Kể từ tháng 3, Mauren Sparrow (29 tuổi) đã tải TikTok về điện thoại để giết thời gian do cô phải ở trong nhà cả ngày vì lệnh phong tỏa. Kể từ đó, cô Sparrow bị cuốn hút vào một thế giới của nhiều bạn trẻ giống như mình, cô thường xuyên đăng tải các video về hai chú mèo của mình - Calcifer và Jiji, thu về hàng triệu lượt xem và lượt thích.
Khi đọc những thông tin về việc chính phủ Mỹ đe dọa sẽ cấm TikTok, nhiều người trẻ như Sparrow lại cho rằng các quan chức Washington đang cố gắng làm quá tình hình.
"Tôi không thực sự quan tâm về việc các tập đoàn này có dữ liệu của mình", Sparrow nói. "Vào thời buổi này, tôi đã quá quen với tất cả các mạng xã hội lấy dữ liệu của mình, tôi nghĩ đó là cái giá để được kết nối với mọi người".
Tương lai của TikTok đã trở nên bấp bênh khi vào tháng 7, Ngoại trương Mỹ Mike Pompeo "bóng gió" nói về một lệnh cấm đối với ứng dụng của Trung Quốc.
Gần đây nhất, Tổng thống Donald Trump đã chấp thuận các nỗ lực của Microsoft để mua lại TikTok và đặt hạn chót trước ngày 15/9. Dự kiến thương vụ này có thể lên tới 10 tỷ USD.
Thông tin này đã khiến nhiều "ngôi sao TikTok" cuống cuồng tìm kiếm các nền tảng tương tự TikTok để tiếp tục phát triển sự nghiệp đầy tiềm năng của mình. Trên TikTok, nhiều tài khoản đã đăng tải đủ loại video liên quan tới lệnh cấm: từ cách "vượt tường lửa", cho tới chỉ trích Trump, hay bày tỏ quan điểm thờ ơ về các dữ liệu cá nhân.
Nhiều người dùng TikTok chia sẻ các quan điểm trái chiều về lệnh cấm của chính phủ Mỹ. |
"Liệu tôi là người duy nhất không quan tâm nếu Trung Quốc thu thập dữ liệu của mình?", một người dùng TikTok chia sẻ. "Hãy để chính phủ Trung Quốc có dữ liệu của tôi. Họ biết tôi nhiều hơn tôi biết chính mình", một người dùng khác bông đùa.
TikTok là một trong những ứng dụng phổ biến nhất trên thế giới hiện nay và đã được tải xuống khoảng 2 tỷ lần, từ đó có thể thấy tác động của lệnh cấm là lớn tới mức nào.
Khoảng 47% giới trẻ thuộc thế hệ Y (sinh từ 1981 tới 1996) cùng 59% thế hệ Z (sinh từ thập niên 2000) cho biết chính phủ Mỹ không nên cấm TikTokk.
Trong khi đó, 25% người dùng thuộc thế hệ Z cho biết họ sẽ bất chấp để sử dụng TikTok nếu Mỹ vẫn cấm. Chỉ 9% cho biết lệnh cấm sẽ khiến họ ít sử dụng ứng dụng này hơn, theo khảo sát của công ty nghiên cứu thị trường Morning Consulting.
"Tôi nghĩ rằng sẽ có một cuộc bạo loạn nếu TikTok bằng cách nào đó thực sự bị cấm ở đất nước này", Sparrow nói.
Cuộc tranh luận về tương lai TikTok đã nhấn mạnh sự phân chia rẽ về thế hệ giữa các nhà lập pháp lập pháp lớn tuổi và những người sử dụng chúng trong lòng nước Mỹ. Đối với thế hệ Z, những người lớn lên cùng với Facebook, Snapchat và Instagram, việc thu thập dữ liệu cá nhân đối với họ là điều đương nhiên.
TikTok giúp nhiều "hiện tượng mạng" có cơ hội nổi tiếng và dấn thân vào giới nghệ sĩ. |
Với TikTok, những người trẻ tuổi có một nền tảng mở để chia sẻ các khoảnh khắc trong cuộc sống trên những giai đoạn nhạc vui tai, họ không ngần ngại chia sẻ về hình ảnh riêng tư của mình với cả những người xa lạ.
