Giá của cuộc đua tăng trưởng kinh tế

[Ngày Nay] - Bà Ren Guanying may mắn thoát chết trong một vụ nổ tại một nhà máy vào năm 2007. Khi một vụ rò rỉ khí chlorine xảy ra năm 2010, bà một lần nữa được an toàn. Và hàng loạt sự cố quy mô nhỏ hơn xảy ra tại các khu công nghiệp ở thành phố Diêm Thành, tỉnh Giang Tô (Trung Quốc) trong nhiều năm qua cũng không gây tổn hại đến bà.
Hậu quả để lại sau vụ nổ lớn xảy ra tại nhà máy hóa chất Tianjiayi.
Hậu quả để lại sau vụ nổ lớn xảy ra tại nhà máy hóa chất Tianjiayi.

Nhưng thần hộ mệnh không còn mỉm cười với nữ công nhân 58 tuổi này vào ngày 21 tháng Ba năm 2019. Một vụ nổ lớn xảy ra tại nhà máy hóa chất Tianjiayi làm rung chuyển cả khu công nghiệp và các cộng đồng dân cư lân cận, lấy đi mạng sống của 78 người và làm bị thương hơn 600 người.

Thi thể của bà Ren được tìm thấy trên đường làng, không xa chiếc hố có đường kính lên tới 100 m mà vụ nổ tạo ra.

“Chúng tôi đã từng lo sợ mỗi khi nghe thấy một vụ nổ, nhưng rồi cũng thích nghi dần”, con gái của bà Ren cho biết. “Sống ở đây không khác gì sống cạnh một quả bom nổ chậm. Và lần này, mẹ tôi đã không thoát chết”.

Giá của cuộc đua tăng trưởng kinh tế ảnh 1

Vụ nổ lớn xảy ra tại nhà máy hóa chất Tianjiayi làm rung chuyển cả khu công nghiệp và các cộng đồng dân cư lân cận.

Với những người dân sống gần tổ hợp công nghiệp hóa chất Chenjiagang ở Diêm Thành, vụ nổ Tianjiayi không phải một vụ tai nạn ngẫu nhiên mà là điều trước sau sẽ phải xảy ra. Trong hai thập kỷ trở lại đây, dải đất ven biển vốn chủ yếu trồng gạo và lúa mì ở huyện Xiangshui, thành phố Diêm Thành, đã lột xác trở thành một trong những tổ hợp công nghiệp hóa chất lớn nhất của Trung Quốc. Nhờ bước đi này, sản lượng kinh tế của địa phương đã tăng lên gấp 3 lần.

Giá của cuộc đua tăng trưởng kinh tế ảnh 2

Nhưng các cộng đồng địa phương đã phải trả giá không nhỏ cho sự phát triển kinh tế thần tốc này. Những dòng sông và mặt đất bị ô nhiễm các hóa chất độc hại, bốn vụ nổ lớn trong vòng 12 năm, và hàng loạt các sự cố nhỏ khác khiến người dân luôn phải sống trong tình trạng nguy hiểm cận kề.

Sau khi vụ nổ Tianjiayi, truyền thông Trung Quốc dẫn lời các nhân chứng cho biết vụ tai nạn này có thể đã xuất phát từ một nhà kho chứa rác thải độc hại nằm giữa khu công nghiệp nơi có tới 65 nhà máy hóa chất này. Trước đó, người dân sống quanh khu vực cũng đã nhiều lần lên tiếng về sự gia tăng mật độ nhà máy cũng như những thiếu sót trong an toàn lao động tại đây.

Giá của cuộc đua tăng trưởng kinh tế ảnh 3

Sau vụ nổ, nhiều người dân đã di dời khỏi khu vực gần nhà máy hóa chất.

Hồ sơ lưu trữ cho thấy các thanh tra thuộc một cơ quan của chính quyền đã phát hiện 13 lỗi vi phạm an toàn lao động tại nhà máy Tianjiayi trong tháng Hai vừa qua. Nhà máy này cũng đã bị xử phạt nhiều lần do thiếu trách nhiệm trong việc xử lý chất thải độc hại.

Cái giá của tăng trưởng

Nằm giữa thành phố Thượng Hải hoa lệ và thành phố cảng Thanh Đảo sầm uất, Diêm Thành từng bị bỏ lại đằng sau trong công cuộc phát triển kinh tế thần tốc của Trung Quốc.

