Đưa Nghệ thuật Hát Xẩm đến gần hơn với thế hệ trẻ

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Các Câu lạc bộ Hát Xẩm trên địa bàn tỉnh Ninh Bình tăng cường mở các lớp truyền dạy Nghệ thuật Hát Xẩm cho học sinh, góp phần gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa của Di sản Văn hóa Thế giới này.
Buổi tập của Câu lạc bộ Hát Xẩm tại huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình. Ảnh: Hải Yến/TTXVN.
Buổi tập của Câu lạc bộ Hát Xẩm tại huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình. Ảnh: Hải Yến/TTXVN.

Hoạt động mạnh mẽ, hiệu quả của các Câu lạc bộ Hát Xẩm trên địa bàn tỉnh Ninh Bình không chỉ góp phần giữ gìn, bảo tồn nghệ thuật truyền thống mà còn tích cực tham gia quảng bá, lan tỏa Nghệ thuật Hát Xẩm thông qua các hoạt động văn hóa, văn nghệ.

Qua đó có đóng góp quan trọng cho hành trình Việt Nam đề nghị Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) công nhận Hát Xẩm là Di sản Văn hóa Phi Vật thể của Thế giới.

Truyền dạy cho thế hệ trẻ

Nhiều năm nay, ngôi nhà ở xã Yên Nhân (huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình) của Nghệ nhân Phạm Thị Kim Ngân đã trở thành điểm hẹn của những người có cùng niềm say mê với Hát Xẩm.

Là một trong những truyền nhân của cố Nghệ nhân Hà Thị Cầu, năm 2014, bà Ngân đã thành lập Câu lạc bộ Hát Xẩm Kim Ngân để truyền dạy cho các thế hệ trẻ và lan tỏa niềm đam mê cho nhiều người. Các thành viên trong câu lạc bộ chủ yếu từ 6-20 tuổi.

Đến nay, câu lạc bộ đã mở hàng chục lớp cho hàng trăm học sinh trên địa bàn xã, huyện theo học để biết Hát Xẩm và có thể hát hay. Câu lạc bộ Hát Xẩm Kim Ngân cũng tham gia nhiều chương trình, hội thi, hội diễn, hoạt động văn hóa trong, ngoài tỉnh và đạt được nhiều thành tích cao.

Bà Phạm Thị Kim Ngân, Chủ nhiệm Câu lạc bộ chia sẻ, tham gia câu lạc bộ, các em có điều kiện, cơ hội biểu diễn tại các hội thi nghệ thuật quần chúng ở địa phương và giành giải cao. Mỗi lần biểu diễn là một lần Hát Xẩm được đưa đến gần hơn với công chúng. Qua đó, người nghe sẽ dần tiếp cận, hiểu và yêu mến giá trị nghệ thuật, tính nhân văn sâu sắc của từng thanh âm, làn điệu mộc mạc này. Câu lạc bộ đã giúp nuôi dưỡng tâm hồn của thế hệ trẻ qua Nghệ thuật Hát Xẩm truyền thống.

Trong ngôi nhà của cố Nghệ nhân Hà Thị Cầu (xã Yên Phong, huyện Yên Mô), điệu Hát Xẩm vẫn vang lên rộn ràng. Muốn lưu giữ lại những giá trị độc đáo của Hát Xẩm, năm 2018, con gái cố Nghệ nhân là bà Nguyễn Thị Mận đã thành lập Câu lạc bộ Chiếu Xẩm Hà Thị Cầu để truyền dạy miễn phí cho các nghệ sỹ không chuyên và học sinh trên địa bàn huyện Yên Mô những bài Xẩm do cố Nghệ nhân Hà Thị Cầu đặt lời, biểu diễn.

Từ 12 thành viên tham gia, đến nay, dưới sự truyền dạy của bà Nguyễn Thị Mận, câu lạc bộ đã có hơn 30 thành viên có chung tình yêu và niềm đam mê đặc biệt với Hát Xẩm.