Ở cấp độ cơ bản hơn, hầu hết người dùng không tin rằng họ có quyền lựa chọn từ chối việc nhà phát hành thu thập dữ liệu cá nhân, theo Josh Golin giám đốc điều hành của Chiến dịch Vì Ttuổi thơ Tự do cho biết.
"Nếu bạn cho hầu hết những người trẻ tuổi lựa chọn giữa việc bảo vệ sự riêng tư của họ bằng cách xóa bỏ mọi mạng xã hội hoặc ở lại, chắc chắn họ sẽ chọn vế sau", ông Golin nói. "Nhưng điều gì xảy ra nếu bạn có một lựa chọn đó là vẫn bảo mật được dữ liệu của mình mà không phải bỏ các mạng xã hội?"
Dù luật bảo vệ dữ liệu đã có những bước tiến tại Mỹ và châu Âu trong năm nay, nhưng nhiều người dùng không vội vàng buộc các công ty thay đổi chính sách thu thập dữ liệu.
Các nghiên cứu cho thấy thế hệ Z tỏ ra khoan dung hơn với các quảng cáo trên ứng dụng và ít thấy bị làm phiền bởi các khảo sát của nhà phát hành.
Annie, một người dùng TikTok 19 tuổi, đã tìm tới ứng dụng này kể từ khi dịch bệnh bùng phát, cho biết việc chính phủ Mỹ "soi xét" vào các công ty Trung Quốc là "hết sức lố bịch", trong khi các doanh nghiệp Mỹ khác cũng có "hành động tương tự".
"Dữ liệu cá nhân của chúng tôi được thu thập bởi vô số các tập đoàn tư nhân, những người chỉ bán cho ai trả giá cao nhất", Annie nói. "Tôi cảm thấy hơi nực cười khi họ chỉ lo lắng về Trung Quốc trong khi người lớn đã luôn ghi hình chúng tôi kể từ bé".
Một phát ngôn viên của TikTok khẳng định rằng nhóm bảo mật của công ty được lãnh đạo bởi một chuyên gia an ninh thông tin "với hàng chục năm kinh nghiệm làm việc trong các cơ quan chính phủ Mỹ".
"Bảo vệ sự riêng tư của người dùng rất quan trọng đối với TikTok. Chúng tôi biết nếu chỉ có các biện pháp bảo vệ sẽ là không đủ, chúng tôi cũng đang giáo dục cho cộng đồng của mình".
Có một sự thật là TikTok thu thập dữ liệu người dùng, nhưng không nhiều hơn đáng kể so với nhiều ứng dụng có trụ sở tại Mỹ khác. |
Bất chấp tuyên bố về lo ngại mất an ninh và chủ quyền, nhiều người suy đoán rằng chính quyền Trump đang tập trung vào việc trả đũa TikTok do nhiều người dùng đã sử dụng ứng dụng này để "phá đám" cuộc vận động tranh cử của Trump tại Tulsa hồi tháng 6.
Ari Lightman - giáo sư truyền thông kỹ thuật số và tiếp thị tại Đại học Carnegie Mellon, cho biết chính độ phổ biến quá nhanh và quá rộng của TikTok đã khiến các quan chức Mỹ coi đây là một mối đe dọa, nhất là trong bối cảnh nước này chuẩn bị bước vào cuộc bầu cử Tổng thống.
Trong khi các nhà lập pháp tiếp tục băn khoăn về TikTok, những người trẻ tuổi vẫn bất chấp tất cả để tiếp tục sử dụng nó.
Nicole, một thiếu niên 16 tuổi sống ở San Diego và "lướt" TikTok khoảng 5 giờ một ngày, cho biết ứng dụng này giúp cô bé kết nối với bạn bè trong thời buổi dịch bệnh. "Dù chính phủ có cấm, nhưng tôi sẽ vẫn sử dụng nó".
"TikTok giúp mọi người từ các nơi khác nhau trên thế giới kết nối theo cách mà tôi chưa từng nghĩ đến", Nicole nói. "Nó làm cho chúng tôi chấp nhận những điều khác biệt hay kỳ lạ. Đó là một nơi mà bạn có thể tìm thấy những người có chung quan điểm với mình".