Giá của cuộc đua tăng trưởng kinh tế ảnh 4

Từ 15 năm trước, chính quyền địa phương đã nỗ lực vượt lên bằng cách mở cửa chào đón các nhà máy công nghiệp nặng, chủ yếu là các nhà máy hóa chất. Kết quả thu được rất ấn tượng: tổng sản lượng của huyện Xiangshui, nơi tập trung các khu công nghiệp, đã tăng từ 1,5 tỷ USD năm 2009 lên 5,2 tỷ USD năm 2018. Các nhà máy công nghiệp chiếm tới 90% tỉ trọng nền kinh tế.

Ngày nay, có tới 70 nhà máy công nghiệp, hai nhà máy thép và một nhà máy điện hoạt động sản xuất tại huyện Xiangshui. Các nhà máy này thường xuyên xả thải ra môi trường và chôn lấp các phụ phẩm độc hại sau sản xuất. Tình trạng ô nhiễm công nghiệp trở nên nghiêm trọng đến nỗi nhiều cộng đồng dân cư ở phía bắc Giang Tô đã trở thành những “làng ung thư”. Tại làng Dongjin cách nơi xảy ra vụ nổ nhà máy Tianjiayi chỉ hơn 60 km, người dân đã khởi kiện một công ty hóa chất sau khi 100 người được chẩn đoán mắc bệnh ung thư. Để đền bù, công ty này đã đưa ra khoản “hỗ trợ” chỉ vỏn vẹn 11 USD cho mỗi người dân theo thị giá năm 2006.

Giá của cuộc đua tăng trưởng kinh tế ảnh 5

Thảm họa nhìn từ trên cao.

Cũng trong năm đó, ông Kong Lingyi, phó giám đốc cơ quan bảo vệ môi trường phụ trách khu vực huyện Xiangshui tuyên bố trước báo giới rằng các sự cố môi trường là “cái giá của sự phát triển kinh tế”.

“Người dân chắc chắn sẽ chọn cơm ăn áo mặc trước khi bảo vệ môi trường, không phải vì chúng ta ngu ngốc, mà vì chúng ta không có sự lựa chọn nào khác”, ông Kong nói.

Với sự dễ dãi của chính quyền địa phương, ngành công nghiệp hóa chất ở Diêm Thành không ngừng nở rộ. Các chủ doanh nghiệp như ông Zhang Qinyue, giám đốc nhà máy Tianjiayi, trong một thời gian dài dường như được quyền tự tung tự tác bất chấp hậu quả.

Giá của cuộc đua tăng trưởng kinh tế ảnh 6

Năm 2016, sau khi bị khởi kiện vì xả 120 tấn rác thải công nghiệp ra môi trường, giám đốc Zhang bị xử 18 tháng tù treo và khoản tiền phạt 190.000 USD.

Nhưng không bao lâu, ông đã trở lại điều hành nhà máy.

“Vì sao ông ta vẫn được tại vị chứ?” ông Giao Xiaomei, một người dân sống tại ngôi làng gần nơi vụ nổ xảy ra nhất đã thắc mắc. “Ai đã chống lưng cho ông ta? Ai đã cho ông ta quyền được đánh cược trên máu và tính mạng của người dân?”.

Anh Zhong Zhichun, một công nhân đến từ tỉnh Hồ Bắc đang làm việc tại nhà máy Lianhetech gần nhà máy Tianjiayi cho biết, các chủ doanh nghiệp có mối quan hệ thân thiết với cơ quan chức năng. Doanh nghiệp thường được thông báo nhiều ngày trước khi các cuộc thanh tra được tiến hành.

Nhiều người dân nghi ngờ có sự lót tay và chống lưng trong việc quản lý và điều hành các khu công nghiệp ở huyện Xiangshui. Tuy nhiên, một lý do khác là áp lực tăng trưởng vẫn đang đè nặng lên chính quyền tại đây. Dù đã có những bước tăng trưởng nhảy vọt, nhưng Xiangshui vẫn chưa bắt kịp các địa phương khác. Việc “nhắm mắt cho qua” những vi phạm về môi trường và an toàn lao động để đổi lấy tăng trưởng là điều không quá khó hiểu tại một đất nước đang trong men say tăng trưởng như Trung Quốc.

Ứng xử sau thảm họa

Sau khi vụ nổ nhà máy Tianjiayi diễn ra, nhiều phóng viên cho biết họ đã bị lực lượng chức năng cản trở tác nghiệp khi đưa tin về vụ việc này. Trên mạng xã hội Weibo, các nội dung có từ khóa “Xiangshui” cũng nhanh chóng bị kiểm duyệt. Những nội dung còn lại chủ yếu ca ngợi phản ứng nhanh chóng của chính quyền sau khi xảy ra thảm họa.

