Không phát hiện bất thường vẫn bị đưa vào luồng đỏ
Thông tin phản ánh của Công ty TNHH thương mại xuất nhập khẩu Vĩ Tuyến (Quảng Ninh), cho biết, đầu tháng 3/2023 vừa qua doanh nghiệp này bị thiệt hại rất lớn khi xuất khẩu hàng tươi sống bằng đường hàng không nhưng bị phân luồng đỏ khiến thời gian giao hàng bị kéo dài.
Cụ thể, doanh nghiệp trên xuất khẩu ruột hàu tươi ướp nước đá sang Trung Quốc bằng đường hàng không qua cửa khẩu quốc tế Nội Bài (Hà Nội) từ năm 2020, tất cả đều thông suốt, kể cả giai đoạn dịch bệnh COVID-19.
Thế nhưng, trong mấy ngày gần đây, sau khi đăng ký thủ tục hải quan điện tử cho các lô hàng xuất khẩu thì các lô hàng liên tiếp bị phân luồng đỏ. Điều này dẫn đến việc lô hàng phải đợi kiểm hóa trước khi thông quan khiến hàng giao cho đối tác bị trễ.
Ông Trần Văn Út, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại xuất nhập khẩu Vĩ Tuyến, cho biết: Vì đặc thù hàng tươi sống phải vận chuyển theo đường hàng không nên từ năm 2020 đến nay, doanh nghiệp đã mở tờ khai tại Chi cục Hải quan cửa khẩu Sân bay quốc tế Nội Bài (TP Hà Nội) và tất cả đều thông suốt, kể cả giai đoạn dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, đầu năm nay, trong quá trình mở tờ khai, do một vài lần nhận thấy chất lượng hàng không đảm bảo, Công ty đã chủ động hủy tờ khai trên hệ thống.
Đến đầu tháng 3/2023, sau khi đăng ký thủ tục hải quan điện tử cho các lô hàng xuất khẩu tiếp theo, thì 13 lô hàng liên tiếp bị phân luồng đỏ. Điều này dẫn đến việc toàn bộ hàng hóa phải đợi kiểm hóa trước khi thông quan khiến hàng giao cho đối tác bị trễ. Vì là ruột hàu tươi ướp đá, quá trình kiểm hóa kéo dài khiến đá tan làm giảm phẩm cấp, chất lượng của ruột hàu.
Được biết, trong giai đoạn 2020-2022, Công ty TNHH Thương mại xuất nhập khẩu Vĩ Tuyến đã mở trên 600 tờ khai và chỉ có 3 tờ khai bị phân luồng đỏ. Cho thấy mức độ tuân thủ pháp luật hải quan của doanh nghiệp rất cao, đứng ở mức 2/5 (mức độ tuân thủ cao) trong xếp hạng của Tổng cục Hải quan.
Về vấn đầy này, thông tin từ Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT) được biết, đối với các mặt hàng thủy sản, cả nước đang có 805 doanh nghiệp với 128 sản phẩm thủy sản đông lạnh, chế biến và 40 cơ sở đóng gói thủy sản tươi sống với 48 loại sản phẩm tươi sống được Trung Quốc phê duyệt. Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp XK thủy sản qua địa bàn Móng Cái, việc làm thủ tục XK dưới dạng cư dân biên giới hiện đang gặp khó khăn trong việc thanh toán với khách hàng.
Nguyên nhân do đối với hầu hết thủy sản tươi sống thì phía Trung Quốc chưa cho nhập khẩu chính ngạch tại TP Đông Hưng, mà chỉ cho nhập khẩu tại cặp chợ Móng Cái - Đông Hưng dưới hình thức XK cư dân biên giới. Như vậy, doanh nghiệp không được trực tiếp XK theo quy định từ phía Trung Quốc và cũng không được ủy thác XK cho cá nhân là cư dân biên giới cũng như không thể xuất hoá đơn kinh doanh điện tử cho cá nhân theo quy định của cơ quan thuế.
