Không đảm bảo quy chuẩn của Bộ Xây dựng
Khu nhà ở Melosa Garden được phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 tại Quyết định số 4479/QĐ-UBND ngày 8/9/2014; được công nhận và chấp thuận đầu tư tại Quyết định số 5356 ngày 30/10/2014. Các văn bản này đều do Phó Chủ tịch TP.HCM thời điểm đó là ông Nguyễn Hữu Tín ký.
Đến ngày 4/2/2020, UBND TP có văn bản số 380/UBND-ĐT về việc chấp thuận cho Công ty Song Lập được thi công trạm xử lý nước thải tại dự án Melosa Garden. Tuy nhiên, trong đơn thư gửi cơ quan chức năng, các hộ dân cho biết, vị trí đặt trạm xử lý nước thải được cơ quan chức năng phê duyệt không đảm bảo đủ khoảng cách an toàn theo quy định pháp luật.
Cụ thể, Quy chuẩn 01:2008/BXD do Bộ Xây dựng ban hành là những quy định bắt buộc phải tuân thủ trong quá trình lập, thẩm định và phê duyệt các đồ án xây dựng. Tại mục 6.1, Chương IV của Quy chuẩn này quy định, khoảng cách về an toàn môi trường (ATVMT) tối thiểu giữa trạm xử lý nước thải với khu dân cư là 15m, trong trường hợp trạm đặt ở đầu hướng gió của khu dân cư thì khoảng cách tối thiểu phải tăng lên gấp 1,5 lần, tương ứng là 22,5 mét. Đồng thời, trong khoảng cách ATVMT phải trồng cây xanh với chiều rộng 10m.
Trong văn bản 3381/SDX-CPXD của Sở Xây dựng TP gửi các hộ dân khiếu nại về trạm xử lý nước thải có thể hiện, cơ quan chức năng đã áp dụng Quy chuẩn 01:2008/BXD trong quá trình phê duyệt dự án. Tuy nhiên, câu trả lời này khiến người dân rất bức xúc khi thực tế trạm xử lý nước thải hiện nay nằm cách đường giao thông của khu dân cư khoảng 2m, cách cổng nhà dân khoảng 10m, không đảm bảo đủ khoảng cách ATVMT theo Quy chuẩn của Bộ Xây dựng, nhưng không hiểu vì sao hạng mục này vẫn được thông qua.
Vị trí đặt trạm xử lý nước thải không đảm bảo đủ khoảng cách an toàn theo quy định pháp luật. |
“Trong các buổi tiếp xúc với cư dân, UBND Q.9 (cũ, nay thuộc TP.Thủ Đức) cho rằng, khoảng cách ATVMT được áp dụng từ trạm xử lý nước thải tính từ vị trí xây trạm đến móng nhà dân, đáp ứng đủ khoảng cách 15m. Tuy nhiên, nếu xây tại vị trí này thì khoảng cách từ trạm đến vỉa hè chỉ là 2m, vậy đất đâu để trồng dải cây xanh 10m như Quy chuẩn của Bộ Xây dựng”, ông Dương Minh, một cư dân bức xúc.
Ngoài ra, cư dân còn cho biết, trạm xử lý nước thải đặt đầu hướng gió của khu dân cư, nghĩa là khoảng cách an toàn đúng phải là 22,5m. Trạm xử lý nước thải cũng đặt ngay sát cột điện cao thế, dấy lên nguy cơ mất an toàn.
Không phải là chung cư vẫn bị thu quỹ bảo trì
Cư dân Melosa Garden còn cho biết, ngoài việc trạm xử lý nước thải đặt quá gần nhà dân thì chủ đầu tư dự án là Công ty TNHH Đầu tư và Kinh doanh BĐS Song Lập (thành viên của Công ty Cổ phần Đầu tư Kinh doanh BĐS Khang Điền) cũng thu quỹ bảo trì với số tiền 1,5%/căn nhà.
Theo quy định của Luật Nhà ở cùng các văn bản pháp luật liên quan thì phí bảo trì chung cư là khoản phí được sử dụng để bảo trì các hệ thống thuộc sở hữu chung của tòa nhà bị xuống cấp trong quá trình sử dụng. Kinh phí bảo trì thường được tính bằng 2% giá trị căn hộ và thanh toán luôn khi mua bán, riêng diện tích chủ đầu tư giữ lại thì chủ đầu tư cũng phải đóng 2% với phần diện tích này.
Quỹ này thường được sử dụng vào duy trì các hệ thống được sở hữu chung của tòa nhà như: thang máy, máy phát điện, máy bơm nước, hệ thống thông gió, PCCC,... cùng các thiết bị phục vụ cho tòa nhà chung cư.