Tại các ngôi làng lân cận nơi xảy ra vụ việc, nhiều ngôi nhà bị hư hại nặng. Lực lượng chức năng được huy động xuống giúp người dân sửa chữa nhà cửa, khắc phục hậu quả. Tuy nhiên…

“Họ hối thúc chúng tôi sửa chữa cửa sổ và sơn lại mặt tiền nhà nhằm lập thành tích báo cáo lên cấp trên”, bà Gao, một người dân làng Wangshang nói. “Nhưng chúng tôi cũng không dám ngủ trong những ngôi nhà đã bị vỡ, nứt toác phía bên trong”.

Bức xúc và lo lắng điều kiện sống không còn đủ bảo đảm, chỉ một tuần sau khi vụ nổ ở Tianjiayi diễn ra, hơn 500 người dân đã biểu tình đòi được đến bù và tái định cư đến nơi ở khác. Dù chính quyền huyện Xiangshui đã chấp thuận sẽ có phương án đáp ứng nhu cầu những hộ dân muốn tái định cư, nhưng đa số người dân cho rằng giải pháp đưa ra vẫn chưa thỏa đáng. Một số người cho rằng số tiền đền bù quá ít ỏi, số khác thừa nhận việc tái định cư không hề dễ dàng dù cuộc sống hiện tại đang ẩn chứa rất nhiều nguy cơ.

Ông Gu, một người dân địa phương, cho biết hầu như mọi gia đình ông quen biết đều đã gửi con cái đi sơ tán cùng họ hàng, người quen. Bản thân ông cũng đã đi gửi con ở nơi khác.

“Các bạn không thấy trong làng còn đứa trẻ nào, đúng không?” ông Gu nói. “Nếu con cái có mệnh hệ gì, cả dòng tộc cũng chấm dứt. Nếu chúng tôi chết vì hít phải khí độc thì cũng đành vậy. Nhưng với con cái thì cần phải lại mọi điều cần thiết để bảo vệ chúng”.

Ngay sau tang lễ, người thân của bà Ren Guanying đã triệu tập cuộc họp gia đình để tính chuyện tiếp tục ở lại hay rời bỏ quê hương, nơi giờ đây đã thành một vùng công nghiệp đầy nguy cơ ô nhiễm hóa chất độc hại.

Bà Ren, người phụ nữ quá cố, đã làm lao công nhiều năm cho một nhà máy trong khu công nghiệp với mức lương khoảng 300 USD mỗi tháng. Đây là một mức thu nhập khá tốt, nếu so với lợi tức thu được từ việc trồng trọt canh tác trên mảnh đất rộng 1,3 mẫu của gia đình.

“Sống ở đây thì cũng kiếm được tiền đấy, nhưng tiền cũng không đáng”, con gái bà Ma nói. “Ai còn dám sống ở đây nữa chứ?”

Phía ngoài, ngôi làng vắng vẻ hơn mọi khi sau khi những người lao động ngoại tỉnh đã bỏ đi, còn dân làng thì đi sơ tán. Trên đường làng, một tấm khẩu hiệu màu đỏ vẫn bay phấp phới trên một bức tường quét vôi trắng.

Bức khẩu hiệu có dòng chữ: “Xóa nghèo và làm giàu là sự nghiệp vinh quang”. 

Tai nạn công nghiệp thường xuyên xảy ra ở Trung Quốc, nơi tiêu chuẩn an toàn thường được thực hiện kém. Sự giận dữ của công chúng ở Trung Quốc đối với tiêu chuẩn an toàn ngày càng tăng lên trong những năm gần đây vì họ cho rằng sau ba thập kỷ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, tiêu chuẩn an toàn đã bị hủy hoại bởi những tai nạn, từ thảm họa khai mỏ đến cháy nổ nhà máy. 

Tháng 7/2018, một vụ nổ xảy ra tại nhà máy hóa chất ở phía tây nam tỉnh Tứ Xuyên, khiến 19 người chết và 12 người bị thương. Tháng 11 cùng năm, một xe tải chở hóa chất dễ cháy phát nổ ở lối vào nhà máy hóa chất tại thành phố Trung Quốc sẽ tổ chức Thế vận hội Mùa đông 2022, khiến 23 người chết và 22 người bị thương.  

Năm 2015, vụ nổ hóa chất khổng lồ trong một cơ sở lưu trữ container ở thành phố cảng Thiên Tân khiến ít nhất 165 người thiệt mạng. Thảm họa gây thiệt hại hơn 1 tỷ USD và châm ngòi phẫn nộ rộng rãi về sự thiếu minh bạch đối với nguyên nhân tai nạn và tác động tới môi trường.

