Giáo sư Nguyễn Thục Quyên được trao huân chương cao quý Wilhelm Exner 2023

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Nhà khoa học Mỹ gốc Việt Nguyễn Thục Quyên vừa được trao huân chương Wilhelm Exner năm 2023 do những đóng góp quý báu có tác động trực tiếp đến kinh tế trong tương lai thông qua việc phát triển pin Mặt Trời hữu cơ. Bà là người gốc Việt đầu tiên được đề cử và nhận giải thưởng cao quý của Hiệp hội Thương mại Áo.
Giáo sư Nguyễn Thục Quyên được trao huân chương cao quý Wilhelm Exner 2023. Ảnh: wilhelmexner.org
Giáo sư Nguyễn Thục Quyên được trao huân chương cao quý Wilhelm Exner 2023. Ảnh: wilhelmexner.org

Giải thưởng Wilhelm Exner 2023 tôn vinh các nhà nghiên cứu “đã có tác động trực tiếp đến doanh nghiệp và ngành thông qua những thành tựu và đóng góp khoa học của họ”. Lễ trao giải diễn ra ở thủ đô Vienna của Áo. Trong hơn 100 năm qua, 241 nhà khoa học và nhà phát minh, trong đó có 23 người đoạt giải Nobel, đã được trao giải thưởng danh giá này.

Giáo sư Nguyễn Thục Quyên, Giám đốc Trung tâm Polymer và Chất rắn hữu cơ (CPOS), tham gia nghiên cứu và giảng dạy tại Khoa hóa học và hóa sinh Đại học California, Santa Barbara, Mỹ từ năm 2004. Bà thực hiện nghiên cứu về các thiết bị điện tử hữu cơ như quang điện, đèn LED và bóng bán dẫn hiệu ứng trường cảm biến sinh học. Bà sử dụng các kỹ thuật quang học, điện và cấu trúc để nghiên cứu về các vật liệu và thiết bị này. Các nghiên cứu của nữ Giáo sư tập trung vào việc phát triển pin Mặt Trời hữu cơ. Loại pin này khác với các loại pin Mặt Trời khác ở chỗ chúng được làm bằng nhựa, bán trong suốt và có thể dễ dàng sản xuất dưới dạng màng mỏng bằng máy in công nghiệp.

Trang thông tin của Quỹ Wilhelm Exner Medal nêu rõ so với các module năng lượng Mặt Trời vô cơ dựa trên silicon thông thường, pin Mặt Trời hữu cơ mang lại một số lợi thế. Trong khi các module năng lượng Mặt Trời thông thường với vật liệu bán dẫn vô cơ đạt được hiệu suất cao hơn, thì pin Mặt Trời hữu cơ thân thiện với môi trường hơn, ít tốn kém hơn và có thể ứng dụng trong nhiều trường hợp.

Theo báo cáo gần đây của Bộ Năng lượng Mỹ, nhu cầu năng lượng của thế giới được dự đoán sẽ tăng hơn 2 lần vào năm 2050 và sẽ tăng hơn 3 lần vào cuối thế kỷ này. Do đó, việc phát triển các nguồn năng lượng tái tạo đang được chính phủ, xã hội và cộng đồng toàn cầu công nhận là một nhu cầu cấp thiết. Năng lượng tái tạo giúp hạn chế biến đổi khí hậu và hữu ích với môi trường.

Giáo sư Nguyễn Thục Quyên nhận bằng Tiến sĩ năm 2001 tại Đại học California, Los Angeles. Trong giai đoạn 2001-2004, bà là nghiên cứu sinh tại Đại học Columbia. Bà chính thức giảng dạy và nghiên cứu tại Đại học California, Santa Barbara từ Hè năm 2004. Giáo sư Thục Quyên nằm trong tốp 1% Nhà nghiên cứu Khoa học Vật liệu được hãng tin Reuters và công ty phân tích Clarivate Analytics trích dẫn nhiều nhất thế giới. Năm 2023, bà được bầu vào Viện Hàn lâm Kỹ thuật quốc gia Mỹ.

Trong sự nghiệp khoa học, ngoài huân chương danh giá Wilhelm Exner 2023, Giáo sư Thục Quyên còn giành được nhiều giải thưởng cao quý: Đại lộ danh vọng Vật liệu tiên tiến 2019, Nghiên cứu viên của Hiệp hội Hóa học Hoàng gia năm 2016, Giải thưởng Nghiên cứu Cao cấp Alexander von Humboldt năm 2015; được bình chọn vào danh sách Những Trí tuệ khoa học có ảnh hưởng nhất thế giới năm 2015-2019; thành viên Hiệp hội Vì sự tiến bộ khoa học Mỹ năm 2019…

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Phó Tổng thống Kamala Harris đang chạy đua với thời gian. Ảnh: ABC.
Cuộc đua sít sao trước thềm ngày bầu cử Mỹ
(Ngày Nay) - Trước thềm ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 (5/11), hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang chạy đua với thời gian nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các nhóm cử tri chưa đưa ra quyết định, trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn rất sít sao.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.