Theo đó, nghiên cứu trên người Mỹ gốc Phi cho thấy bị thất nghiệp, ly dị hay "đấu tranh" có thể khiến não bộ già nhanh thêm 4 năm so với tuổi thật cũng như nhận thức kém hơn.
Nếu ở người da trắng, sự lão hóa của não bộ bị đẩy nhanh thêm 1,5 năm thì ở người Mỹ gốc Phi, tốc độ lão hóa tăng hơn gấp 2,5 lần.
Trưởng nhóm nghiên cứu, nghiên cứu sinh Megan Zuelsdorff, ĐH Y Wisconsin, cho biết: “Nghịch cảnh đóng vai trò quan trọng trong nhận thức và lão hóa của não bộ của các chủng tộc khác nhau”.
Nghiên cứu có 82 người Mỹ gốc Phi và 1.232 người da trắng không phải gốc Tây Ban Nha tham gia. Tất cả các tình nguyện viên sẽ đều được hỏi về những căng thẳng đã từng xảy ra trong cuộc sống, từ những khó khăn trong học tập, xung đột giữa các cá nhân, tình trạng tài chính bấp bênh hay các vấn đề sức khỏe tinh thần và thể lực. Họ cũng sẽ thực hiện các bài kiểm tra trí nhớ và khả năng giải quyết vấn đề.
Cả 2 nhóm, người Mỹ gốc Phi và người da trắng đều có trình độ giáo dục cao và độ tuổi trung bình là 58, có nhiều năm đi học và đều mang gen APOE-e4 – 1 gen cho thấy nguy cơ mắc Alzheimer.
Mặc dù có nhiều sự tương đồng nhưng người Mỹ gốc Phi có trung bình 4,5 sự kiện căng thẳng trong cuộc sống so với 2,8 sự kiện ở nhóm người da trắng. Cùng với đó trí nhớ và kỹ năng giải quyết vấn đề của nhóm Mỹ gốc Phi cũng kém hơn.
Zuelsdorff cho rằng những phát hiện này cho thấy cần phải loại bỏ sự phân biệt chủng tộc, đặc biệt là ở các nhóm thiệt thòi.
Đây không phải là nghiên cứu đầu tiên về mối liên quan giữa căng thẳng với các vấn đề trí nhớ. Một nghiên cứu năm 2005 cho thấy những người cảm thấy căng thẳng nhiều nhất sẽ bị suy giảm nhận thức sớm hơn 30%.
Nghiên cứu năm 2015 cũng cho thấy nhận thức của một người về căng thẳng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tương lai và cho thấy việc cần thiết phải có các giải pháp giảm căng thẳng như tập thiền, yoga, ngủ đủ giấc... để bảo vệ não bộ.
Theo Dân Trí