Theo VnE

Bình luận
Triển lãm Venice Biennale: UNESCO tôn vinh công cuộc phục hưng kiến trúc Mosul
Triển lãm Venice Biennale: UNESCO tôn vinh công cuộc phục hưng kiến trúc Mosul
(Ngày Nay) - Từ ngày 10/5-25/5, triển lãm “Mosul, một cuộc phục hưng kiến trúc” mở cửa đón công chúng tại các sảnh đường uy nghi và lịch sử của Thư viện Quốc gia Marciana ở Venice. Khách tham quan được tìm hiểu cách UNESCO dẫn dắt công cuộc tái thiết các công trình biểu tượng tại thành phố Mosul của Iraq, nơi từng bị tàn phá nghiêm trọng trong thời gian bị chiếm đóng bởi tổ chức khủng bố Daesh. 
Các loại kính màu lý tưởng cho người mới học làm kính nghệ thuật
Các loại kính màu lý tưởng cho người mới học làm kính nghệ thuật
(Ngày Nay) - Kính màu có một lịch sử phong phú không kém gì màu sắc rực rỡ của nó. Dù kính màu đã xuất hiện từ thời Ai Cập cổ đại và từng được sử dụng ở La Mã cổ, nhưng đến thế kỷ IV – khi Kitô giáo bắt đầu xây dựng các nhà thờ – nghệ thuật kính màu mới thực sự phát triển mạnh.
Joan Agajanian Quinn tại căn nhà ở Beverly Hills của bà
Hơn nửa thế kỷ, nhà sưu tập Joan Agajanian Quinn là trái tim của cộng đồng nghệ thuật Los Angeles
(Ngày Nay) - Hơn 50 năm qua, Joan Agajanian Quinn đã đặt ra những câu hỏi mà ai cũng muốn có câu trả lời. Là một nhà báo tài ba, bà đã từng là biên tập viên khu vực West Coast của tạp chí Interview, LA Herald Examiner, và là người dẫn chương trình phỏng vấn trên truyền hình với các chương trình như The Joan Quinn Profiles và Beverly Hills View. Với Quinn, sự chú ý luôn phải dành cho các nghệ sĩ mà bà và người chồng quá cố, Jack Quinn, đã hỗ trợ trong suốt nhiều thập kỷ.
Đông đảo người dân và du khách chăm chú lắng nghe thuyết minh về cuộc đời Bác Hồ.
TP Hồ Chí Minh: Triển lãm tái hiện dấu ấn lịch sử và chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh
(Ngày Nay) - Ngày 15/4, hai triển lãm đặc biệt trưng bày 2 chuyên đề “Từ chiến thắng Điện Biên Phủ đến Đại thắng mùa Xuân năm 1975” và “Hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh qua ngôn ngữ điêu khắc” đã khai mạc tại TP Hồ Chí Minh, đánh dấu kỷ niệm các dấu mốc lịch sử trọng đại của dân tộc.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Lễ tiễn Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam tại Sân bay quốc tế Nội Bài, Hà Nội. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Thủ tướng Phạm Minh Chính ra sân bay tiễn Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình
(Ngày Nay) - Chiều 15/4, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và Đoàn đại biểu cấp cao Trung Quốc đã rời Sân bay quốc tế Nội Bài, Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam từ ngày 14 - 15/4 theo lời mời của Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường.
Hà Nội giải quyết bài toán ô nhiễm không khí
Hà Nội giải quyết bài toán ô nhiễm không khí
(Ngày Nay) - Hà Nội, như nhiều thành phố lớn khác, đối mặt với vấn đề ô nhiễm không khí khá nghiêm trọng. Các yếu tố như giao thông, xây dựng, và khói bụi từ các nhà máy công nghiệp góp phần làm chất lượng không khí giảm sút, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, thành phố đã và đang thực hiện nhiều biện pháp để cải thiện tình hình này, đặc biệt là ứng dụng công nghệ vào việc giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí.
Đồng chí Nguyễn Đạt, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Viettel (thứ hai, bên trái) tại phiên thảo luận.
Hiệp hội di động toàn cầu cùng Viettel tổ chức Hội nghị thảo luận về tầm nhìn quốc gia số
(Ngày Nay) - Ngày 15-4, lần đầu tiên Hội nghị Thượng đỉnh Quốc gia số (GSMA Digital Nation Summit) được tổ chức tại Việt Nam với sự đồng hành của Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) – đơn vị phối hợp cùng GSMA chuẩn bị nội dung, các vấn đề thảo luận tại các phiên hội thảo.