Giải pháp nào cho vấn đề giá xăng?

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Giá xăng tăng liên tiếp và tiến sát ngưỡng 27.000 đồng/lít, mức kỷ lục trong 8 năm trở lại đây. Giá xăng tăng khiến giá cả các mặt hàng tiêu dùng, vận tải tăng theo.

Để ngăn chặn hành vi lợi dụng thị trường có biến động về cung cầu, giá cả hàng hóa do dịch bệnh hoặc diễn biến bất thường khác để thu lời bất chính, các bộ ngành đã có nhiều giải pháp về giảm thuế, tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường trong nước.

Hàng tiêu dùng tăng giá mạnh

Khảo sát tại các chợ truyền thống TP Hà Nội, giá cả các mặt hàng tăng mạnh từ 20-30%. Cá biệt có những mặt hàng tiêu dùng tăng lên gấp đôi so với thời điểm Tết Nguyên đán dù nguồn cung vẫn đang rất dồi dào.

Giải pháp nào cho vấn đề giá xăng? ảnh 1
Người dân đến mua sắm tại siêu thị Co.opXtra thành phố Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức

Cụ thể, giá các loại rau xanh đều tăng mạnh, như cải thảo từ 8.000 đồng/kg lên 15.000 đồng; xà lách từ 12.000 đồng/kg lên 30.000 đồng/kg; rau ngót từ 6.000 đồng/mớ lên 12.000 đồng/mớ; rau muống từ 10.000 đồng/mớ lên 30.000 đồng/mớ…. Các mặt hàng thịt cá cũng tăng mạnh, như cá chép từ 200.000 - 220.000 đồng/kg; cá song 280.000-300.000 đồng/kg, tăng 50.000-60.000 đồng/kg; thịt bò 250.000 - 350.000 đồng/kg, tăng 40.000 đồng/kg so với thời điểm Tết Nguyên đán…

Theo các tiểu thương tại chợ Mơ - Hà Nội, giá các mặt hàng nhập vào đều tăng lên, do vậy, giá bán ra cũng rất khó giữ mức giá cũ. Giá hàng tiêu dùng tăng chủ yếu do những tác động từ việc giá xăng liên tục tăng mạnh khiến cước vận chuyển tăng lên, dù các mặt hàng này không hề khan hiếm.

Chị Hoàng Minh Hiền, ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cho biết, chị làm trong ngành phân phối sữa, dịch COVID-19 suốt 2 năm qua khiến khu vực sản xuất khó khăn ngừng sản xuất, khu vực trường học học từ xa nên công việc của chị bị ảnh hưởng lớn, thu nhập giảm sút. Trong khi đó, chi tiêu cho sinh hoạt gia đình tăng lên, chị khá lo lắng cho thời gian sắp tới.

Giá xăng tăng không chỉ tác động đến giá tiêu dùng hàng hóa, mà đã tác động trực tiếp đến lĩnh vực vận tải, vốn chịu 40% cấu thành giá từ giá xăng, dầu. Ông Bùi Danh Liên, chuyên gia trong lĩnh vực vận tải cho hay, giá xăng dầu liên tục tăng từ đầu năm khiến các doanh nghiệp taxi, vận tải khách, hàng hóa đứng trước sự lựa chọn hoặc tăng giá cước hoặc chấp nhận lỗ.

Tuy nhiên, mức tăng như thế nào để phù hợp, đảm bảo tính cạnh tranh mà vẫn có lợi nhuận cho doanh nghiệp đang là bài toán khó. Bà Vũ Tuyết Hạnh, đại diện Công ty Vận tải Cường Thắng cho biết, từ trước Tết, công ty đã phải đàm phán với đối tác về cước vận tải.

Đến nay, giá xăng tăng mạnh, nếu giữ mức cước như cũ thì doanh nghiệp gần như không có lãi. Tăng như thế nào để giữ chân khách hàng cũng là rất khó. Nếu tăng ít sẽ mất công làm các thủ tục để tăng giá cước, còn nếu tăng cao quá sẽ không có khách. Công ty hiện nay chỉ hoạt động cầm chừng, để ngóng chờ diễn biến giá xăng. Tuy nhiên, dù muốn hay không, doanh nghiệp cũng buộc phải tính tới tăng giá cước.