Các em đều hát thành thục các điệu Xẩm Thập ân, Xẩm Ngược đời, Huê tình, Xẩm Giọt nước cánh bèo... Nhiều thành viên tuổi nhỏ đã đoạt giải cao trong các liên hoan, hội diễn, giao lưu văn hóa nghệ thuật quần chúng toàn quốc.

Bà Nguyễn Thị Mận cho biết bằng phương thức truyền khẩu, giảng dạy trực tiếp, các em đã có thể hát những điệu Xẩm cổ đến những làn điệu mới. Dù điều kiện còn nhiều khó khăn, nhưng bằng sự nỗ lực của mỗi thành viên, câu lạc bộ ngày càng phát triển, thường xuyên biểu diễn, quảng bá Hát Xẩm đến gần hơn với công chúng.

Đưa Hát Xẩm vào trường học

Theo thống kê của Ủy ban Nhân dân huyện Yên Mô, trên địa bàn huyện có gần 100 câu lạc bộ, đội, nhóm Hát Chèo, Hát Xẩm; trong đó có 25 Câu lạc bộ Hát Xẩm theo phong cách cổ truyền và lời mới được thành lập, đi vào hoạt động có nền nếp, chất lượng.

Các câu lạc bộ tập trung nhiều ở xã Yên Phong, Yên Nhân, Yên Thành, Yên Hòa… với sự tham gia của nhiều người ở các lứa tuổi. Trung bình, mỗi câu lạc bộ có trên 30 thành viên.

Các câu lạc bộ này đã xây dựng quy chế hoạt động, thường xuyên tập luyện, giao lưu trong các ngày lễ, ngày hội tại địa phương và tham gia các cuộc thi trong và ngoài tỉnh.

Huyện Yên Mô luôn quan tâm đến công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa nghệ thuật thông qua việc hỗ trợ, tạo điều kiện cho các câu lạc bộ thành lập và hoạt động. Hằng năm, địa phương đều tổ chức liên hoan các Câu lạc bộ Hát Chèo, Hát Xẩm thu hút nhiều đoàn, đội tuyển tham gia với hàng trăm tiết mục.

Thành công của các chương trình liên hoan này đã có sức lan tỏa rộng khắp, nâng cao ý thức gìn giữ, bảo tồn, phát huy Nghệ thuật Hát Xẩm. Ngoài ra, huyện cũng chú trọng việc tìm hiểu, sưu tầm các tư liệu về nghệ thuật này, bảo tồn, giữ gìn các giai điệu trong Hát Xẩm; tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các thế hệ, nhất là trong bảo tồn, phát huy giá trị Hát Xẩm để từng bước đưa loại hình nghệ thuật này trở thành sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn huyện Yên Mô nói riêng và tỉnh Ninh Bình nói chung.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Yên Mô Đặng Thái Sơn cho biết để bảo tồn, phát huy và lan tỏa Nghệ thuật Hát Xẩm, thời gian tới, bên cạnh việc tăng cường mở các lớp truyền dạy cho các học sinh, các thành viên Câu lạc bộ hát Chèo, Hát Xẩm trên địa bàn vào dịp hè, huyện đã có kế hoạch định kỳ tổ chức các liên hoan, hội thi, hội diễn, giao lưu văn hóa, văn nghệ.

Đặc biệt, huyện sẽ hỗ trợ chuyên môn nghiệp vụ, kinh phí hoạt động cho các câu lạc bộ và xây dựng chuyên đề về Hát Xẩm đưa vào giảng dạy ngoại khóa trong một số trường Tiểu học, Trung học Cơ sở, Trung học Phổ thông trên địa bàn.

Với quyết tâm cao của các câu lạc bộ cùng sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp, ngành, Nghệ thuật Hát Xẩm ở Yên Mô nói riêng và Ninh Bình nói chung đang phát huy giá trị trong đời sống, góp phần vào việc gìn giữ, phát huy và lan tỏa những giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc.

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Phó Tổng thống Kamala Harris đang chạy đua với thời gian. Ảnh: ABC.
Cuộc đua sít sao trước thềm ngày bầu cử Mỹ
(Ngày Nay) - Trước thềm ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 (5/11), hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang chạy đua với thời gian nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các nhóm cử tri chưa đưa ra quyết định, trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn rất sít sao.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.