Thời gian qua, mặc dù các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội và nhiều người cùng chung tay bảo vệ trẻ em nhưng cho đến nay, tình trạng xâm hại tình dục trẻ em vẫn chưa được kiểm soát chặt chẽ, nhiều vụ việc đau lòng đã xảy ra.
Đơn cử như vụ việc Hiệu trưởng một trường dân tộc nội trú ở Phú Thọ bị khởi tố, tạm giam về hành vi dâm ô với nhiều học sinh nam chưa kịp lắng xuống thì tại Bắc Giang, Thái Bình lại xuất hiện thông tin thầy giáo có dấu hiệu dâm ô,nhắn tin gạ tìnhvới học sinh.
Theo TS Vũ Thu Hương (Khoa Giáo dục tiểu học, Đại học Sư phạm Hà Nội): “Từ xưa đến nay, chuyện giáo viên xâm hại, dâm ô hay nhắn tin gạ tình học sinh không phải là chuyện hiếm ở môi trường giáo dục. Tuy nhiên, hiện nay, những câu chuyện này xuất hiện ngày càng nhiều.
Sở dĩ, trước đây ít “khui” ra được những vụ việc như thế này tại môi trường giáo dục là bởi hầu hết học sinh - nạn nhân của các cuộc xâm hại, dâm ô, gạ tình đều im lặng. Nguyên nhân của sự im lặng này có thể là do sợ hãi, có thể là do không biết đây là những hành vi bị cấm hoặc cũng có thể là do “quá nghe lời” người lớn.
Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, việc đẩy mạnh phong trào phòng tránh dâm ô và xâm hại trẻ em đã giúp trẻ em có được những nhận thức nhất định về các hành vi “lệch chuẩn” này. Do vậy, khi bị xâm hại hay dâm ô, trẻ em đã dám lên tiếng để người lớn biết được sự việc.
“Trên thực tế, không có một môi trường nào an toàn hay trong sạch tuyệt đối, thậm chí là khi ở nhà với bố mẹ”, TS. Hương nhấn mạnh.
Vì đâu?
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến những hành vi “lệch chuẩn” nói trên. Thứ nhất, xuất phát từ suy nghĩ coi trẻ em là một thứ đồ chơi của người lớn nên họ cảm thấy bình thường khi trêu ghẹo và sờ mó chúng.
TS. Vũ Thu Hương – Giảng viên Khoa Giáo dục tiểu học, Đại học Sư phạm Hà Nội |
Thứ hai, do cách hành xử của người lớn hiện nay cũng khiến cho trẻ em dễ bị rơi vào những tình huống nguy hiểm mà họ không hề hay biết. Ví dụ, khi trẻ bị người lớn trêu ghẹo như hôn vào má, vuốt tóc, cấu véo… thì chúng ta sẽ bắt chúng phải đứng yên chịu đựng, thậm chí là vui mừng khi bị như thế. Tuy nhiên, trẻ lại cảm thấy khó chịu, nhưng khi chúng biểu hiện sự khó chịu thì sẽ bị người lớn mắng. Vì vậy, khi rơi vào tình huống nguy hiểm, chúng sẽ không dám phản kháng.
Thứ ba, khi giáo dục trẻ, chúng ta thường bắt chúng phải “nghe lời” người lớn, nên khi rơi vào những tình huống nguy hiểm như bị người lớn xâm hại, chúng sẽ nghĩ rằng mình cần phải “nghe lời” và chịu đựng.
Ngoài vấn đề đạo đức đang bị suy đồi ở mức báo động thì giáo dục giới tính, giáo dục ứng phó với các tình huống nguy hiểm và giáo dục kỹ năng sống cho học sinh tại nhiều nơi còn bất cập vì hiện nay chưa có một chương trình giảng dạy cụ thể, thống nhất ở cả 3 kỹ năng này.
Người lớn đang làm gì?
Hiện nay, nhiều phụ huynh khi phát hiện con mình bị dâm ô hay xâm hại thay vì cương quyết bảo vệ thì họ lại có tư tưởng dàn xếp, thỏa thuận với những kẻ xấu. Điều này không những khiến cho luật pháp không được thực thi nghiêm túc mà còn khiến cho môi trường sống và học tập của trẻ sẽ càng trở nên nguy hiểm.
Hay khi sự việc xảy ra, thay vì trấn an tinh thần cho con, nhiều phụ huynh còn quát mắng chúng hoặc tìm cách che giấu vì nghĩ rằng chuyện này quá kinh khủng và xấu hổ.
Thậm chí, có những phụ huynh lại phản ứng một cách thái quá và nóng vội khi nhờ đến sự “trợ giúp” của các phương tiện truyền thông đại chúng, nhất là mạng xã hội Facebook để tìm lại “sự công bằng”. Điều này cũng phần nào ảnh hưởng đến tâm lý sợ hãi của con.
Do vậy, “để giải quyết triệt để những hành vi vi phạm đạo đức giáo viên trong trường học, trước hết, các vị phụ huynh cần phải đứng về phía con, sẵn sàng ở bên cạnh con và khẳng định với con là chúng không làm sai gì, chỉ có những kẻ xâm hại chúng mới sai và kiên quyết từ chối dàn xếp, thỏa thuận với kẻ xấu”, TS Hương nói.
Đừng lấy kẽ hở luật pháp để dung túng hành vi xấu
TS. Hương khẳng định: “Nói sờ mông, vỗ đùi không phải là dâm ô là thiếu trách nhiệm. Những hành động này không được coi là dâm ô thì không biết hành động nào mới được gọi như vậy. Đây thực sự là một kẽ hở lớn trong luật pháp Việt Nam. Thực tế là ở tất cả các nước trên thế giới, người ta đã quy định những hành vi mang tính kích dục để thỏa mãn dục vọng đều là dâm ô. Thậm chí là không cần phải động vào người trẻ mà chỉ cần nói những câu từ mang tính chất kích dục, gợi tình… thì cũng đã là hành động dâm ô rồi. Còn nếu chúng ta quy định rõ ràng là chạm vào đâu mới gọi là dâm ô thì đôi khi sẽ gây nguy hiểm cho trẻ”.
Như vậy, để giảm thiểu những vụ việc quấy rối cũng như xâm hại trong giáo dục nói riêng và trong môi trường sống của trẻ nói chung, trước hết cần phải giải quyết những bế tắc trong pháp luật. Quá trình giải quyết những bế tắc này cần phải bắt đầu từ việc nâng cao hiểu biết về vấn đề xâm hại trẻ em.
Bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp luật liên quan, việc thay đổi nhận thức, hành vi và thói quen trong ứng xử cũng là một trong những cách giảm thiểu tình trạng dâm ô hay xâm hại trẻ. Dù biết việc thay đổi nhận thức và chuyển hoá những quan niệm đã hằn sâu hẳn nhiên không dễ gì, nhưng nếu không bắt tay từ bây giờ thì sẽ rất khó tránh khỏi những hành vi dâm ô, xâm hại trẻ em tái diễn.