Theo thống kê, tính đến ngày 18/12, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 104 xã, phường của tỉnh với số hộ có lợn mắc bệnh là 1.426 hộ, số lợn bị tiêu hủy là 35.057 con. Từ thời điểm cuối tháng 9/2019 đến nay, tình hình dịch tả lợn châu Phi tại Vĩnh Long đã bắt đầu giảm mạnh. Riêng trong tháng 12/2019, có nhiều ngày liên tiếp trên địa bàn không có ổ dịch nào phát sinh. Tỉnh có 89 xã, phường có ổ dịch đã qua 30 ngày, có 27 xã, phường đã công bố hết dịch. Hiện nay, tổng đàn lợn trên địa bàn còn gần 200.000 con.
Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Vĩnh Long Lê Thanh Tùng cho biết, để ứng phó với dịch tả lợn châu Phi, từ tháng 3/2019, tỉnh đã ban hành kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp và thành lập ban chỉ đạo phòng chống dịch tả lợn châu Phi. Đồng thời, khi dịch xảy ra, ngành chức năng tỉnh đã tổ chức xử lý lợn trong ổ dịch theo quy định, tiêu độc khử trùng tại vùng dịch và vùng uy hiếp với 10.992 lít hoá chất và 321 tấn vôi bột.
Ngoài ra, tỉnh lập các chốt kiểm soát ra vào vùng dịch, duy trì hoạt động của các trạm kiểm dịch ra vào tỉnh; thanh kiểm tra các hoạt động liên quan đến công tác phòng chống dịch, qua đó xử lý vi phạm 40 vụ với số tiền trên 300 triệu đồng. Tỉnh Vĩnh Long cũng hỗ trợ cho hộ chăn nuôi có lợn bị tiêu hủy đến ngày 19/12 với số tiền trên 58 tỷ đồng, hiện nhu cầu kinh phí cần hỗ trợ cho hộ dân là trên 1,5 tỷ đồng.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Minh Tho cho hay, mặc dù từ tháng 9/2019 đến nay tình hình dịch bệnh đã giảm nhưng vẫn còn nguy cơ tái phát trên địa bàn. Nguyên nhân là do tỉnh còn nhiều hộ chăn nuôi lợn chưa đảm bảo được điều kiện an toàn sinh học cấp độ cao để phòng chống sự xâm nhập của vi rút dịch tả lợn châu Phi. Mầm bệnh vẫn còn tồn tại trong môi trường khó bày trừ triệt để và có thể tiếp tục tấn công vào những đàn lợn mới; tình hình tái đàn trong hộ dân khó kiểm soát do sức hút của giá lợn đang tăng cao đột biến.
Chính vì thế, trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục thực hiện các giải pháp chủ động phòng, chống dịch tả lợn châu Phi theo đúng nội dung kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp do Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành. Ban chỉ đạo phòng chống dịch tả lợn châu Phi các cấp trong tỉnh đẩy mạnh chỉ đạo thực hiện công tác phòng, chống dịch; tăng cường tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức tiêm phòng, chăn nuôi lợn an toàn sinh học; chủ động giám sát phát hiện sớm và xử lý triệt để các ổ dịch; kịp thời hỗ trợ người dân có lợn bị tiêu hủy do dịch tả lợn châu Phi.
Cùng với đó, cơ quan chuyên môn của sở phối hợp với các đoàn thể tuyên truyền, tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi, chế độ dinh dưỡng, chế độ chăm sóc đàn lợn và các vật nuôi khác, để tránh phát sinh các loại dịch bệnh trên đàn vật nuôi.
Lực lượng chức năng tiêu hủy lợn bị nhiễm bệnh dịch tả lợn Châu Phi tại phường 8, thành phố Vĩnh Long. Ảnh: Lê Thúy Hằng/TTXVN |
Ngoài ra, tổ chức tháng hành động tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi để giảm áp lực của mầm bệnh; thực hiện thủ tục công bố hết dịch đối với các xã đã qua 30 ngày; hướng dẫn tái đàn theo đúng quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và thực hiện nghiêm việc giám sát, quản lý việc tái đàn lợn. Đồng thời, tập huấn hỗ trợ người dân thực hiện chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, đề xuất các dự án khôi phục và phát triển đàn lợn trong năm 2020.
Tại Bình Phước, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước cho biết, UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh Bình Phước đã thực hiện hỗ trợ các hộ dân có lợn mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi với tổng số tiền 39,694 tỷ đồng.
Theo cơ quan chức năng, từ tháng 5/2019 đến hết ngày 20/12/2019, tổng đàn lợn chết và tiêu hủy do dịch tả lợn châu Phi là 21.649 con/1.424 hộ/99 xã/11 huyện, thị xã, thành phố. Tổng trọng lượng tiêu hủy là trên 1.133 tấn.
Tỉnh Bình Phước hiện đã thực hiện hỗ trợ 2 đợt cho các hộ dân có lợn mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi với tổng số tiền 39,694 tỷ đồng. Cùng với đó, các địa phương cũng đã hỗ trợ hơn 7,2 tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch, thuốc sát trùng…
Hiện tỉnh Bình Phước đã có 91/99 xã có bệnh dịch tả lợn châu Phi đã qua 30 ngày không phát sinh dịch bệnh. Tình hình dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh Bình Phước cơ bản đã được khống chế. Số lợn mắc bệnh là 21.649 con/883.662 con, chiếm 2,45% tổng đàn lợn của tỉnh.