Luật Nhà ở cùng các văn bản pháp luật hiện hành chỉ nhắc đến việc thu quỹ bảo trì với dự án nhà chung cư, không nhắc đến việc thu và hướng dẫn sử dụng quỹ bảo trì tại các dự án khu dân cư, khu đô thị. Trong khi đó, Melosa Garden là dự án khu dân cư vẫn bị chủ đầu tư thu quỹ bảo trì khiến người dân rất bức xúc và đặt dấu hỏi lớn về việc số tiền quỹ bảo trì này sẽ được thực hiện vào việc gì?
Dự án khu dân cư vẫn bị chủ đầu tư thu quỹ bảo trì khiến người dân rất bức xúc. |
“Nhà xảy ra hư hỏng thì cư dân phải tự bỏ tiền sửa, đường hay vỉa hè theo như giải thích của UBND Q.9 (cũ) là thuộc sở hữu của Nhà nước, đồng thời chi phí vận hành của dự án hàng tháng chúng tôi đều phải đóng. Số tiền quỹ bảo trì được thu là 1,5%, trong khi các căn nhà ở đây đều có giá 3 - 4 tỷ đồng. Số tiền này nhân với gần 600 căn nhà của dự án là một số tiền khổng lồ.
Đồng thời suốt nhiều năm qua chủ đầu tư không công khai việc đã thu được bao tiền quỹ bảo trì cùng biên độ lãi suất số tiền này tại ngân hàng và chúng tôi cũng không biết nó được sử dụng vào việc gì khi dự án không có nhiều hạng mục phải bảo dưỡng thường xuyên như chung cư”, cư dân thắc mắc.
Đến tháng 9/2020, sau khi bị người dân nhiều lần khiếu nại, chủ đầu tư mới có văn bản công khai số tiền này. Theo đó, dự án Melosa Garden đã bàn giao 566/567 căn nhà, tiền quỹ bảo trì đã thu là 34,5 tỷ đồng, lãi tiền gửi phát sinh là 2,6 tỷ đồng, tổng số tiền đến ngày 30/9/2020 là 37,2 tỷ đồng.
Trong khi đó, các chi phí vận hành khu dân cư như bảo vệ, điện nước, chi phí điều hành, vệ sinh, kiểm soát côn trùng, chăm sóc cảnh quan, thu gom rác thải,... đã chi là 5,1 tỷ đồng nhưng số tiền này người dân phải đóng góp mà không sử dụng quỹ bảo trì.
Ngoài dự án Melosa Garden, dự án Mega Village bên cạnh (cùng thuộc của Khang Điền) cũng bị người dân phản ánh tình trạng chủ đầu tư tự ý thu quỹ bảo trì với dự án khu dân cư.
Chưa có trong quy định pháp luật
Tại văn bản số 3730/UBND-QLĐT ngày 26/10/2020 về việc kiến nghị quản lý và vận hành khu dân cư dự án Melosa Garden của cư dân, UBND Q.9 (cũ) cho biết, việc ban hành quy chế sử dụng quỹ bảo trì khu dân cư dự án Melosa Garden hiện nay chưa có quy định với trường hợp này.
UBND Q.9 đề nghị Công ty Song Lập nghiên cứu thực hiện đúng theo nội dung được quy định tại Điều 17 Nghị định 99/2015-NĐ-CP của Chính phủ. Tuy nhiên, tại Điều 17 Nghị định 99/2015/NĐ-CP chỉ nhắc đến việc quản lý khu vực nhà ở riêng lẻ trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở, hoàn toàn không có hướng dẫn về việc sử dụng quỹ bảo trì với khu dân dư.
Ngoài ra, UBND Q.9 đề nghị Công ty Song Lập phải thông báo bằng văn bản cho các cư dân khu dân cư Melosa Garden về kế hoạch, thời gian dự kiến tổ chức hội nghị để thành lập Ban tự quản khu nhà ở để thực hiện quản lý việc bảo trì kiến trúc bên ngoài của nhà ở, tổ chức họp cư dân tại dự án Melosa Garden để thông qua báo cáo các khoản thu chi để người dân được biết và kiểm soát.
Văn bản của UBND Q.9 không thể hiện được việc sẽ sử dụng tiền quỹ bảo trì đã thu như thế nào. Như đã nhắc đến ở trên, quỹ bảo trì được thu với dự án chung cư và do Ban quản trị chung cư quản lý, sử dụng vào mục đích chung của tòa nhà. Trong khi đó, việc thành lập Ban tự quản khu nhà ở theo Nghị định 99/2015/NĐ-CP chỉ để phục vụ việc quản lý, vận hành khu dân cư, kinh phí hoạt động khu nhà ở do người dân tự đóng góp.