Tại khu vực miền Bắc, giá lợn hơi được thương lái mua tại Yên Bái, Lào Cai và Phú Thọ từ 65.000 - 67.000 đồng/kg. Các tỉnh, thành Bắc Giang, Nam Định, Hưng Yên, Thái Bình, Tuyên Quang và Hà Nội khoảng 65.000 - 70.000 đồng/kg. Giá lợn hơi trung bình ở miền Bắc là 67.000 đồng/kg.
Tại thị trường miền Trung, Tây Nguyên, giá lợn hơi được thu mua ở khu vực này hiện dao động trong khoảng 58.000 - 64.000 đồng/kg. Trong số đó, Thanh Hóa, Bình Thuận…có giá thu mua cao nhất, 64.000 đồng/kg.
Tại miền Nam, giá lợn hơi cũng điều chỉnh tăng theo xu hướng thị trường, dao động trong khoảng 54.000 - 65.000 đồng/kg. Hiện tại, các tỉnh Bình Phước, Đồng Nai, Long An, Hậu Giang và Bạc Liêu đang thu mua lợn hơi từ 58.000 - 64.000 đồng/kg.
Trước tình hình giá lợn hơi tăng, tại Hà Nội, giá thịt lợn tại các chợ cũng tăng lên khoảng 2.000-3.000 đồng/kg so với cách đây khoảng 2 tuần. Tại chợ dân sinh ở Nam Trung Yên, Cầu Giấy, Hà Nội, giá thịt ba chỉ, sườn loại ngon đã lên 160.000 đồng/kg, thịt sấn mông 130.000 đồng/kg, thịt thăn 140.000 đồng/kg…
Chị Hồng, chủ cửa hàng thực phẩm an toàn Huy Hồng tại Nguyễn Viết Xuân, Hà Đông, Hà Nội cho biết, những ngày gần đây, giá lợn hơi tăng mạnh nên chị cũng phải đẩy giá bán thịt lợn tăng theo. Các loại sườn ngon, thịt vai đầu giòn, thịt ba chỉ có giá 150.000-160.000 đồng/kg, các loại khác cũng dao động từ 130.000 -140.000 đồng/kg…
Với giá lợn tăng quá nhanh, chị Hồng cho biết, chị đang phải chịu lỗ khá cao hàng ngày vì lượng thịt lợn chị cung cấp cho các bếp ăn tập thể khá nhiều. Giá thịt lợn cung cấp cho các bếp ăn thì đã ký kết giá cố định từ đầu tháng cho cả tháng nên giá lợn hơi càng tăng nhanh, chị càng lỗ.
Theo ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, giá lợn hơi tăng cho thấy, nhu cầu tiêu thụ trong nước đã tăng trở lại sau khi kiểm soát tốt dịch COVID-19, nhu cầu từ các bếp ăn, nhà hàng, khách sạn hồi phục.
Giá thành lợn hơi ở mức 55.000 - 57.000 đồng/kg. Sau một thời gian dài dưới giá thành, đặc biệt ở khu vực nông hộ, hiện nay giá bán các sản phẩm chăn nuôi đã bắt đầu có lãi. Việc giá bán sản phẩm chăn nuôi tăng là tín hiệu mừng cho bà con nông dân.
Liên quan vấn đề nhu cầu tiêu thụ tăng cao vào những tháng cuối năm, ông Tống Xuân Chinh cho biết với nguồn cung và tình hình phát triển đàn hiện tại thì hoàn toàn có thể đáp ứng được được nhu cầu của thị trường. Để đáp ứng mục tiêu đó, vấn đề cần đảm bảo an toàn sinh học để tăng đàn với lợn và gia cầm, bên cạnh đó là đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như đối phó với nguy cơ dịch bệnh.
Cục Chăn nuôi cho biết, Cục sẽ tiếp tục chỉ đạo sản xuất, ứng dụng kỹ thuật và phát triển sản phẩm chăn nuôi trong 6 tháng cuối năm để đạt mục tiêu tăng trưởng từ 5 - 5,5% và tổng sản lượng thịt vào cuối năm 2022 sẽ đạt khoảng 6,95 triệu tấn.