Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh tỉnh Trà Vinh đã được Bộ Văn hóa Thông tin, nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia vào năm 1989.
Ngôi đền uy nghiêm "mọc" lên giữa lúc miền Nam trường kỳ kháng chiến
Ngày 2/9/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩnh viễn đi xa - nỗi đau, sự mất mát to lớn không gì bù đắp được của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân Việt Nam. Trên chiến trường miền Nam trong những ngày đầu tháng Chín ấy, mọi người đều bàng hoàng khi nhận được tin dữ. Đối với nhân dân miền Nam, chưa một lần được đón Bác vào thăm thì nỗi đau ấy tăng thêm gấp bội.
Bất chấp sự cấm đoán gắt gao của địch, nhiều gia đình ở Trà Vinh lập bàn thờ ngày đêm hương khói cho Người. Việc xây dựng Đền thờ Bác tại ấp Vĩnh Hội, xã Long Đức “lòng dân – ý Đảng” như một. Ban Chỉ đạo quyết định chọn ngày khởi công xây dựng là ngày 10/3/1970. Khi đó, họa sĩ Phong Ba được Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy cử về vẽ bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng chất liệu sơn dầu, từ bức ảnh trắng đen mà một cán bộ tập kết mang về.
Đến ngày 26/01/1971 (tức chiều Ba mươi Tết Tân Hợi), ngôi đền được khánh thành trước sự chứng kiến của đại diện Tỉnh ủy, Thị xã ủy Trà Vinh cùng một số người dân địa phương. Phát hiện sự tồn tại của ngôi Đền, địch điên cuồng tổ chức nhiều trận càn quét, đánh phá Long Đức, mà mục tiêu cuối cùng là hủy diệt ngôi đền.
Bất chấp sự chống phá của địch, việc xây dựng lại và bảo vệ ngôi đền được Thị xã ủy, Thị đội Trà Vinh và Đảng ủy và nhân dân Long Đức triển khai một cách chặt chẽ.
Chiều ngày 14/02/1972, nhằm ngày Ba mươi Tết Nhâm Tuất, Đền thờ Bác Hồ được khánh thành lần thứ hai trong niềm hân hoan của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Long Đức.
![]() |
Cổng Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại xã Long Đức, thành phố Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh |
Một nhân chứng lịch sử - bà Nguyễn Thị Tiếm, nguyên Bí thư Đảng ủy Khối Dân chính Đảng Trà Vinh lúc bấy giờ kể lại: Quá trình lúc ấy làm thế nào để đảm bảo việc xây dựng Đền thờ Bác được hoàn thành an toàn trong khi vị trí xây dựng đền thờ bị bọn địch đóng quân tứ phía.
“Tôi vận động mỗi đêm 3 ấp khoảng 30-40 người đến xây dựng đền thờ, nhưng có những đêm vận động xong rồi pháo bắn buộc phải giải tán không làm được. Cuối cùng, để có thể đảm bảo đến tính mạng của lực lượng trực tiếp xây dựng đền thờ, chúng tôi phải triển khai lực lượng đoàn viên - thanh niên đào chiến hào, công sự rồi mới bắt đầu xây dựng ngôi đền", bà Tiếm kể.
![]() |
Nhân chứng lịch sử - bà Nguyễn Thị Tiếm kể lại những ngày tháng lịch sử đáng nhớ |
Ngày 29/4/1975, trong cơn "giãy chết" cuối cùng, bọn chỉ huy tiểu khu Vĩnh Bình còn điên cuồng cho máy bay bắn phá, gây thiệt hại nặng một phần ngôi đền. Với lòng kính yêu, biết ơn Bác vô hạn, Đảng bộ, lực lượng vũ trang và nhân dân Long Đức sẵn sàng chấp nhận mọi mất mát, hy sinh, kiên cường chiến đấu bảo vệ ngôi đền. Có thể nói, chính ngôi đền đã tạo ra sức mạnh kỳ diệu để Đảng bộ, quân dân ta chiến đấu và chiến thắng kẻ thù, tiến tới giành thắng lợi cuối cùng giải phóng thị xã Trà Vinh, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam.
"Đóa sen" giữa lòng Trà Vinh
Sau ngày thống nhất đất nước, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Trà Vinh đã nhiều lần trùng tu, tôn tạo cũng như xây dựng mới các hạng mục theo quy hoạch của một khu di tích lịch sử - văn hóa. Toàn bộ diện tích khu di tích là 5 hecta, bao gồm các công trình chính là vỏ bao che, nhà trưng bày, công viên…
Nép mình dưới những lũy tre ngày nào che chở ngôi đền, vỏ bao che được thiết kế theo dạng một đóa sen cách điệu màu hồng tươi. Bên trong, ngôi đền được phục chế lại theo đúng nguyên trạng khiêm tốn, đơn sơ, với kích thước 4 x 4 m bằng khung gỗ, mái lợp lá, vách tôn.
