Công việc tại công trường đòi hỏi ông Xia phải có thể chất. Ông thường làm việc hơn 12 giờ một ngày, chuyển những viên gạch men và tấm gỗ nặng tới những căn hộ chưa hoàn thiện.
Để tiết kiệm chi phí và thời gian, ông Xia sống ngay trong những căn nhà mình đang trang trí. Sau khi kết thúc một ngày làm việc, ông thường nằm xuống và ngủ ngay trên sàn nhà.
Người đàn ông này cho biết ông có kế hoạch làm việc càng lâu càng tốt, nhưng cũng thừa nhận rằng sức khỏe của mình sẽ khó đảm bảo để duy trì công việc trong nhiều năm tới.
Hàng triệu lao động nhập cư Trung Quốc cũng rơi vào hoàn cảnh không có lựa chọn nghỉ hưu như ông Xia. Trong nhiều thập kỷ, những người lao động nhập cư là động lực của nền kinh tế Trung Quốc. Tuy nhiên, khi đến tuổi già, ít người có thể tận hưởng cuộc sống thoải mái.
Vợ chồng ông Xia đã làm công việc trang trí nội thất trong hơn 3 thập kỷ. Ảnh: Sixth Tone |
Tại các thành phố lớn của Trung Quốc, những người lao động đã đăng ký có thể nghỉ hưu trước 60 tuổi và nhận được một khoản lương hưu kha khá. Những người về hưu ở Thượng Hải nhận được tối thiểu 4.000 nhân dân tệ (hơn 13,4 triệu đồng) mỗi tháng, thậm chí nhiều người nhận được tới 10.000 nhân dân tệ.
Tuy nhiên, người lao động nhập cư thường nằm ngoài danh sách trên. Bởi bị phân loại là một phần của dân số nông thôn, họ chỉ được hưởng các khoản thanh toán an sinh xã hội ít ỏi theo chính sách của quê nhà.
Kết quả là sự phân chia nông thôn-thành thị tại Trung Quốc ngày càng lớn. Trên toàn quốc, khoảng 40% người cao niên Trung Quốc có ý định tiếp tục làm việc sau khi đến tuổi nghỉ hưu chính thức, theo một nghiên cứu năm 2019 do Đại học Bắc Kinh thực hiện. Nhưng ở khu vực nông thôn, tỷ lệ này cao hơn nhiều: gần 80% nam giới trong độ tuổi 60-64 có việc làm và thậm chí ở những người trên 80 tuổi, tỷ lệ có việc làm cũng cao tới 20%.
Đối với một đất nước như Trung Quốc, xu hướng này tỏ ra hữu ích. Khi dân số già đi và những người trẻ tuổi ngày càng tránh xa công việc nặng nhọc, những người lao động nhập cư cao tuổi ngày càng trở nên thiết yếu hơn đối với nền kinh tế. Gần một nửa lực lượng lao động chân tay của Trung Quốc hiện đã ngoài 40 tuổi.
Trong ngành của Xia, xu hướng thậm chí còn cực đoan hơn. Theo một báo cáo năm 2021, hơn 97% thợ trang trí nội thất của Trung Quốc đến từ các vùng nông thôn và phần lớn là trung niên hoặc cao tuổi. Những người sinh vào những năm 1960 chiếm nhóm tuổi lớn nhất.
Hiện tại, những người lớn tuổi như ông Xia đang đóng vai trò như một sự hỗ trợ ban đầu cho nền kinh tế – che đậy toàn bộ mức độ thiếu hụt lao động ngày càng tăng. Nhưng cuối cùng, họ sẽ phải về quê do tuổi già. Và khi kịch bản đó xảy ra, thế hệ tiếp theo khó có thể chấp nhận những điều kiện lao động tồi tệ mà những người đi trước đã phải chịu đựng bấy lâu nay.
Bán sức lao động
Nhiều người lao động lớn tuổi nêu ra nhiều lợi ích khác nhau khi tiếp tục làm việc: từ việc sử dụng hết các kỹ năng của họ, đến việc duy trì hoạt động thể chất và giao tiếp xã hội. Nhưng trên thực tế, hầu hết mọi người đều làm vì nhu cầu tài chính, theo giáo sư Song Yueping từ Trường Nghiên cứu Xã hội học và Dân số thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc.
“Những người sẵn sàng ở lại thị trường việc làm nhất lại có thu nhập tương đối thấp và ít học hơn. Họ tiếp tục làm việc để kiếm tiền chứ không phải vì cảm giác hưởng thụ thành tựu. Hầu hết những người được giáo dục tốt hơn và có công việc ổn định đều không muốn trì hoãn việc nghỉ hưu".
