Ngày Nay xin đăng tải bài viết của Đại biểu Quốc hội khóa XIV Phạm Thị Minh Hiền.
Quốc hội vừa bấm nút thông qua Luật Đầu tư (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV với nhiều nội dung được quy định mới, trong đó có quy định ngành “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” thuộc ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh. Điều này không phải thể hiện sự bất lực trong công tác quản lý nhà nước, mà Luật đã thể hiện sự cứng rắn, mạnh mẽ trong quản lý trật tự xã hội trước thực trạng các dịch vụ đòi nợ thuê đang ngày càng biến tướng hết sức phức tạp, có dấu hiệu mất kiểm soát.
Những ngày qua đi tiếp xúc cử tri sau kỳ họp, tôi cũng nhận khá nhiều ý kiến của cử tri về vấn đề này, các nhóm đòi nợ thuê ngày càng lộng hành không chỉ gây sợ hãi cho một cá nhân, gia đình mà có khi còn gây náo loạn, gây mất an ninh trật tự cả một khu phố, thôn xóm vào bất kỳ giờ giấc nào trong ngày, thậm chí là ban đêm.
Người dân và tôi thật sự rất bức xúc trước hành động bất chấp của những dịch vụ đòi nợ thuê núp bóng pháp luật. Các doanh nghiệp dạng này dù được cấp phép theo luật hiện hành nhưng trên thực tế lại hoạt động không lành mạnh, hành vi và phương thức hoạt động mang tính chất giang hồ, dùng công cụ hành nghề toàn là vũ khí, vật dụng gây thương tích, nhân viên thì thái độ rất côn đồ, dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực đối với những người đang rơi vào tình cảnh nợ nần.
Theo dõi tuyến bài về đòi nợ theo hình thức xã hội đen dẫn đến cái chết của một công dân nghèo, yếu thế trên Ngày Nay, tôi thấy rất đau xót, nhất là khi nghĩ đến cảnh các cháu nhỏ con anh Tâm phải chứng kiến cha mẹ mình bị khủng bố tinh thần và hành hung mỗi ngày như vậy, thật bất nhân, thật bất lương!
Cái chết thương tâm này đã cho chúng ta thấy rõ hơn hiện thực chẳng mấy tốt đẹp của các dịch vụ cho vay, mà Công ty tài chính FE CREDIT là một ví dụ điển hình. Tại sao các dịch vụ cho vay nặng lãi lại tiếp cận với người dân bằng việc quảng cáo thông qua các thuê bao điện thoại, các ứng dụng trên điện thoại lại dễ dàng như vậy, dịch vụ với lời hứa hẹn thì đầy nhân ái mà lãi suất thì như cứa cổ người vay?
Cái chết của anh Tâm cũng cho chúng ta nhận diện sâu hơn bộ mặt thật của không ít dịch vụ đen tối trá hình doanh nghiệp, chúng ta cũng nhận thấy năng lực quản lý của chính quyền địa phương và cơ quan chức năng khi để xảy ra những vụ việc như thế kéo dài ở địa bàn, họ nhắm mắt ngó lơ hay vì họ yếu kém? Tôi cho rằng, những hành vi nguy hiểm này cần phải được lên án và các cơ quan bảo vệ pháp luật vào cuộc, liên quan tới sinh mạng con người, ép một người đi đến bước đường cùng thì nhất định không thể bỏ qua.
Tôi cho rằng vụ việc đã đủ cơ sở pháp lý để khởi tố theo quy định của Luật Hình sự 2015 đối với nhóm đòi nợ thuê, không thể giải quyết chậm trễ hơn được nữa. Đồng thời, những biến tướng ngày càng nghiêm trọng của dịch vụ cho vay nặng lãi và đòi nợ thuê cũng cần được các cơ quan có thẩm quyền rà soát và siết chặt, tiến tới “khai tử” khi Luật Đầu tư sửa đổi chính thức có hiệu lực. Đây cũng là một bài học cảnh tỉnh đối với người dân, cần hết sức tỉnh táo khi tiếp cận với những dịch vụ cho vay nặng lãi một cách quá dễ dàng như hiện nay.
Ở vị trí một độc giả, tôi rất ủng hộ Tạp chí Ngày Nay đã vào cuộc lên án vụ việc này và mong các cơ quan báo chí khác cùng tham gia làm rõ. Độc giả và người dân rất cần báo chí bản lĩnh xung trận để đưa ra ánh sáng những cái xấu, hiện tượng tiêu cực đang còn tồn tại trong xã hội. Dù có thể đứng sau những vụ việc tiêu cực là ai đi nữa, tập đoàn này hay thế thực nào khác chống lưng, thì vai trò, trách nhiệm của báo chí là phải đương đầu, không ngại va chạm và dư luận rất ủng hộ việc này. Đó là tín hiệu đáng mừng trong công tác phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội.
Trước sự gieo mình đầy thương tâm của một người yếu thế bởi cái xấu, nếu im lặng làm ngơ, chẳng khác gì đồng lõa, nếu thò tay can thiệp, chẳng khác gì bảo kê. Đều là bất lương!
Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Minh Hiền
Phóng viên Ngày Nay cũng đã liên lạc với Ngân hàng Nhà nước và đang chờ phản hồi về vụ việc.