Dự thảo cho biết, quy định hiện hành về việc khai sửa đổi, bổ sung các thông tin về cơ sở sản xuất của DN gia công sản xuất xuất khẩu, tại Điều 37 Nghị định 08, khi có sự thay đổi trong hoạt động sản xuất DN có trách nhiệm thông báo cho cơ quan hải quan trước khi thực hiện.
Mặc dù vậy, các DN, đặc biệt là các DN có hoạt động gia công sản xuất xuất khẩu lớn, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng chục tỷ USD/năm, thì các nội dung về máy móc, lao động thường xuyên có sự thay đổi, vì vậy phát sinh bất cập phải thực hiện liên tục thủ tục sửa đổi, bổ sung thông báo cơ sở sản xuất đến cơ quan hải quan. Quy định này làm phát sinh thủ tục hành chính cho DN.
Với dự thảo mới, hoạt động khai và nộp hồ sơ hải quan, toàn bộ sẽ được thực hiện trên hệ thống xử lý dữ liệu hải quan điện tử. Các dữ liệu do người khai hải quan gửi qua hệ thống sẽ được số hóa hoặc chuyển đổi sang dạng dữ liệu điện tử, các chứng từ đã được cấp trên hệ thống một cửa quốc gia sẽ không yêu cầu người khai phải nộp, hệ thống sẽ tự động kết nối lấy các thông tin từ hệ thống một cửa quốc gia để phục vụ việc khai của người khai hải quan cũng như việc kiểm tra của cơ quan hải quan.
Cũng theo đề xuất trong dự thảo của Tổng cục Hải quan thì, toàn bộ thủ tục liên quan đến hoạt động gia công, sản xuất xuất khẩu sẽ được thực hiện trên môi trường điện tử.
Các doanh nghiệp có thể kết nối và chia sẻ tình hình sử dụng nguyên liệu, vật tư trực tuyến với cơ quan hải quan. Hệ thống của cơ quan hải quan có chức năng tiếp nhận, tự động đánh giá, phân tích để đưa ra cảnh báo phục vụ cho công tác quản lý của ngành, không yêu cầu người khai hải quan phải nộp các chứng từ và cơ quan hải quan cũng không cần thiết phải xuống cơ sở của DN để kiểm tra.
Lãnh đạo Cục Giám sát quản lý về hải quan cho biết thêm, việc sửa đổi bổ sung Nghị định 08 vừa đáp ứng yêu cầu phát triển hải quan số, hải quan thông minh tạo thuận lợi cho DN, vừa đáp ứng sự tương thích với các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực hải quan mới được Quốc hội, Chính phủ ban hành.
Cụ thể về hoạt động nhập khẩu hàng hóa bị trả lại, Nghị định 08/2015/NĐ-CP quy định thời hạn 275 ngày để phù hợp với thời gian ân hạn thuế của hàng hóa nhập khẩu sản xuất xuất khẩu theo Luật Thuế xuất khẩu, nhập khẩu số 45/2005/QH11. Đến nay, Luật Thuế 107/2016/QH13 đã thay đổi về chính sách thuế đối với hàng sản xuất xuất khẩu được miễn thuế. Đồng thời, chính sách quản lý đối tượng hàng hóa gia công, sản xuất xuất khẩu, chế xuất theo năm tài chính (12 tháng). Thực tế thực hiện có phát sinh vướng mắc, bất cập đối với một số mặt hàng đặc thù như đóng tàu… có thời hạn tái chế kéo dài nhưng hiện tại quy định cho phép 275 ngày.
Trước những yêu cầu đặt ra trong thực tiễn, dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 08 đề xuất bổ sung quy định tại khoản 4 Điều 36 về việc giao Bộ Tài chính hướng dẫn việc kết nối, chia sẻ thông tin dữ liệu trực tuyến với hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan hoặc báo cáo quyết toán nhập - xuất - tồn định kỳ.
Đối với DN thực hiện kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu trực tuyến về việc quản lý, sử dụng nguyên liệu, vật tư, máy móc cho cơ quan hải quan là cơ sở để cơ quan hải quan xem xét và chỉ kiểm tra, thanh tra khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Cụ thể, dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 08 quy định: “Đối với tổ chức, cá nhân đã kết nối, chia sẻ thông tin dữ liệu việc quản lý, sử dụng nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị nhập khẩu, hàng hóa xuất khẩu thì cơ quan hải quan chỉ kiểm tra báo cáo quyết toán nhập - xuất - tồn, kiểm tra tình hình sử dụng nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị nhập khẩu, hàng hóa xuất khẩu, kiểm tra sau thông quan, thanh tra chuyển ngành khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật thông qua thu thập, phân tích, đánh giá thông tin”.
Bên cạnh đó, dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 08 đã bổ sung quy định về thời gian khai sửa đổi, bổ sung thông tin cơ sở sản xuất là trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày phát sinh thay đổi, tổ chức cá nhân có trách nhiệm thông báo cho cơ quan hải quan. Trong đó, Điều 39 dự thảo nghị định đã sửa đổi, bổ sung về thời gian thực hiện kiểm tra cơ sở sản xuất là chậm nhất sau 5 ngày làm việc kể từ ngày tổ chức, cá nhân nhận được quyết định kiểm tra thì cơ quan hải quan phải thực hiện hoạt động kiểm tra cơ sở sản xuất và bổ sung thẩm quyền, nội dung kiểm tra cơ sở sản xuất.