Theo dữ liệu phân tích của Viện nghiên cứu Hamagin, giá các mặt hàng liên quan tới trẻ em trong 1 năm tính đến tháng 6/2023 đã tăng 9,3%, cao hơn nhiều so với mức tăng 3,3% các ngành hàng nói chung. Điều đáng quan ngại là giá ngành hàng này sẽ còn ở mức cao trong một khoảng thời gian.
Dữ liệu cho thấy trong tháng 6, mức tăng của chỉ số giá các mặt hàng dành cho trẻ em như bỉm, sữa công thức, quần áo trẻ sơ sinh, búp bê và đồ chơi đạt mức cao nhất kể từ tháng 1/2015 - thời điểm Nhật Bản tăng thuế tiêu thụ khiến nhiều mặt hàng bị đội giá. Mức tăng giá ngành hàng thiết yếu dành cho trẻ em, không kể đồ chơi, búp bê, dù có giảm nhẹ còn 7,2% trong tháng 6, song vẫn ở mức cao nhất kể từ năm 1991 khi chỉ số giá ngành hàng này bắt đầu được tính toán.
Ông Yuki Endo, nhà nghiên cứu cấp cao của Viện Hamagin nhận định mức tăng chỉ số giá ngành hàng trẻ em vẫn sẽ còn cao trong một thời gian do đồng yen suy yếu, trong khi người tiêu dùng phải gánh chi phí nguyên liệu sản xuất đầu vào và logistic tăng cao.
Trong báo cáo nhấn mạnh đến những khó khăn của các gia đình có tài chính hạn hẹp và đang nuôi trẻ nhỏ, 80% người được hỏi phàn nàn ngân sách của họ ngày một eo hẹp do giá cả hàng hóa tăng gần đây. Cuộc thăm dò trực tuyến do Kidsdoor thực hiện từ cuối tháng 5 đến đầu tháng 6 với sự tham gia của 1.538 người cho thấy thu nhập của 85% các gia đình thuộc diện trên không tăng trong mùa Hè này so với năm ngoái.
Chính phủ Nhật Bản cho rằng chi phí nuôi con đắt đỏ là một trong những nguyên nhân chính khiến tỷ lệ sinh tại Nhật Bản liên tục giảm. Tỷ lệ này đã giảm xuống mức thấp kỷ lục trong năm 2022. Để khuyến khích các gia đình Nhật Bản sinh con, chính phủ nước này đã triển khai chương trình hỗ trợ như xóa bỏ quy định giới hạn về thu nhập cha mẹ để được nhận trợ cấp cho con cái và tăng lợi ích cho các gia đình có nhiều con. Ông Endo cho rằng biện pháp này hữu ích song cần thời gian để thực hiện và đạt được hiệu quả.