Việc tiếp xúc trực tiếp với các chất ô nhiễm không khí, trong đó có carbon đen (BC), khi tham gia giao thông, là nguyên nhân dẫn đến nhiều bệnh lý hô hấp cho người dân Hà Nội.
Carbon đen hay muội than là những hợp chất carbon có thể hấp thụ toàn bộ ánh sáng Mặt Trời. Nguồn phát thải carbon đen chính ra môi trường thường là phương tiện giao thông sử dụng động cơ đốt trong (đặc biệt là đốt dầu diesel), hoạt động đốt củi, than trong đời sống hàng ngày của người dân, các nhà máy điện sử dụng dầu nặng hoặc than, việc đốt sinh khối nông nghiệp trên đồng ruộng cũng thiên tai cháy rừng, thảm thực vật.
Giống với PM10 hay PM2.5, carbon đen cũng là một chỉ số đo mức độ ô nhiễm không khí được sử dụng để đánh giá tác động tới sức khỏe con người.
Trước đó, chưa có nghiên cứu nào được thực hiện để hiểu mức độ phơi nhiễm carbon đen qua đường hô hấp đối với những người đi đường ở Hà Nội, chủ yếu là sử dụng xe máy. Trong nghiên cứu này, các nhà khoa học đã đồng thời đo nồng độ carbon đen bằng thiết bị di động microAeth AE51 trên xe máy và trong cabin của ô tô và xe buýt.
Nồng độ carbon đen trung bình trên xe máy là 29,4 μg/m3 so với 10,1 μg/m3 ở xe buýt. Nồng độ carbon đen cũng được chứng minh là bị ảnh hưởng bởi mật độ giao thông. Các phép đo trong thời gian giao thông cao điểm cho thấy nồng độ carbon đen tương ứng là 34,7 μg/m3 cho người đi xe máy và 12,1 μg/m3 đối với hành khách xe buýt. Đối với các khoảng thời gian không phải giờ cao điểm (vào các ngày trong tuần), mức carbon đen tương ứng lần lượt là 27,7 và 8,4 μg/m3.
Trên địa bàn Hà Nội tính đến quý I/2019, đang có gần 6,7 triệu ôtô, xe máy, trong đó ôtô gần 740.000 chiếc và khoảng 5,7 triệu chiếc xe máy. Số liệu của CSGT Công an Hà Nội cho thấy, từ trong năm 2017, số lượng phương tiện tăng 5,3%; đến năm 2018 tăng 4,2% và năm 2019 so với 2018 đã tăng 1,5%.
Phòng CSGT Hà Nội hiện phải quản lý 6.649.596 phương tiện. Trong đó có 739.731 ôtô, 5.761.436 xe máy và xe máy điện là 148.429 chiếc. Đánh giá tổng hợp 2014 - 2019 cho thấy, trong năm 2017, số lượng phương tiện tăng 5,3%, đến năm 2018 tăng 4,2% và năm 2019 so với 2018 đã tăng 1,5%. Theo số liệu phương tiện được phờng CSGT thống kê, xe máy đang chiếm đến 86% lượng phương tiện giao thông đang tham gia ở Hà Nội.
Thành phố Hà Nội đang xây dựng đề án hạn chế phương tiện cá nhân để hạn chế ùn tắc và giảm ô nhiễm môi trường trong nội thành. Theo lộ trình đến năm 2030, Hà Nội sẽ cấm hẳn xe máy hoạt động trong những quận trung tâm. Với ô tô, Hà Nội đang nghiên cứu theo hướng thu phí khi đi vào nội thành.
Các nhà khoa học ước tính rằng những người đi xe máy tiếp xúc với mức carbon đen cao hơn đáng kể so với những người sử dụng xe buýt và ô tô. Phát hiện này là bằng chứng cho việc sử dụng các phương tiện giao thông công cộng sẽ vừa đảm bảo giảm thiểu vấn nạn tắc đường, vừa giúp bảo vệ sức khỏe cho người tham gia giao thông.