Tối 23/2, tỉnh Bắc Ninh tổ chức tổ chức chương trình nghệ thuật "Về miền Quan họ" và kỷ niệm 10 năm Dân ca Quan họ Bắc Ninh được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại với chủ đề “Rạng rỡ miền Quan họ”.
Tới dự chương trình có Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; Đại tướng Phạm Văn Trà, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; đại biểu 30 tỉnh, thành phố; đại biểu Đại sứ quán 34 quốc gia và vùng lãnh thổ và một số tổ chức quốc tế tại Việt Nam cùng các các đồng chí lãnh đạo và đông đảo nhân dân trong và ngoài tỉnh Bắc Ninh.
Nổi tiếng là vùng đất “mỹ tục khả phong”, “địa linh nhân kiệt”, giàu truyền thống lịch sử, văn hiến và cách mạng, vùng Kinh Bắc đã sản sinh, nuôi dưỡng Dân ca Quan họ vô cùng đặc sắc, mượt mà, thể hiện vẻ đẹp hiện hữu của đất, của người Kinh Bắc.
Dân ca Quan họ là một hình thái hoạt động văn hóa độc đáo, một loại hình nghệ thuật đạt tới trình độ cao về diễn xướng, lời ca và âm nhạc, tổng hợp hòa quyện với các phong tục, tập quán, tín ngưỡng, lễ hội,… đậm chất trữ tình, hào hoa, thanh lịch và gắn kết cộng đồng, vượt ra khỏi không gian của tỉnh, của cả nước.
Các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ ngành, địa phương thưởng thức các màn biểu diễn nghệ thuật đặc sắc. Ảnh: VGP/Đình Nam |
Ngày 30/9/2009, Dân ca Quan họ đã được UNESCO chính thức vinh danh là Di sản văn hoá phi vật thể Đại diện của nhân loại. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân vùng đất Kinh Bắc đã không ngừng nỗ lực bảo tồn, phát huy Di sản vô giá này. Các hoạt động truyền dạy, phục dựng không gian diễn xướng truyền thống, tuyên truyền quảng bá... được xác định là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cấp ủy đảng, chính quyền để huy động nhân dân hưởng ứng, tham gia ngày càng đông đảo, ngày càng sâu rộng.
Tỉnh Bắc Ninh đã phong tặng và hỗ trợ hàng tháng cho 71 nghệ nhân và 5 nghệ nhân ưu tú, câu lạc bộ Quan họ; có cơ chế đãi ngộ cho các nghệ sĩ, diễn viên, nhân viên Nhà hát dân ca Quan họ.
Khuyến khích phát triển các làng, câu lạc bộ Quan họ. Từ chỗ chỉ có 49 làng Quan họ gốc và 34 câu lạc bộ, đến nay đã có 369 làng Quan họ thực hành, 381 câu lạc bộ với trên một vạn hội viên tham gia, hàng nghìn người có khả năng truyền dạy. Đặc biệt, có hơn 140 câu lạc bộ ở các tỉnh và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó có nhiều hội viên không phải quê vùng Kinh Bắc nhưng vẫn dành tình cảm yêu mến cho Quan họ.
Xây dựng Trung tâm lưu trữ, bảo tồn và khai thác Quan họ, nghiên cứu 30 chuyên đề, ký âm 107 bài Quan họ cổ, xuất bản 9 đầu sách về Dân ca Quan họ; mở rộng các hình thức truyền dạy trong cộng đồng và đưa Quan họ vào chương trình giảng dạy chính thức của trường học; đẩy mạnh xây dựng không gian diễn xướng Quan họ… Nhiều chương trình như: Về miền Quan họ, Hát Quan họ trên thuyền, Canh hát Quan họ đêm Rằm,… đã trở thành sự kiện thường niên, thu hút hàng vạn khán giả theo dõi
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam biểu dương những nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bắc Ninh trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị Dân ca Quan họ. Ảnh: VGP/Đình Nam |
Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam biểu dương và chúc mừng những thành tựu to lớn, toàn diện mà Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Bắc Ninh đã đạt được trong phát triển kinh tế xã hội nói chung; bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa nói riêng.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả rõ nét, đáng khích lệ đã đạt được, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Dân ca Quan họ vẫn tiếp tục phải đối mặt với không ít khó khăn.
Đội ngũ nghệ nhân quan họ cổ tuổi ngày càng cao trong khi lớp nghệ nhân kế tiếp chưa nhiều. Những nghệ nhân, cá nhân, tổ chức tâm huyết với sự nghiệp bảo vệ, trao truyền di sản văn hoá không phải lúc nào, ở đâu, cũng được hỗ trợ, tôn vinh kịp thời.
