Cụ thể, xăng E5RON92 không cao hơn 31.302 đồng/lít (tăng 185 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành), xăng RON95-III không cao hơn 32.873 đồng/lít (tăng 498 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành).
Các loại dầu cũng được điều chỉnh tăng, dầu diezen 0.05S không cao hơn 30.019 đồng/lít (tăng 999 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành); dầu hỏa không cao hơn 28.785 đồng/lít (tăng 946 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành); dầu mazut 180CST 3.5S không cao hơn 20.735 đồng/kg (tăng 378 đồng/kg so với giá bán hiện hành).
Theo Bộ Công Thương, thị trường xăng dầu thế giới giữa 2 kỳ điều hành giá vừa qua có nhiều biến động. Giá các sản phẩm thành phẩm xăng dầu lại có xu hướng tăng trong khi nhu cầu vẫn cao trong tiến trình phục hồi kinh tế của các nước (mặc dù cầu có giảm nhẹ khi các ca mắc COVID-19 tại Trung Quốc gia tăng nhưng đã không giúp giá các mặt hàng xăng dầu thành phẩm giảm). Giá các mặt hàng xăng dầu thành phẩm trong gần 10 ngày qua tiếp tục tăng, nhất là các mặt hàng dầu diesel và dầu hỏa.
Kỳ điều hành lần này, do giá các mặt hàng xăng dầu đều có xu hướng tăng, nhất là dầu diesel và dầu hỏa có biến động tăng cao, mặc dù Quỹ BOG đang ở mức khá thấp nhưng liên Bộ Công Thương – Tài chính vẫn quyết định tiếp tục sử dụng linh hoạt công cụ Quỹ BOG nhằm để hạn chế mức tăng của giá mặt hàng dầu để hỗ trợ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp sử dụng. Theo đó, liên Bộ quyết định tiếp tục không trích lập Quỹ BOG đối với các mặt hàng xăng và dầu diesel, dầu hỏa, tiếp tục chi sử dụng Quỹ BOG đối với dầu diesel và dầu hỏa để giá dầu trong nước có mức tăng thấp hơn mức tăng của giá thế giới.
Tại kỳ điều hành này, liên Bộ Công Thương – Tài chính tiếp tục không trích lập Quỹ BOG đối với các loại xăng, dầu diesel và dầu hỏa; trích lập Quỹ BOG đối với dầu mazut ở mức 300 đồng/kg (như kỳ trước).
Thực hiện chi Quỹ BOG đối với dầu diesel ở mức 400 đồng/lít (như kỳ trước) và tăng chi Quỹ BOG đối với dầu hỏa ở mức 400 đồng/lít (kỳ trước chi 300 đồng/lít).