Sau phản ánh của Báo Ngày Nay về khoản 4, điều 118 luật Bảo vệ môi trường sửa đổi năm 2020 quy định: “Các cơ quan, tổ chức, cá nhân không phải là cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, không thuộc hệ thống quan trắc môi trường quốc gia, quan trắc môi trường cấp tỉnh khi công bố thông tin về chất lượng môi trường xung quanh phải đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật” là dập tắt tiếng nói của người dân về bảo vệ môi trường và chưa chuẩn so với Hiến Pháp nước Việt Nam.
Chiều ngày 5/11, chủ trì phiên đối thoại với các chuyên gia xung quanh các quy định tại Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi (lần 3), Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi Trường Trần Hồng Hà đã lắng nghe, tiếp thu nhiều ý kiến. Trong đó, ý kiến của tiến sĩ Hoàng Dương Tùng (Nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường) cho rằng “không có lý do gì lại bắt các tổ chức, cá nhân phải đăng ký mới được công bố thông tin”.
Trả lời tiến sĩ Hoàng Dương Tùng, Bộ trưởng Trần Hồng Hà thừa nhận “Chỉ nên quy định phải đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật theo quy định của pháp luật thôi, không phải đăng ký. Quy định đăng ký là không cần thiết, nên bỏ đi”.
Luật Bảo vệ môi trường hiện hành đã được Quốc hội khóa XIII thông qua tại Kỳ họp thứ 7, thay thế Luật luật Bảo vệ môi trường năm 2005 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2015. Sau gần 5 năm triển khai thực hiện, Luật đã góp phần tạo chuyển biến tích cực trong công tác bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực thi cho thấy Luật đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, chưa điều chỉnh kịp thời với những thách thức mới đặt ra đối với công tác bảo vệ môi trường.
Dự thảo luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) lần này bao gồm 16 chương và 192 điều, giảm 4 chương và tăng 21 điều so với luật Bảo vệ môi trường năm 2014. Dự thảo Luật khi công bố đã nhận được nhiều tranh luận, góp ý của các chuyên gia, tổ chức môi trường trong nước do có nhiều quy định còn bất cập. Do đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đã đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường và cơ quan thẩm tra dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) tiếp thu ý kiến để hoàn thiện Dự luật.
Dự luật Bảo vệ môi trường sửa đổi sẽ được Quốc hội biểu quyết thông qua vào ngày 11/11 tới.