Trải qua nhiều thế kỷ tồn tại và phát triển, lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc trở thành lễ hội truyền thống không thể thiếu trong đời sống tâm linh của dân tộc. |
Theo thông tin từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hải Dương, lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc sẽ được mở đầu bằng lễ Cáo yết (xin phép mở hội) diễn ra vào ngày 03/9/2014 (ngày 10 tháng 8 âm lịch). Tiếp theo đó là lễ đúc tượng La Hán chùa Côn Sơn diễn ra vào 08/9/2013 (ngày 15 tháng 8 âm lịch).
Sau lễ đúc tượng là lễ rước văn từ Tổ đường chùa Côn Sơn lên đền thờ Ức Trai vào sáng ngày 09/9/2014 (16 tháng 8 âm lịch), với sự tham gia của đội múa lân, múa rồng, các kiệu rước, kiệu lễ phẩm, cùng hàng nghìn người dân phường Cộng Hoà, xã Lê Lợi, nhân dân thập phương. Với sự chuẩn bị công phu, khoa học, chắc chắn lễ rước sẽ diễn ra trang trọng, tạo thêm chiều sâu tâm linh cho lễ hội.
Cũng trong ngày 9/9/2014, lễ tưởng niệm 572 năm ngày mất anh hùng dân tộc, danh nhân văn hoá thế giới Nguyễn Trãi sẽ được tổ chức ngay sau khi đoàn rước tập kết lên đền thờ Ức Trai.
Chương trình nghệ thuật chào mừng tại lễ tưởng niệm sẽ diễn lại vở chèo “Côn Sơn hiền sĩ” do Nhà hát chèo Hải Dương thực hiện.
Tại lễ tưởng niệm, Ban Tổ chức Lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc sẽ đọc diễn văn tưởng niệm, đọc văn tế Nguyễn Trãi. Kết thúc lễ tưởng niệm là lễ tế truyền thống của hậu duệ dòng họ Nguyễn Trãi ở làng Chúc Thôn, Chi Ngãi (Cộng Hòa, Chí Linh) thực hiện.
Vì vậy cứ vào dịp đêm ngày 16 tháng 8 âm lịch, sau lễ mật định của các hòa thượng, ngoài trời tổ chức đốt pháo bông, thả đèn trời chào mừng đại lễ. Nhân dân thập phương tề tựu, xếp hàng vào đền xin dấu ấn với ước vọng được Đức Thánh phù hộ che chở.
Ngày 10/9/2014 (17/8 âm lịch) diễn ra lễ rước bộ truyền thống của nhân dân làng Vạn Yên và Dược Sơn, sau đó là lễ tưởng niệm và khánh thành công trình tu bổ đền Kiếp Bạc. Lễ hội quân trên sông Lục Đầu diễn ra từ 9h - 10h30 ngày 10/9 là nghi lễ quan trọng, đặc sắc trong lễ hội truyền thống Côn Sơn - Kiếp Bạc. Đây là cuộc diễu hành, phô trương lực lượng mạnh mẽ, là hình bóng của cuộc ra quân xưa với nhiều tướng lĩnh cùng các đạo quân gồm đủ các thành phần, làm sống lại hào khí Đông A và truyền thống giữ nước vĩ đại của dân tộc Việt Nam, tôn vinh chiến công hiển hách của Hưng Đạo Đại Vương trong cuộc kháng chiến chống quân Mông Nguyên.
Ngoài ra, trong các ngày diễn ra Lễ hội truyền thống Côn Sơn - Kiếp Bạc còn có các trò chơi dân gian, biểu diễn nghệ thuật: đu tiên, hát xẩm, viết thư pháp, bắt vịt, nhảy phỗng, bơi chải, thi nấu cơm, múa rối, đập niêu, chọi gà, cờ tướng…