Theo kênh truyền hình RT, hai blogger về du lịch người Australia, cô Carly Stevens và anh Tim Gower, đã chi khoảng 200 USD (gần 5 triệu đồng) để tham gia lễ cưới kéo dài 2 ngày của một cặp đôi thông qua một công ty giới thiệu có tên Join My Wedding (Tham gia lễ cưới của tôi).
“Mô hình khá mới mẻ. Chúng tôi cũng có cơ hội được quen biết nhiều người từ khắp mọi nơi trên thế giới. Chúng tôi rất hào hứng và cởi mở về việc đó”, Giám đốc công ty có trụ sở ở Delhi Surabhi Chauhan trả lời phỏng vấn kênh CNBC và giải thích cô hình thành ý tưởng này khi đi tìm địa điểm cưới của chính mình.
Vợ chồng Chauhan được giới thiệu cho Steven và Gower. “Chúng tôi trò chuyện và khá ăn ý, chúng tôi giới thiệu ngắn gọn về bản thân, công việc chính xác chúng tôi làm là gì, họ phải ăn mặc như thế nào, buổi lễ sắp xếp ra sao…, mọi vấn đề đều được thảo luận”, Chauhan cho biết.
Muốn bán vé cho hôn lễ, các cặp đôi sẽ lên danh sách chi tiết về ngày thành hôn trên website của công ty.
“Nếu nghĩ về việc đó, không có gì mang màu sắc văn hóa hơn một lễ cưới vì bạn có đầy đủ các yếu tố văn hóa hiện diện: người địa phương, thức ăn địa phương, phong tục tập quán, trang phục, âm nhạc, căn bản là mọi thứ liên quan đến văn hóa có hết ở đó”, Orsi Parkanyi – người đồng sáng lập công ty giải thích.
Cô bày tỏ sáng kiến nảy sinh từ một lần cô lỡ đám cưới của một người bạn. Cô quyết định tập trung vào đám cưới ở Ấn Độ vì lễ cưới ở đây “nổi tiếng trên thế giới” và cơ hội để tham dự lễ cưới ở Ấn Độ đối với người nước ngoài là không cao.
Theo Parkanyi, du khách đã tham dự được hơn 100 đám cưới kể từ khi công ty thành lập. Ngoài "Join My Wedding", nhiều công ty lữ hành và quản lý tour cũng giới thiệu các gói tour cho du khách nước ngoài tham gia lễ cưới kiểu Ấn Độ.
Giới chuyên gia ước tính ngành tổ chức đám cưới Ấn Độ đạt giá trị 40 tỷ USD và dự kiến sẽ tăng trưởng 20% một năm.