Dữ liệu của 9.250 trạm năng lượng Mặt Trời - do Viện Nghiên cứu Môi trường Quốc gia (NIES) có trụ sở tại Tokyo thu thập - cho thấy có 1.658 trang trại, tương đương 18% số trang trại tại Nhật Bản, nằm trong vùng nguy hiểm.
Dữ liệu NIES hiện tại tính đến năm 2020 và bao gồm các nhà máy năng lượng Mặt Trời sản xuất 500 kilowatt điện trở lên. Dữ liệu về các khu vực nguy hiểm do Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông vận tải và Du lịch cung cấp.
Theo Bộ Nông nghiệp Nhật Bản, việc xây dựng các trang trại năng lượng Mặt Trời thường liên quan đến việc chặt cây, làm giảm khả năng giữ nước của mặt đất. Hơn nữa, nước mưa từ các tấm pin sẽ thấm xuống đất, khiến các bề mặt nghiêng trở nên kém an toàn hơn.
Ông Takeyasu Suzuki - Giáo sư danh dự tại Đại học Yamanashi, một chuyên gia về phòng chống thiên tai - cho rằng: “Rõ ràng, nguy cơ sạt lở đất sẽ tăng lên. Vì vậy, các biện pháp phòng chống thiên tai cần được thực hiện triệt để".
Nhu cầu ngày càng tăng về năng lượng Mặt Trời giải thích một phần lý do tại sao một số lượng lớn các trang trại năng lượng Mặt Trời được xây dựng trên đất nghiêng. Tình trạng thiếu điện sau thảm họa động đất và sóng thần năm 2011 ở Đông Bắc Nhật Bản đã dẫn đến sự ra đời của hệ thống biểu giá bán điện hỗ trợ đã thúc đẩy sự phát triển của cơ sở hạ tầng điện Mặt Trời. Công suất năng lượng Mặt Trời năm ngoái đạt 78,83 gigawatt, gấp khoảng 12 lần so với năm 2012.
Hơn 65% diện tích Nhật Bản được rừng bao phủ và sự phát triển của các trang trại năng lượng Mặt Trời đã mở rộng đến các khu vực đồi núi.
Biến đổi khí hậu đang làm tăng nguy cơ sạt lở đất. Trong thập kỷ qua, mỗi năm có trung bình 4,4 trận mưa xối xả tạo ra lượng mưa 100 mm trong 1 giờ, tăng 50% so với mức trung bình trong thập niên 80 của thế kỷ trước. Lở đất đã gây thiệt hại về người và vật chất ở nhiều nơi như Atami ở tỉnh Shizuoka và Okaya ở tỉnh Nagano trong những năm gần đây.
Thống kê cho thấy đã có ít nhất 230 vụ tai nạn liên quan đến các trạm năng lượng Mặt Trời xảy ra ở các khu vực có rừng, kể từ khi chương trình biểu giá điện hỗ trợ được áp dụng vào năm 2012. Do chính quyền địa phương thiếu nhân lực, nên việc kiểm tra sự tuân thủ của các nhà khai thác năng lượng Mặt Trời trong trồng cây và hệ thống thoát nước trở nên khó khăn.
Năm ngoái, Tổ chức Quản lý và Nghiên cứu Rừng của chính phủ bắt đầu cung cấp dữ liệu toàn quốc về việc chặt cây dựa trên hình ảnh vệ tinh. Công nghệ mới đã trở nên cần thiết cho việc giám sát và thực thi các quy định đối với việc xây dựng các trang trại năng lượng Mặt Trời.