Tôi từng nhớ câu chuyện kể về những nguyên thủ quốc gia, khi tới dự hội nghị, kỳ họp quốc tế họ vẫn cố gắng làm sao để phát biểu bằng tiếng của đất nước họ và nếu cần thì để phiên dịch lại. Chỉ hoạ may, khi sang thăm một quốc gia nào đó, để tỏ rõ sự chân thành, thân thiện, gần gũi người ta mới gửi một vài câu chào hỏi bằng tiếng nước chủ nhà.
Dù nói gì thì nhiều người trong chúng ta vẫn phải khâm phục cộng đồng Hoa kiều ở TPHCM, dù đã sinh sống và lập nghiệp hàng trăm năm tại Sài Gòn, họ vẫn cho con cháu học tiếng của họ cùng với tiếng Việt. Đặc biệt, họ vẫn nói tiếng Trung (tiếng Quảng Đông, tiếng Quan Thoại…)
Để rồi, không ít người trong chúng ta giật mình và cảm thấy có điều gì đó sai sai trong việc thời gian qua có không ít trường học mang danh quốc tế để rồi vị thế Tiếng Việt trong nhà trường từ phổ thông đến trung học và đại học dần dần bị giảm sút và thay vào đó là tiếng Anh.
Không thể phủ nhận, với việc toàn cầu hoá, khoa học phát triển và sự vận động của xã hội thì việc đào tạo nguồn nhân lực có tri thức, có trình độ ngoại ngữ tốt là điều đáng mừng và cần thiết. Nhưng giỏi ngoại ngữ là một chuyện. Bảo vệ và duy trì Tiếng Việt đối với một công dân nước Việt cũng như trong xã hội là điều tối quan trọng.
Vậy mà chẳng hiểu sao, những năm gần đây, tại nhiều tỉnh thành trong cả nước, nhất là tại TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng lại có không ít trường quốc tế thi nhau mở chương trình song ngữ. Có những trường song ngữ như trường Tiểu học, Trung học Cơ sở, Trung học phổ thông Việt Úc học tới 28 tiết theo chương trình ngoại ngữ/tuần hay như tiểu học học một buổi tiếng Anh, một buổi tiếng Việt.
Thế vẫn chưa là gì, nhiều năm qua, còn có không ít trường mang danh giáo dục nhưng chương trình tiếng Việt gần như không có hoặc… cho có, từ trường Đại học Quốc tế cho tới Trung học phổ thông, tiểu học dưới mác quốc tế… Có ý kiến lo ngại rằng, tiếng Việt có đang “lép vế” và “thua trên sân nhà” ngay trên chính đất nước mình.
Trẻ em tiểu học, trung học cơ sở là những công dân đang trong tuổi phát triển, học tập là quyền và nghĩa vụ của các em. Sự phát triển ngôn ngữ, trí tuệ, văn hoá và đạo đức con người của thế hệ mai sau phụ thuộc nhiều vào giáo dục hay nói gọn hơn là ngôn ngữ, ngôn ngữ bản địa hay ngôn ngữ quốc gia.
Các em có thể tiếp cận với thế giới bên ngoài bằng ngoại ngữ, nhưng các em có gì khi văn hoá, lịch sử… cái mà Việt Nam có lại đa phần là Tiếng Việt. Và tinh hoa của tuổi trẻ lại nằm trong phần giáo dục mầm non, tiểu học, trung học… chưa kể, thời gian qua, tuổi thơ của bao đứa trẻ lại vùi lấp trong chính việc học, tức là các em chỉ biết tiếng Anh. Ngay cả các trường Đại học, khi các em bước vào tuổi trưởng thành, bước vào đời và có đủ suy nghĩ chín chắn… thì lại sấp mặt vào tiếng Anh mà bỏ qua tiếng Việt.
Thời gian qua, người ta phản ứng lo ngại với những ngôn ngữ tuổi Teen, với việc cải cách chữ viết của ông Bùi Hiền, những ngôn ngữ vùng miền, những từ ngoại lai vì sợ mất đi sự trong sáng của Tiếng Việt.
Nhưng chưa ai trong chúng ta nhìn lại việc đã có hàng ngàn thậm chí là hàng triệu con em chúng ta đang xì xồ ngoại ngữ cho sang nhưng tiếng Việt thì sai chính tả hoặc như chữ bác sĩ. Tôi không dám suy diễn quá xa để nói, bao nhiêu dân tộc bị quên lãng, mất đi vì… không còn ngôn ngữ.
Ngoại ngữ không xấu, nó là nhu cầu… nhưng tiếng Việt là tài sản quốc gia dân tộc, là tinh hoa, là niềm tự hào mà cha ông đã để lại cho con cháu. Bộ Giáo dục, Sở giáo dục các địa phương cần xem xét điều chỉnh sao cho vừa giữ gìn bản sắc, sự trong sáng và phát triển tiếng Việt nhưng cũng tự hào với những công dân Việt nói thạo thêm tiếng nước ngoài.
Thật đáng mừng là vừa qua chúng ta đã chọn 8/9 là Ngày Tôn vinh tiếng Việt, sẽ được tổ chức định kỳ hàng năm nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài về tiếng Việt, khuyến khích kiều bào tìm hiểu về ngôn ngữ, văn hóa Việt Nam.
Theo đó, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh vừa ký Quyết định số 930/QĐ-TTg ngày 3/8 phê duyệt Đề án “Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2023 - 2030”.
Đề án nhằm nâng cao ý thức của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đối với tiếng Việt, tôn vinh vẻ đẹp, giá trị của tiếng Việt trong cộng đồng. Đồng thời Đề án đưa ra các nhiệm vụ, như hằng năm tổ chức Ngày Tôn vinh tiếng Việt 8/9; Hội nghị kỷ niệm Ngày Tôn vinh tiếng Việt cùng với đó là định kỳ tổ chức cuộc thi tìm kiếm và phong tặng danh hiệu “Đại sứ tiếng Việt ở nước ngoài” thông qua các hoạt động vì cộng đồng, được cộng đồng thừa nhận, có sức ảnh hưởng,...
Trong khi “mang chuông đi đánh xứ người” thì Bộ Giáo dục Đào tạo cần phải xem lại cách dạy, học cũng như có phương án giữ gìn và phát triển tiếng Việt ngay trên chính quê hương, đất nước mình!