Chiều 26/4, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng ban Chỉ đạo Đổi mới và phát triển doanh nghiệp (DN) đã làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong giai đoạn 2017-2020.
Báo cáo kết quả hoạt động trong giai đoạn 2011-2016, đại diện EVN cho biết tính đến cuối năm 2016, tổng công suất nguồn điện trên cả nước là 42.135 MW, trong đó EVN sở hữu 25.884 MW, chiếm 61,4%. Quy mô hệ thống điện của Việt Nam đứng thứ 2 khu vực ASEAN và thứ 30 trên thế giới.
Tổng công suất nguồn điện hoàn thành trong giai đoạn 2011-2015 là 9.852 MW, bằng 125% so với quy hoạch điện VII điều chỉnh. Tổn thất điện năng toàn hệ thống giảm dần qua từng năm. Tới năm 2016, chỉ số này giảm còn 7,57%, sản lượng điện tiết kiệm trong cả giai đoạn trước là 11,96 tỷ kWh.
Năm 2016, tổng doanh thu toàn EVN đạt 278.031 tỷ đồng (đương đương khoảng hơn 12 tỷ USD), tăng 14% so với năm 2015. Kết quả sản xuất kinh doanh năm 2016 của EVN và các đơn vị đều có lãi. Doanh nghiệp có 73 nhà máy điện trực tiếp tham gia thị trường điện với tổng công suất 17.929 MW, chiếm 46% tổng công suất toàn hệ thống.
Tuy nhiên, con số lợi nhuận cả năm 2016 chưa được công bố. Trước đó, báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm của EVN cho biết doanh thu thuần đạt gần 131.000 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước nhưng mức lỗ ròng đến gần 930 tỷ đồng do chi phí tài chính cao đột biến.
Cụ thể, hoạt động tài chính của EVN mang về con số lỗ khủng với doanh thu chỉ hơn 3.352 tỷ đồng, thì chi phí lại đột biến lên mức hơn 15.500 tỷ đồng, trong đó chi phí lãi vay, lãi trái phiếu ở mức hơn 6.800 tỷ đồng.
Đặc biệt, trong năm 2017, EVN cho biết tổng chi phí sản xuất kinh doanh tăng thêm do biến động các yếu tố đầu vào (giá than, khí, dầu…) là hơn 7.200 tỷ đồng. Tuy nhiên, tập đoàn cũng đặt ra một loạt giải pháp giảm chi phí sản xuất để giảm gần 3.000 tỷ đồng so với kế hoạch đầu năm.
Nhấn mạnh vấn đề cổ phần hóa, thoái vốn của EVN, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị Bộ Công Thương, EVN phối hợp với các bộ, ngành đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa tại các tổng công ty phát điện, cố gắng thực hiện được trong quý III/2017.
Về nâng cao năng lực quản trị của EVN, ông đề nghị tập đoàn chủ động rà soát, đưa vào danh mục xử lý các dự án thua lỗ, kém hiệu quả theo nguyên tắc thị trường.
Đối với việc cung ứng giá cả đầu vào, Phó thủ tướng đề nghị cân đối các yếu tố theo các kịch bản khác nhau để hoàn thành 3 văn kiện quan trọng của ngành điện là khung giá bán lẻ điện 2016-2020, cơ chế điều hành giá điện và kịch bản điều hành giá điện năm 2017.