Các cơ chế, chính sách xã hội hoá còn chưa đủ mức thiết thực để khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia thực hành nghệ thuật truyền thống hay đầu tư gắn kết chặt chẽ giá trị di sản với phát triển du lịch, bảo đảm hài hòa lợi ích của các chủ thể.
Đáng chú ý, trong xu thế toàn cầu hóa, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ truyền thông, sự xuất hiện của nhiều loại hình nghệ thuật đương đại, sự du nhập, giao lưu với nhiều nền văn hóa dễ làm mối quan tâm của người dân, nhất là giới trẻ đối với di sản văn hóa nghệ thuật truyền thống bị mai một nếu không có những giải pháp đồng bộ, mạnh mẽ, hiệu quả hơn.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Bắc Ninh vì đã có nhiều thành tích trong công tác bảo tồn, phát triển Dân ca Quan họ Bắc Ninh. Ảnh: VGP/Đình Nam |
“Để Quan họ được bảo tồn, lan tỏa, một trong những giải pháp quan trọng, nếu không muốn nói là quan trọng nhất, là tạo được không gian để Quan họ được “sống” một đời sống văn hóa như từng có. Trong đó vai trò người dân thực sự là trung tâm, với những cây đa, giếng nước, sân đình với những tập tục, ước lệ nhưng cũng rất văn minh”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh và nêu rõ trách nhiệm bảo tồn, phát huy di sản Dân ca Quan họ không chỉ dừng lại ở người Kinh Bắc trên phạm vi tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang mà còn là trách nhiệm của cả nước, của mọi người Việt Nam dù trong nước hay nước ngoài.
Phó Thủ tướng khẳng định bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa do cha ông ta ngàn đời đã sáng tạo, trao truyền lại không chỉ là trách nhiệm của các thế hệ hôm nay với lịch sử mà còn là giải pháp quan trọng để những di sản vô giá này thành nguồn lực, để mọi người dân Việt Nam đoàn kết, sáng tạo, nỗ lực vươn lên quyết tâm xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam "Dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh", biến khát vọng “sánh ngang cùng năm châu bè bạn” sớm thành hiện thực.
“Chúng ta cùng tin tưởng rằng, với tình yêu cái đẹp, bằng trí tuệ, bằng tấm lòng hiếu nghĩa với tổ tiên, bằng trách nhiệm đối với thế hệ mai sau, các cấp ủy đảng, chính quyền và cộng đồng dân cư, các nghệ nhân sẽ tiếp tục chung sức bảo tồn, gìn giữ, không ngừng phát huy giá trị để Quan họ Bắc Ninh nói riêng và các di sản văn hóa nói chung tiếp tục được trao truyền, lan tỏa, đúng với ý nghĩa, bản sắc tốt đẹp, đặc sắc vốn có, góp phần để nền văn hóa Việt Nam tỏa sáng trong dòng chảy văn minh nhân loại”, Phó Thủ tướng nói.
Chương trình ngệ thuật "Về Miền Quan họ" với chủ đề "Rạng rỡ miền Quan họ" có sự tham gia của nhiều loại hình dân ca, trình diễn nghệ thuật đã được vinh danh là Di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại. Ảnh: VGP/Đình Nam |
Sau phần lễ trang trọng là chương trình nghệ thuật với chủ đề Rạng rỡ miền Quan họ với 3 chương "Dòng sông Quan họ", "Làng Quan họ quê tôi", "Rạng rỡ miền Quan họ", đã khái quát quá trình hình thành và phát triển của Dân ca Quan họ Bắc Ninh. Theo dòng thời gian, các liền anh, liên chị đất Kinh Bắc đã nâng niu gìn giữ, truyền dạy và nâng tầm để những bài ca Quan họ cất cánh bay cao, bay xa vươn ra toàn quốc và đến với bạn bè quốc tế.
Một số hình ảnh tại chương trình nghệ thuật:
Trình diễn Hát Xoan. Ảnh: VGP/Đình Nam |
Biểu diễn dân ca Ví dặm. Ảnh: VGP/Đình Nam |
Trình diễn Nhã nhạc cung đình Huế. Ảnh: VGP/Đình Nam |
Múa cồng chiêng Tây Nguyên. Ảnh: VGP/Đình Nam |
Biểu diễn đờn ca tài tử. Ảnh: VGP/Đình Nam |
Hàng nghìn người dân Bắc Ninh và các tỉnh khác đã tập trung tại quảng trường để theo dõi chương trình. Ảnh: VGP/Đình Nam |
Một tiết mục tái hiện sức sống lâu bền của Dân ca Quan họ Bắc Ninh. ẢNh: VGP/Đình Nam |
Ảnh: VGP/Đình Nam |
Ảnh: VGP/Đình Nam |