Theo kết quả khảo sát, bất chấp cuộc tranh luận trên toàn quốc về tỷ lệ sinh giảm và áp lực bắt đầu lập gia đình từ cha mẹ và chính phủ, giới trẻ Trung Quốc không có kế hoạch sinh con cho đến khi họ có đủ khả năng kinh tế.
Nhiều người trẻ tuổi cũng tin rằng một cuộc hôn nhân ổn định và một sự nghiệp ổn định là những điều kiện tiên quyết quan trọng nhất để có con. Những người được hỏi cũng cho rằng cảm giác đau đớn khi lâm bồn là lý do hàng đầu khiến phụ nữ trẻ sợ sinh con.
Cuộc khảo sát chủ yếu xoay quanh ý kiến của các sinh viên đại học, cả nam và nữ đều cho biết họ muốn thành công trong sự nghiệp trước khi lập gia đình. Khảo sát cho biết khi phụ nữ giành được quyền độc lập nhiều hơn, kết quả cho thấy sự thay đổi dần dần trong tâm lý hôn nhân ở Trung Quốc, vốn có quan niệm đàn ông là trụ cột tài chính gia đình.
Hầu hết những người được phỏng vấn cho biết họ không còn coi hôn nhân là một phần không thể thiếu của cuộc sống, khác với một hoặc hai thế hệ trước. Thay vào đó, giới trẻ Trung Quốc giờ đây tin rằng mục tiêu chính của hôn nhân là trải nghiệm tinh thần và mức sống cao hơn. Cuộc khảo sát cũng lưu ý rằng nhóm người trẻ có thái độ cởi mở hơn đối với quan hệ tình dục trước hôn nhân và ly hôn.
Cảm giác đau khi sinh con và thiếu kỹ năng làm cha mẹ là một trong những lý do chính khiến những người được phỏng vấn chọn cách né tránh lập gia đình. Khoảng 15% số người được hỏi cho biết họ chọn lối sống kiếm tiền thay vì sinh con.
Khảo sát mới nhất nằm trong một loạt các nghiên cứu nhằm tìm hiểu suy nghĩ của giới trẻ Trung Quốc về hôn nhân và sinh con, đồng thời làm sáng tỏ thêm các biện pháp đối phó hiệu quả với tình trạng suy giảm và già hóa dân số của Trung Quốc.
Trong những năm gần đây, để giải quyết tình trạng giảm tỷ lệ kết hôn và tỷ lệ sinh, chính phủ Trung Quốc đã đưa ra một loạt kế hoạch bao gồm việc loại bỏ chính sách một con và xây dựng các nhà trẻ. Theo sau đó, các chính quyền địa phương cũng đã bắt đầu cung cấp các khoản trợ cấp hoặc thay đổi các chính sách lâu đời.
Tuy nhiên, hơn 40% số người được hỏi cho biết họ sẽ không có con chỉ vì những thay đổi chính sách hỗ trợ sinh đẻ. Chỉ 8,26% cho biết sẵn sàng sinh con sau khi các chính sách này được công bố. Báo cáo cho thấy, đối mặt trước đà suy thoái kinh tế, một số người được hỏi cho biết họ hy vọng có nhiều chính sách hỗ trợ việc làm hơn.
Giáo sư Mao Zhuoyan từ Đại học Kinh tế và Kinh doanh Thủ đô (Trung Quốc), người tham gia cuộc khảo sát, cho biết kết quả cho thấy tâm lý của sinh viên đại học khác biệt đáng kể so với những người đã kết hôn.
Ông Mao nói thêm rằng những thay đổi chính sách cần tính đến những thay đổi trong nhận thức của thế hệ hiện tại về hôn nhân và sinh con, cũng như cần đặc biệt chú ý đến nhu cầu của phụ nữ.