Ngày 20/3, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã chính thức ký Quyết định số 648/QĐ-BCT về điều chính mức giá bán lẻ điện bình quân và quy định giá bán điện. Theo đó, mức giá bán lẻ điện bình quân sẽ tăng 8,36% (từ mức 1.720,65 đồng/kWh như hiện nay lên mức 1.864,04 đồng/kWh), chưa bao gồm thuế GTGT.
Tại quyết định này, Bộ trưởng Bộ Công thương cũng đã ban hành phụ lục giá bán lẻ điện cho các nhóm khách hàng sử dụng điện và giá bán điện cho các đơn vị bán lẻ điện. Theo đó, giá bán lẻ điện cho các ngành sản xuất khi được cấp điện áp từ 110kV trở lên giờ bình thường là 1.536 đồng/kWh, giờ thấp điểm là 970 đồng/kWh, giờ cao điểm là 2.759 đồng/kWh.
Đối với giá bán lẻ điện sinh hoạt, mức giá bán lẻ sẽ được áp dụng theo 6 bậc tùy vào mức độ tiêu thụ điện năng. Cụ thể, bậc 1 cho kWh: từ 0-50 là 1.678 đồng, bậc 2 từ 51-100 là 1.734 đồng/kWh, bậc 3 từ 101-200 là 2.14 đồng/ kWh, bậc 4 từ 201-300 là 2.536 đồng/ kWh, bậc 5 từ 301-400 là 2.834 đồng/kWh, bậc 6 từ 401 trở lên sẽ áp dụng mức giá 2.927 đồng/ kWh...
Thông tin thêm về quyết định tăng giá điện tại buổi họp báo ngày 20/3, ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, với quyết định tăng giá điện lần này, EVN sẽ thu được hơn 20.000 tỷ, dành để chi trả cho chênh lệch giá khí trong bao tiêu gần 6.000 tỷ đồng; chi trả cho PVGas chênh lệnh tỷ giá ngoài EVN hơn 3.000 tỷ đồng; thanh toán cho nhà đầu tư về quyền khai thác tài nguyên nước trong giá điện trước đây chưa có, các chi phí dầu chênh lệch mua điện tăng lên cũng phải thanh toán bổ sung...
"Tổng thanh toán gần 21.000 tỷ và EVN gần như là trung gian thu để trả lại cho các đối tác là cung cấp than, khí, nhà máy điện bán điện cho EVN và tiền thuế. Những chi phí này EVN không thể cáng đáng và phải thanh toán", ông Tri cho hay.
Lý giải các yếu tố tác động tăng giá điện 8,36% trong lần điều chỉnh này, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, quy định điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân theo Quyết định 24 của Chính phủ trong đó chi phí đầu vào ở các khâu phát điện, truyền tải, phân phối, bán lẻ, quản lý ngành. Các yếu tố đầu vào tác động quan trọng đến khâu phát điện ở cơ cấu nguồn huy động.
Cụ thể là ngày 18/12/2018, Bộ Công Thương ban hành quyết định quyết định cơ cấu nguồn thuỷ điện 31% nhiệt điện than 46% tua bin khí 18,6%, và huy động dầu khoảng 0,6%. Điện mặt trời trong năm nay với nguồn năng lượng tái tạo mới huy động khoảng 1,2% tổng sản lượng điện sản xuất của cả nước.
Trong khi đó, giá nhiên liệu đầu vào áp dụng từ ngày 5/1/2019 quy định giá than bán cho sản xuất điện tăng từ 2,61% đến hơn 7% tuỳ từng loại than, tăng chi phí phát điện lên hơn 3.000 tỷ đồng. Giá than năm 2019 được điều chỉnh đồng thời với giá điện, than của Tập đoàn công nghiệp than – khoáng sản (TKV) tăng hơn 3% và Tổng công ty Đông Bắc hơn 5% (tăng hơn 2.000 tỷ đồng).
Một số nhà máy điện của EVN và nhà máy điện ngoài sử dụng than trộn trong nước và nhập ngoại, là than mua của TKV tăng khoảng hơn 1.900 tỷ đồng. Đồng thời, năm 2019 khi Việt Nam chính thức thực hiện Luật Thuế bảo vệ môi trường đối với than là yếu tố tác động tăng giá đối với than.
Ngoài ra, đối với giá điện khí, ông Tuấn cho biết, sau khi điều chỉnh tăng giá điện, toàn bộ khí bán cho nhà máy điện bao gồm trong và trên bao tiêu đều thực hiện theo giá thị trường.