Các doanh nghiệp vận tải thời gian qua đã gần như bị đóng băng vì dịch bệnh, hoạt động lỗ triền miên hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng, nay xăng dầu tăng liên tục, doanh nghiệp sẽ tiếp tục thua lỗ. Hầu hết các doanh nghiệp đều cho rằng, giá xăng dầu đang chịu nhiều loại thuế, mong muốn nhà nước xem xét giảm thuế bảo vệ môi trường để gỡ khó cho doanh nghiệp.

Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết, chi phí nhiên liệu hiện chiếm tỷ lệ lớn, khoảng 40-45% trong cơ cấu giá thành vận tải. Để cân đối thu chi khi giá nguyên liệu tăng mạnh như hiện tại, doanh nghiệp sẽ tính tới tăng giá cước. Điều này sẽ tác động tiêu cực đến các chỉ số khác, như tiêu dùng, cước vận tải… làm chậm sự phục hồi của nền kinh tế và nhu cầu đi lại người dân.

Hiện nay, thuế bảo vệ môi trường thu qua xăng dầu đang khá lớn từ 3.800-4.000 đồng/lít, ông Quyền kiến nghị nhà nước cần xem xét điều chỉnh giảm loại thuế này để giảm được giá nhiên liệu; từ đó, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.

Theo TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, xăng dầu là mặt hàng chiến lược, quan trọng, chiếm 3,52% trong tổng chi phí sản xuất của toàn bộ nền kinh tế, chiếm 1,5% trong tổng chi tiêu dùng của hộ gia đình, được sử dụng tại hầu hết các ngành, lĩnh vực nên tác động mạnh đến giá sản xuất và giá tiêu dùng.

Đặc biệt, xăng dầu sản xuất trong nước chỉ chiếm từ 70 - 75% tổng nguồn cung xăng dầu cả nước; sản xuất xăng dầu

trong nước phụ thuộc khá lớn vào nhập khẩu dầu thô. Vì vậy, biến động giá xăng dầu trong nước phụ thuộc vào biến động giá xăng dầu thế giới. Với tác động sâu, rộng tới các ngành và lĩnh vực, trong năm 2022, dự báo giá xăng dầu tiếp tục tăng sẽ gây nên áp lực lạm phát và tạo ra mặt bằng giá mới cao hơn của nền kinh tế.

Tính tới giảm thuế

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng tháng 2/2022 tăng 1% so với tháng trước, tăng 1,42% so với cùng kỳ năm trước và tăng 1,2% so với tháng 12/2021. Nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng tăng là do giá xăng dầu tăng; giá lương thực, thực phẩm, ăn uống ngoài gia đình và giá dịch vụ giao thông công cộng tăng trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính cho biết xăng dầu là mặt hàng nhiên liệu đầu vào quan trọng của nền kinh tế. Giá xăng dầu tăng làm gia tăng áp lực lên lạm phát. Xăng dầu tác động đến nhóm giao thông vận tải như đường sắt, hàng không, đường bộ, đường thủy, xe buýt, taxi… và vận chuyển hàng hóa; làm tăng chi phí sản xuất các mặt hàng sử dụng xăng dầu làm đầu vào cho sản xuất, từ đó kéo theo các mặt hàng khác trong nhóm hàng hóa, dịch vụ tính CPI tăng theo.

Theo ông Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, xu hướng giá xăng dầu chưa dừng lại ở mức như hiện nay mà dự báo sẽ tiếp tục tăng. Xăng dầu tăng có tác động gián tiếp rất lớn tới nhiều lĩnh vực. Các lĩnh vực chịu tác động nhiều nhất của việc tăng giá xăng dầu là vận tải, logistics, đáng bắt cá xa bờ và trong nông nghiệp.

Theo ông Long, giá xăng dầu trong nước phụ thuộc vào giá xăng dầu thế giới. Khi giá xăng dầu thế giới tăng, giá trong nước tăng theo là tất yếu. "Vấn đề là làm sao để giá xăng dầu trong nước tiệm cận với giá tăng thế giới. Chỉ có thể dùng hai công cụ là thuế và quỹ bình ổn giá xăng dầu. Dư địa quỹ bình ổn giá xăng dầu hiện không còn nhiều, chỉ còn có thể dùng công cụ thuế; trong đó chỉ có thể giảm thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường".