Điều này, khiến cho các doanh nghiệp không thể làm báo cáo tài chính đối với cơ quan Thuế. Các doanh nghiệp mong muốn Bộ NN&PTNT sớm làm việc với các bộ, ngành liên quan đưa ra giải pháp, hướng dẫn cụ thể cho các doanh nghiệp XK dưới dạng cư dân biên giới, tránh việc sau này cơ quan thuế kiểm tra truy thu thuế thu nhập mà doanh nghiệp không thể giải trình được.
Không bất thường nhưng vẫn nghi ngờ
Liên quan đến sự việc của Công ty Vỹ Tuyến nói riêng và vấn đề xuất nhập khẩu hàng hải sản nói chung, trao đổi với Ngày Nay, đại diện Cục Quản lý rủi ro (Tổng cục Hải Quan) cho biết, sau khi lực lượng hải quan kiểm tra khoảng 3 lô hàng không phát hiện sai phạm nhưng vẫn đưa 13 lô hàng còn lại của doanh nghiệp này vào luồng đỏ, trong quá trình áp dụng kiểm tra, vì trong thời gian ngắn doanh nghiệp thực hiện mở dồn dập một lượng tờ khai lớn, vì vậy độ phân bố việc kiểm tra và báo cáo kết quả từ dưới địa phương về Tổng cục cần phải mất một quãng thời gian để đánh giá. Sau đó, căn cứ kết quả kiểm tra thực tế của chi cục đối với doanh nghiệp không phát hiện vi phạm thì sẽ tiến hành đưa ra khỏi phân luồng kiểm tra theo quy định.
Qua theo dõi thời gian thời gian thông quan và qua tìm hiểu mức độ ảnh hưởng hàng hoá của doanh nghiệp thì không có hiện tượng như thông tin đã phản ánh. Hàng hoá đều phù hợp để doanh nghiệp xuất khẩu.
Theo Tổng cục Hải quan, việc dù trước đó đã thực hiện kiểm tra đối với 3 lô hàng thuỷ hải sản xuất khẩu và không phát hiện vi phạm nhưng vẫn đưa 13 lô hàng còn lại của Công ty Vỹ Tuyến vào luồng đỏ là đúng theo các quy định của pháp luật. Còn lý do vì sao mà dù không phát hiện sai phạm trong quá trình kiểm tra mà vẫn phân luồng đỏ thì phía Cục Quản lý rủi ro từ chối trả lời.
Đại diện Cục Quản lý rủi ro khẳng đinh, khi quyết định tiến hành kiểm tra đối với một lô hàng, ngành hải quan đều tiến hành rất cẩn thận, nhất là đối với các mặt hàng xuất khẩu luôn có sự ưu tiên trong kiểm tra, trong thông quan và tỉ lệ kiểm tra cũng rất ưu tiên. Đặc biệt, đối với những mặt hàng nhạy cảm, ngành hải quan đều hết sức thận trọng khi tiến hành kiểm tra; vì nếu chậm một chút sẽ dẫn đến hư hỏng hàng hoá và gây thiệt hại cho doanh nghiệp.
“Đối với trường hợp cụ thể là Công ty Vỹ Tuyến, chúng tôi nhận thấy có dấu hiệu theo quy định của ngành, và cũng được kiểm tra theo tỉ lệ ngẫu nhiên nhất định. Khi kiểm tra trong một thời gian, nếu như không phát hiện vi phạm, đương nhiên chúng tôi phải giảm tỉ lệ này đi”, đại diện lãnh đạo Cục Quản lý rủi ro cho biết.
Trao đổi thêm về vấn đề phân luồng hàng hoá xuất khẩu, đại diện Cục Quản lý rủi ro cho biết: Liên quan đến vấn đề phân luồng để kiểm tra hải quan, ngành hải quan đã áp dụng việc phân luồng này từ lâu, đặc biệt là từ khi có Luật hải quan năm 2014. Các quy định đã rất rõ, đó là việc kiểm tra, giám sát phải dựa trên quản lý rủi ro. Căn cứ vào Luật hải quan năm 2014, và Nghị định 08 về hướng dẫn luật cùng một số các thông tư, trong đó mới nhất là thông tư 81 liên quan đến công tác quản lý rủi ro trong hải quan quy định rất rõ việc phân luồng kiểm tra hải quan.