Tại Giang Tô, quê hương của ông Xia - nằm cách Thượng Hải khoảng 250 km về phía bắc - hầu hết người dân không bao giờ nghĩ đến việc nghỉ hưu. Phần lớn mọi người làm nghề trang trí nội thất ở Thượng Hải, giống như ông. Những người quá già buộc ở lại làng và làm ruộng.
“Làm sao chúng tôi dám mơ tới việc nghỉ hưu?”, bà Hou, vợ của Xia, cho biết. “Không có đủ tiền thì sao chúng tôi có thể sống nhàn nhã được?".
Ông Xia đã trang trí nhà cửa ở Thượng Hải trong gần ba thập kỷ. Ông là một người đa nghệ và rất rành các công việc chân tay: thợ mộc, thợ nề, thợ điện và thợ sửa ống nước. Tại mỗi căn hộ, Xia sẽ nhận phần lắp ráp nội thất, còn vợ ông sẽ lo phần vệ sinh.
Trong nhiều năm, ông đã làm việc cho nhiều nhà thầu và chủ doanh nghiệp nhỏ, nhưng phần lớn là làm tự do. Cũng theo ông Xia, rất ít người lao động nhập cư được ký hợp đồng chính thức.
Trung Quốc đang bước vào tình trạng thiếu hụt lao động phổ thông. Ảnh: Sixth Tone |
“Thật khó để kiếm được một công việc toàn thời gian đối với những người như tôi", ông Xia vừa nói vừa đóng một chiếc đinh vào tủ bếp. “Chi phí lao động quá cao đối với các công ty. Họ không sẵn lòng trả trợ cấp lương hưu, bảo hiểm y tế và các lợi ích khác cho chúng tôi".
Vì điều này, ông Xia và bà Hou không thể tích lũy lương hưu. Ông từng đóng 300 nhân dân tệ mỗi tháng tiền bảo hiểm xã hội, trong khi vợ ông phải đóng gấp đôi. Đến mỗi tháng, họ sẽ chỉ nhận được khoản trợ cấp 300 nhân dân tệ mỗi tháng.
“Tổng số tiền trợ cấp 300 nhân dân tệ chẳng nghĩa lý gì đối với gia đình tôi”, ông Xia nói. “Chúng tôi không thể thanh toán hóa đơn và tiền sinh hoạt chỉ với từng đó tiền”.
Rủi ro tiềm ẩn
Hiện tại, cặp đôi này vẫn đang làm việc với tốc độ điên cuồng. Họ hiện đang sống trong căn hộ ba phòng ngủ mà họ nhận trang trí.
Mỗi sáng, ông Xia thức dậy lúc 6 giờ sáng và bắt đầu làm việc lúc 7 giờ. Ông thường làm việc tới 1 giờ chiều và đi ngủ lúc 9 giờ tối.
“Đôi khi, nếu không có giường chiếu, chúng tôi cứ vậy ngủ trên sàn. Làm việc cả ngày khiến tôi trở nên dễ ngủ. Tôi có thể ngủ bất kể ở đâu", ông Xia nói.
Theo cặp vợ chồng, tình hình công việc chưa bao giờ tốt như vậy. Họ hiện kiếm được gần 20.000 nhân dân tệ mỗi tháng và ngày càng nhiều người tìm đến thuê.
Nhưng điều này vẫn tiềm ẩn rủi ro. Trong quá khứ, vợ chồng ông từng bị lừa nhiều lần. “Nhiều lần tôi hoàn thành công trình thì các chủ thầu biến mất", ông Xia kể lại. Nguy cơ này giờ đã giảm mạnh khi mọi người được kết nối qua WeChat, một mạng xã hội của Trung Quốc. Tuy nhiên, ông Xia vẫn lo lắng về việc bị thương khi làm việc.
“Công việc này tiềm ẩn nguy cơ chấn thương nên tôi luôn rất cẩn trọng. Tôi cố gắng giữ an toàn và không tranh cãi, chứ chưa nói đến đụng tay chân với hàng xóm, điều thường xảy ra vì việc trang trí nhà cửa tạo ra nhiều tiếng ồn và bụi bặm", ông Xia nói.
Đối với người lao động nhập cư, một chấn thương nghiêm trọng có thể gây ra hậu quả tàn khốc. Trong một số ngành nghề tay chân, các công ty thường tránh thuê nhân công theo hợp đồng chính thức và không cung cấp bảo hiểm.
Giáo sư Song đã nghiên cứu về ngành xây dựng và an ninh ở Trung Quốc, vốn có số lượng lớn người lao động là dân nhập cư lớn tuổi.
“Nhiều ông chủ tìm người lao động thông qua các đại lý hoặc nhà thầu để tránh rủi ro. Đây là số ít lĩnh vực chấp nhận thuê người cao tuổi", bà Song chỉ ra.
