Trong không khí thân mật, hữu nghị, tin cậy và hiểu biết lẫn nhau, hai Thủ tướng đánh giá quan hệ hữu nghị và truyền thống giữa Việt Nam và Bỉ trong gần 50 năm qua phát triển tích cực, đa dạng và thực chất với nhiều khuôn khổ hợp tác phong phú, bổ sung cho nhau và phát huy được các thế mạnh của cả hai bên, trong đó có việc thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược về nông nghiệp vào năm 2018; nhất trí cho rằng hai nước đang đứng trước nhiều cơ hội và triển vọng to lớn để tăng cường hợp tác, trước mắt là chuẩn bị và tổ chức chu đáo chuyến thăm và tiếp xúc giữa lãnh đạo cấp cao hai nước, đồng thời đẩy mạnh hợp tác về văn hóa giáo dục, phát triển nguồn nhân lực, nông nghiệp, khoa học công nghệ, an ninh tư pháp, hợp tác phát triển, biến đổi khí hậu…; phấn đấu tăng đầu tư, thương mại hai chiều, hướng tới phục hồi bền vững sau đại dịch nhằm đưa quan hệ hai nước lên một tầm cao mới theo hướng thực chất và hiệu quả hơn.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá Bỉ hiện là một trong những đối tác thương mại quan trọng và là thị trường xuất khẩu lớn thứ 6 của Việt Nam tại châu Âu với kim ngạch thương mại hai chiều 7 tháng đầu 2021 đạt 1,9 tỷ USD, tăng hơn 40% so với cùng kỳ 2020, nhiều doanh nghiệp Bỉ đầu tư có hiệu quả tại Việt Nam; nhấn mạnh việc hai bên tiếp tục triển khai hiệu quả Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) cùng với việc Bỉ sớm phê chuẩn Hiệp định Đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA) sẽ tạo xung lực quan trọng thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam và EU cũng như giữa hai nước Việt Nam và Bỉ về kinh tế và chiến lược.
Thủ tướng khẳng định Việt Nam luôn ủng hộ và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có nhà đầu tư của Bỉ sang làm ăn và hợp tác lâu dài tại Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực Bỉ có thế mạnh như vận tải biển, dịch vụ hậu cần, logistics, năng lượng tái tạo, nông nghiệp công nghệ cao, dược phẩm… Đồng thời, Thủ tướng cũng đề nghị Chính phủ Bỉ tạo điều kiện thuận lợi cho hàng nông sản, đặc biệt là gạo, cà phê, ca-cao và hoa quả theo mùa của Việt Nam như vải thiều, nhãn, thanh long, xoài vào thị trường của Bỉ và EU; thúc đẩy Ủy ban châu Âu (EC) sớm gỡ bỏ “thẻ vàng” đối với thủy sản Việt Nam, đáp ứng lợi ích các doanh nghiệp Việt Nam cũng như người tiêu dùng Bỉ và EU.
Đánh giá cao những đóng góp rất tích cực của Bỉ đối với Quỹ Covax nhằm góp phần hỗ trợ các nước trong phòng, chống đại dịch COVID-19, Thủ tướng Phạm Minh Chính cảm ơn sự hỗ trợ quý báu của Bỉ cho Việt Nam trong thời gian qua và đề nghị Chính phủ Bỉ thúc đẩy Covax đẩy nhanh phân bổ vaccine cho Việt Nam trong thời gian sớm nhất, đồng thời ưu tiên viện trợ, nhượng hoặc cho vay lại vaccine, hợp tác chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine, hỗ trợ vật tư, thuốc điều trị và trang thiết bị y tế để Việt Nam sớm kiểm soát được dịch bệnh hiện đang diễn biến phức tạp tại một số tỉnh thành.
Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo nhất trí với đánh giá của Thủ tướng Phạm Minh Chính về cách tiếp cận toàn cầu, bình đẳng, hỗ trợ lẫn nhau trong vấn đề vaccine trong giai đoạn hiện nay và nhấn mạnh tiêm chủng chính là chìa khóa cốt lõi để vượt qua dịch bệnh; khẳng định sẽ chỉ đạo các cơ quan liên quan của Bỉ đáp ứng tích cực đề nghị của phía Việt Nam.
Trao đổi về tình hình bảo hộ công dân mỗi nước, hai Thủ tướng nhất trí cùng quan tâm và tạo điều kiện hơn nữa cho cộng đồng người Việt Nam tại Bỉ và cộng đồng người Bỉ tại Việt Nam; nhấn mạnh đây là cầu nối và nhân tố quan trọng góp phần thúc đẩy quan hệ giữa 2 nước. Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam luôn tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; lấy con người là trung tâm, chủ thể, vừa là mục tiêu cao nhất, vừa là động lực quan trọng nhất của phát triển.
Hai Thủ tướng nhấn mạnh việc hai nước cần tiếp tục tăng cường hợp tác, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương và tổ chức quốc tế, nhất là tại Liên Hợp Quốc, ASEM, Pháp ngữ, ASEAN-EU… và phối hợp chặt chẽ trong các vấn đề khu vực và toàn cầu trong thời gian tới.
Về vấn đề Biển Đông, hai nhà Lãnh đạo khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không, giải quyết hòa bình các tranh chấp dựa trên luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982; thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC); tiến tới đạt được Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) thực chất, hiệu quả.
Thủ tướng Phạm Minh Chính mời Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo sớm sang thăm Việt Nam để tiếp tục trao đổi sâu rộng hơn về các biện pháp thúc đẩy quan hệ giữa hai nước trong thời gian tới. Thủ tướng Alexander De Croo vui vẻ nhận lời và mong muốn sớm được đón Thủ tướng Phạm Minh Chính sang thăm Vương quốc Bỉ.