Tại đây, mỗi dịp lễ Tết, nhiều đoàn đại biểu đại diện lãnh đạo tỉnh, lực lượng vũ trang và đồng bào các giới trong tỉnh Trà Vinh đến đặt vòng hoa, thắp nén hương thơm, thành kính báo cáo cùng Bác những thành tựu mới nhất của mình. Trong khu di tích, còn có nhà trưng bày về thân thế, cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Hồ Chí Minh là một bản anh hùng ca, một tấm gương sáng ngời về chủ nghĩa yêu nước, là động lực và nguồn cổ vũ lớn lao cho toàn dân tộc Việt Nam.
![]() |
Nhà trưng bày |
Nhà trưng bày được xây dựng theo lối kiến trúc mang đậm nét văn hóa truyền thống dân tộc. Trong đó, có nhiều hình ảnh, tài liệu, hiện vật giúp người tham quan hiểu rõ hơn về cuộc đời oanh liệt của Bác, truyền thống đấu tranh bất khuất, kiên cường và những thành tựu trong công cuộc xây dựng, chiến đấu giữ gìn ngôi đền và quá trình đổi mới của Đảng Bộ, nhân dân tỉnh Trà Vinh.
“Miền Nam yêu quý luôn ở trong trái tim tôi” - câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh được khắc lại trang trọng bên cạnh bức tượng gỗ Bác tại giữa khu vực nhà trưng bày hình ảnh, hiện vật về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Bác đã tạo cảm xúc mạnh mẽ cho người xem. Trái tim của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn bao la, rộng lớn và đầy ắp tình cảm dành cho đồng bào ruột thịt. Người là tấm gương ngời sáng cả đời tận tụy vì nước, vì dân.
![]() |
Không gian bên trong nhà trưng bày |
Trước đó, ngày 5/6/1911 người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã quyết định ra đi làm đường cứu nước. Người lấy tên gọi mới là Văn Ba, đặt chân lên con tàu Amiran Latusơ Tơrêvin, rời bến cảng Nhà Rồng (Sài Gòn) đi Mác-xây (Pháp).
Hành trình của Nguyễn Tất Thành - Văn Ba - Nguyễn Ái Quốc Hồ Chí Minh suốt 58 năm về sau là hành trình lịch sử tìm con đường cứu nước cho dân tộc và viết tên đất nước Việt Nam trên bản đồ thế giới, xây dựng nền dân chủ cộng hòa và kháng chiến bảo vệ độc lập tự do cho Tổ quốc; nhưng Bác Hồ không có một lần thứ hai trở lại Nam bộ - miền Nam. Nhà thơ Tố Hữu trong bài thơ "Bác ơi" viết năm 1969, đã nói hộ tấm lòng của Bác đối với miền Nam, cũng là tấm lòng của đồng bào miền Nam đối với Bác: “Bác nhớ miền Nam, nỗi nhớ nhà - Miền Nam mong Bác, nỗi mong cha”.
![]() |
Khuôn viên quanh ngôi đền |
![]() |
Hầm hào trong khuôn viên Đền thờ |
Sự hiện diện hiên ngang của Đền thờ Bác trong những năm tháng miền Nam trường kỳ kháng chiến đã trường tồn đến hôm nay. Trong khu di tích đền thờ Bác ở Trà Vinh, những tán còng cổ thụ và lũy tre bao quanh cùng hệ thống hầm hào, công sự là chứng nhân của quá trình xây dựng, chiến đấu bảo vệ ngôi đền được phục hồi và bảo quản một cách nghiêm túc, chu đáo.
Nhà sàn Bác Hồ được thiết kế với tỷ lệ 97% so với nguyên bản đã được dựng lên trong khuôn viên Đền thờ Bác. Đây là một hiện vật quý khẳng định giá trị lịch sử của khu di tích Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Trà Vinh trong hệ thống Bảo tàng Hồ Chí Minh, vừa là điểm nhấn đặc biệt để du khách và quần chúng nhân dân các tỉnh Nam bộ thuận tiện hơn trong việc tham quan, nghiên cứu, tìm hiểu thân thế, sự nghiệp của Người.
Công trình xây dựng Đền thờ Bác ở Vĩnh Hội là một công trình đặc biệt gắn liền với cuộc đấu tranh đầy cam go của đồng bào ta nơi tuyến đầu Tổ quốc. Đây là công trình của trái tim, của lòng dân đối với Bác Hồ kính yêu. Hình ảnh Bác hiện diện ở nơi đây đã tiếp thêm sức mạnh tinh thần to lớn cho quân dân Trà Vinh, Long Đức trong cuộc đấu tranh giải phóng quê hương, thống nhất đất nước.