Theo ông Nguyễn Hữu Quế - Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Gia Lai cho biết hiện nay đường bộ, đường không từ Gia Lai kết nối với các địa phương khác trong nước là tương đối hoàn chỉnh, nhưng đến nay địa phương này vẫn chưa có đường cao tốc. Chính việc chưa có đường cao tốc từ Gia Lai kết nối với các tỉnh, thành khác trong nước nên vấn đề logistics, giá thành vận chuyển đang đặt ra ra đối với địa phương này.
Ông Quế cũng cho biết Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt 2 tuyến đường cao tốc đi qua tỉnh Gia Lai. Trong đó, đường cao tốc Đông - Tây kết nối TP.Pleiku (Gia Lai) với cảng Quy Nhơn (Bình Định) sẽ được quy hoạch đầu tư sau năm 2030 và tuyến đường cao tốc theo hướng Bắc - Nam đi từ Kon Tum - TP. Pleiku - Đăk Lăk sẽ được quy hoạch đầu tư trước năm 2030.
Tuy vậy, tỉnh Gia Lai muốn đẩy nhanh kế hoạch, do đó đã có đề nghị với Thủ tướng Cính phủ tiến hành thực hiện nhành đường cao tốc từ TP.Plei Ku đến cảng Quy Nhơn sớm hơn mốc năm 2030, nếu như tỉnh này phối hợp với Bình Định kêu gọi được nguồn vốn FDI hoặc PPP, đầu tư xã hội hóa.
Ông Quế cũng nói rằng, việc quyết tâm đẩy nhanh tiến độ đường cao tốc nối Pleiku - Quy Nhơn là thực hiện Nghị quyết 05 của Đại hội lần thứ XVI Đảng bộ tỉnh Gia Lai về phát triển kinh tế hạ tầng.
“Xuất phát điểm của chúng tôi là tỉnh nghèo, có nhiều hạn chế về kết nối hạ tầng đặc biệt là hạ tầng giao thông. Chúng tôi xác định điểm nghẽn về hạ tầng giao thông là vấn đề đang gây khó khăn, trở ngại cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nên sẽ tập trung tháo gỡ”, bà Nguyễn Thị Thanh Lịch - Phó chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, trao đổi với báo chí bên lề họp báo.
Đồng thời bà Lịch cũng tỏ rõ quyết tâm sẽ thực hiện các tuyến cao tốc kết nối Gia Lai đi các địa phương.
Lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành của Gia Lai rất kỳ vọng vào 2 tuyến cao tốc này sẽ tạo cú hích cho sự phát triển kinh tế của tỉnh này.
Hiện tuyến đường kết nối Gia Lai với Bình Định theo trục Đông - Tây là Quốc lộ 19 đang ngày càng quá tải. Còn Quốc lộ 14 là tuyến đường theo trục Bắc - Nam kết nối Gia Lai với Đăk Lăk và Kon Tum.