Dù vậy, vấn đề thậm chí còn tồi tệ hơn đối với những người nhập cư lớn tuổi. Trong nhiều trường hợp, các công ty không thể cung cấp bảo hiểm cho nhân viên lớn tuổi, ngay cả khi họ muốn.
“Các công ty không thể mua bảo hiểm thương tật liên quan đến công việc cho nhóm này vì những người trên tuổi nghỉ hưu không đủ điều kiện nhận loại bảo hiểm này. Nhưng chấn thương liên quan đến công việc là những rủi ro tiềm ẩn lớn trong các lĩnh vực như xây dựng", giáo sư Song cho biết.
Thay đổi thời thế
Những điều kiện làm việc khó khăn này là một trong những lý do tại sao nhiều người nhập cư cao tuổi phải đối mặt với rất ít sự cạnh tranh từ những người lao động trẻ tuổi.
Ở tuổi 71, ông Chen Fagen vẫn làm công việc trang trí nội thất. Giống như Xia, ông đến từ tỉnh Giang Tô nhưng dành phần lớn thời gian làm việc tại các khu chung cư ở Thượng Hải cùng với vợ mình.
“Chúng tôi không có con trai", ông Chen nói. “Chúng ta phải trông cậy vào chính mình".
Chen không nói thông thạo tiếng phổ thông và ông không còn có thể làm việc với tốc độ nhanh như xưa.
“Tôi chợp mắt khoảng hai tiếng vào buổi trưa”, ông Chen nói. “Nếu không ngủ, thật khó để tiếp tục làm việc vào buổi chiều".
Nhưng Chen không phải lo lắng về việc tìm kiếm khách hàng, bởi ở các đô thị lớn đang xuất hiện làn sóng thiếu hụt thợ lành nghề.
“Không thanh niên nào sẵn sàng học những kỹ năng và đảm nhận công việc này, nó đòi hỏi quá nhiều về thể chất”, ông Chen nói.
Ngay từ năm 2012, các phương tiện truyền thông Trung Quốc đã bắt đầu đưa tin về tình trạng thiếu lao động phổ thông ngày càng gia tăng ở nước này. Vấn đề này đã phát triển trong thập kỷ qua. Trong một cuộc khảo sát năm 2022, 83% doanh nghiệp sản xuất cho biết họ phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động, 42% cho biết đây là vấn đề thời vụ, trong khi 32% cho biết đây là vấn đề quanh năm.
Giáo sư Song cho biết, việc người nhập cư sẵn sàng tiếp tục làm việc sau tuổi nghỉ hưu đã giúp giảm bớt tình trạng thiếu lao động ở một mức độ nhất định. Nhưng họ không thể tiếp tục đi làm mãi được.
“Bạn phải thừa nhận rằng tình trạng sức khỏe sẽ trở nên tồi tệ hơn khi họ già đi. Một điểm quan trọng nữa là hầu hết các doanh nghiệp không sẵn sàng đào tạo cho những người sắp đến tuổi nghỉ hưu, chứ chưa nói đến những người đã qua tuổi này… Điều đó có nghĩa là họ sẽ không thể đương đầu với công việc của mình", giáo sư Song nói.
Hiện tại, ông Chen cho biết mình không có kế hoạch nghỉ hưu. Mỗi tháng ông thu về 12.000-15.000 nhân dân tệ và cần tiếp tục tích lũy tiền tiết kiệm của mình bởi ông không có lương hưu.
“Dành thời gian nghỉ hưu để chơi mạt chược hoặc bài xì phé, đi du lịch hoặc đơn giản là ở nhà và xem TV là một điều xa xỉ mà tôi không bao giờ dám tưởng tượng", ông Chen nói.
Trong khi đó, ông Xia hy vọng rằng số tiền kiếm được có thể giúp mang lại một tương lai tốt đẹp hơn cho các cháu của mình. Ông đã dắt con trai đi làm trang trí nội thất sau khi học xong cấp hai. Ở độ tuổi ngoài 40, con trai ông Xia được coi là một người tương đối trẻ trong ngành.
“Tôi học không tốt ở trường nên cần một công việc để trang trải cuộc sống của mình", người này cho biết.
Nhưng ông Xia quyết tâm để các cháu của mình sống như vậy. Ông đã sử dụng tất cả tiền tiết kiệm của mình để hỗ trợ con trai mua nhà. Hai đứa cháu của ông Xia hiện đang học ở trường tốt và ông hy vọng một ngày nào đó chúng sẽ tìm được công việc văn phòng.
“Tôi hy vọng chúng có thể có công việc văn phòng, ngồi trước máy tính. Chúng sẽ không cần phải chịu đựng những khó khăn mà chúng tôi đã trải qua", người ông nói.