Bổ sung Vitamin D, phòng ngừa bệnh nguy hiểm
Những năm gần đây, tình trạng thiếu Vitamin D được quan tâm nhiều ở châu Á do tỷ lệ còi xương và loãng xương tăng ở nhiều quốc gia… Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia (VDDQG), kết quả điều tra vi chất ở 19 tỉnh của Việt Nam năm 2010 cũng cho thấy, tỷ lệ thiếu Vitamin D là 59,3% phụ nữ ở thành thị; 56,2 % phụ nữ nông thôn; 62,1% trẻ em ở thành thị và 53,7% trẻ em nông thôn.
Theo VDDQG thì khẩu phần Vitamin D hàng ngày chỉ cung cấp 8,0% nhu cầu khuyến nghị của phụ nữ và 10,6 % nhu cầu khuyến nghị cho trẻ em từ 1-3 tuổi. Chế độ ăn nghèo canxi sẽ làm tăng dị hóa Vitamin D. Khi cơ thể thiếu Vitamin D sẽ ảnh hưởng đến hệ miễn dịch dẫn đến có nguy cơ bị viêm khớp mạn tính và đa xơ cứng. Vitamin D có tác dụng điều chỉnh lại hoạt động của tế bào miễn dịch.
Điều này giải thích vì sao người già thường bị viêm khớp mạn, do đây là những người thường thiếu Vitamin D nghiêm trọng.Ngoài ra, lượng Vitamin D trong máu thấp dễ dẫn đến bệnh tiểu đường do các tế bào sản sinh ra insulin hoạt động kém, ảnh hưởng đến việc chuyển hóa đường glucose trong máu.
BS. Hồ Phạm Thục Lan - Trưởng Khoa Cơ xương khớp Bệnh viện Nhân Dân 115, cho biết: “Lượng Vitamin D dự trữ trong cơ thể có liên quan chặt chẽ đến chỉ số huyết áp. Thiếu Vitamin D trong máu sẽ có tỷ lệ xơ gan cao hơn đến 2,48 lần so với những bệnh nhân không thiếu Vitamin D. Bên cạnh đó, Vitamin D đóng vai trò quan trọng trong việc điều hành các cơ quan trong cơ thể, làm giảm các cơn đau nhức đặc trưng của bệnh nhân ung thư.
Khi cơ thể thiếu hụt Vitamin D khiến xương bị yếu, dễ gãy nếu có tác động mạnh. Bổ sung Vitamin D đầy đủ giúp cơ thể có sức đề kháng tốt và ngăn ngừa được bệnh tật, giảm nguy cơ tử vong, giảm nguy cơ ung thư, đặc biệt là ung thư đại trực tràng và nhiễm trùng đường hô hấp ở trẻ em. Đáng lưu ý, những người có lượng Vitamin D trong máu thấp sẽ tăng nguy cơ tử vong gấp đôi so với những người bổ sung đầy đủ lượng Vitamin D”.
Đặc biệt, Vitamin D giúp tăng hấp thu canxi, photpho từ thức ăn vào cơ thể, do đó bổ sung Vitamin D hợp lý sẽ giúp hệ xương chắc khỏe; ngoài ra còn phòng ngừa nhiều bệnh nguy hiểm như đái tháo đường, tim mạch, lao, ung thư tiền liệt tuyến, đại trực tràng và ung thư vú ở phụ nữ. Vitamin D còn làm cho canxi dồn lên tuyến sữa của người mẹ, chuyển chất canxi từ nhau thai đến thai.
Nên định kỳ kiểm tra hàm lượng Vitamin D
Theo đánh giá của Trung tâm kiểm soát bệnh tật của Mỹ (CDC), việc khám sức khỏe tầm soát bệnh định kỳ là rất quan trọng vì qua đó sẽ giúp phát hiện bệnh trước khi bệnh phát ra. Đồng thời, các xét nghiệm định kỳ giúp phát hiện ra cơ thể đang bị thiếu những vi chất gì để bổ sung kịp thời, trong đó làm xét nghiệm Xét nghiệm Elecsys® Vitamin D Total để kiểm tra hàm lượng Vitamin D thiếu/đủ trong cơ thể rất quan trọng đối với việc kiểm soát sức khỏe.
Có nhiều nghiên cứu ở cả trẻ em và người lớn đều cho thấy, nhu cầu 400 IU/ngày không đủ để đảm bảo hàm lượng 25(OH)D trong máu luôn giữ được ở mức bình thường, đặc biệt là ở phụ nữ có thai và cho con bú, cũng như ở người cao tuổi.
BS. Hồ Phạm Thục Lan khuyến cáo: “Các đối tượng có nguy cơ thiếu Vitamin D là những người bị béo phì; người lớn tuổi có tiền căn té ngã; người ít tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, người sử dụng corticoid kéo dài; bị suy thận, suy gan và phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú. Cần khám sức khỏe định kỳ, tầm soát Vitamin D bằng xét nghiệm; để bổ sung phù hợp, phơi nắng 10 - 15 phút/ngày cũng là cách giúp cơ thể dung nạp Vitamin D”.
Theo Vietnamnet