đăng kiểm để xin cấp lại giấy chứng nhận đăng kiểm hay tem kiểm định.