Về lâu dài, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội thẩm định giá Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục quản lý giá (Bộ Tài chính) cho hay, cần phải cải cách mạnh hơn trong điều hành kinh doanh xăng dầu để thực hiện đúng việc kinh doanh xăng dầu theo cơ chế thị trường, nhằm xóa bỏ tình trạng “nửa vời” hiện nay. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ tình trạng lợi dụng vị thế thống lĩnh thị trường kinh doanh trái pháp luật; Xóa bỏ tình trạng bảo hộ bất hợp lý, không bình đẳng giữa các doanh nghiệp nhằm tạo môi trường doanh nghiệp được tự chủ thực sự trong kinh doanh, cạnh tranh lành mạnh.

Mới đây, Bộ Tài chính đã trình phương án giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu khi giá xăng dầu tăng mạnh. Hiện các khoản thuế xăng dầu gồm thuế nhập khẩu với xăng dầu nhập khẩu; thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường với tổng các loại thuế, phí khoảng 10.000 đồng/lít. Trong đó, riêng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng đang là 3.800 đồng/lít xăng E5 RON92 và 4.000 đồng/lít xăng RON 95; dầu diesel là 2.000 đồng/lít và với nhiên liệu bay là 3.000 đồng/lít.

Về phía Bộ Công Thương, bộ này cũng đã yêu cầu Tổng cục Quản lý thị trường chỉ đạo toàn lực lượng tăng cường giám sát, quản lý theo địa bàn. Đồng thời, các đơn vị xây dựng phương án, kế hoạch và thực hiện phối hợp với các lực lượng chức năng để kiểm tra, giám sát chặt chẽ các tổ chức, cá nhân có hành vi lợi dụng thị trường có biến động về cung cầu, giá cả hàng hóa do dịch bệnh hoặc diễn biến bất thường khác để thu lời bất chính...

Những sự kiện nổi bật của ngành Y tế TP Hồ Chí Minh năm 2024
Những sự kiện nổi bật của ngành Y tế TP Hồ Chí Minh năm 2024
(Ngày Nay) -  Dịch sởi bùng phát tại TP Hồ Chí Minh, Thực hiện thành công kỹ thuật can thiệp thông tim bào thai, Triển khai Sổ sức khỏe điện tử tích hợp trên ứng dụng VneID thay cho sổ khám bệnh… là những sự kiện nổi bật của ngành Y tế TP Hồ Chí Minh năm 2024 được Sở Y tế Thành phố công bố chiều 22/12.
Từ năm 2025, trường học được xây cao nhất là 5 tầng
Từ năm 2025, trường học được xây cao nhất là 5 tầng
(Ngày Nay) -  Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư mới bổ sung và điều chỉnh linh hoạt các tiêu chuẩn về diện tích đất, quy mô trường học và tiêu chuẩn cơ sở vật chất tối thiểu, theo hướng phù hợp với thực tế triển khai tại các địa phương.
Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình chúc mừng Giáng sinh các tổ chức tôn giáo
Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình chúc mừng Giáng sinh các tổ chức tôn giáo
(Ngày Nay) -  Trong không khí vui tươi, ấm áp dịp Lễ Giáng sinh 2024 và đón chào năm mới 2025, chiều 22/12, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đã đến chúc mừng tại Tòa Tổng Giám mục Hà Nội, Tổng hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Bắc) và Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam.
Thiếu tá Hà Thanh thuyết minh phòng truyền thống cho các chiến sĩ mới.
Không phải cứ cầm súng mới là chiến đấu
(Ngày Nay) - Là một người vợ, một người mẹ nhưng trên hết là một người con của Tổ quốc, những nữ quân nhân luôn xứng đáng được tôn vinh với sự hi sinh cao cả cho sự nghiệp bền vững của dân tộc. Hơn 15 năm công tác tại quân đội, Thiếu tá Đinh Thị Hà Thanh luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, tỏa sáng với phẩm chất “Anh hùng - bất khuất - trung hậu - đảm đang”.
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
(Ngày Nay) - Tròn 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, Quân đội nhân dân Việt Nam cùng với toàn dân đã lập nên những chiến công vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc.