“Trước đó chỉ xem qua tivi"
Chiều chủ nhật (ngày 22-3), tại đền Quan Đế (28 Hàng Buồm, Hà Nội), chương trình “Về nguồn - Trải nghiệm cùng di sản văn hóa phi vật thể ở Hà Nội” đã được tổ chức với chủ đề tìm hiểu ca trù. 15 bạn sinh viên đến từ CLB Tuyên truyền các ca khúc cách mạng (ĐH Ngoại thương) là những nhân vật trải nghiệm của chương trình này.
Ca Trù - Nét nghệ thuật độc đáo của Việt Nam. Ảnh minh họa |
Trước đó, những thành viên của CLB Hoa Trạng Nguyên tham gia chương trình “Về nguồn - Trải nghiệm cùng múa rối nước” cũng trải qua cảm xúc tương tự. Bạn Đỗ Thị Hiền (trưởng nhóm) chia sẻ: “Trước đây, các bạn trong CLB Hoa Trạng nguyên mới biết múa rối qua tivi. Trong tưởng tượng, ai chỉ nghĩ múa rối là có người điều khiển sau tấm rèm và người thoại và hát ở một nơi khác nhưng sự thật là các nghệ sĩ vừa điều khiển rối ở dưới nước vừa thoại đồng thời”.
Các bạn trẻ học múa rối nước. (Ảnh: internet) |
Xuyên suốt chương trình “Một ngày cùng múa rối nước”, các bạn trẻ đã thu lượm được nhiều kiến thức thực tế như múa rối không những cần sự khéo léo, linh hoạt của đôi tay điều khiển rối mà còn cần có sự kết hợp với nhiều bộ môn nghệ thuật truyền thống khác như chèo, chầu văn, tuồng… Điều đó chứng tỏ để trở thành một nghệ nhân hay nghệ sĩ múa rối, ngoài năng khiếu hay tố chất thì cần sự cố gắng rèn luyện và học hỏi rất nhiều. Cũng trong buổi trải nghiệm, các bạn sinh viên được hướng dẫn thoại lời cho các tiểu phẩm và xuống nước để được trực tiếp điều khiển rối sau tấm mành trong sự động viên, khích lệ của các nghệ sĩ Nhà hát múa rối Thăng Long.
Hiểu để giữ gìn di sản
Mỗi tuần là một chương trình trải nghiệm các loại hình di sản phi vật thể khác nhau tại Hà Nội, với các bạn trẻ, đó chỉ là một gợi mở, lời giới thiệu để các bạn biết đến, sau đó có thể tìm hiểu kỹ hơn về loại hình nghệ thuật này.
Sau chương trình trải nghiệm cùng múa rối nước, bạn Đỗ Thị Hiền là người tập hợp lại các bài viết cảm nhận của cả nhóm về chương trình. Hiền chia sẻ: “Một ngày để trải nghiệm đủ để khơi dậy tình yêu đối với nghệ thuật dân gian đối với mỗi thành viên CLB Hoa Trạng nguyên, cũng như tạo cơ hội, động lực tìm hiểu, khám phá và tiếp xúc những điều chưa biết. Sau chương trình, các thành viên đều muốn truyền tình yêu với múa rối và các bộ môn nghệ thuật dân gian khác cho bạn bè của mình”.
Cận cảnh một buổi biểu diễn của CLB Ca trù Thăng Long |
Bạn Bùi Phương Thảo (sinh viên năm thứ hai, Trường ĐH Ngoại thương) rất thích thú khi được các cô chú hướng dẫn cách đánh đàn đáy. Bạn chia sẻ: “Em từng chơi đàn nhưng không nghĩ đánh đàn đáy khó vậy. Nhất là khi ghép phách cùng với ca nương thì thật sự em càng rối, vì bản thân em chưa thể cảm thụ hết được”. Thế nhưng, cũng từ lời ca, tiếng đàn và chia sẻ, Thảo mới hiểu thêm về tâm huyết và lòng yêu nghề mà các nghệ sĩ dành cho môn nghệ thuật dân tộc này cũng như mong muốn được truyền lại tình yêu cho thế hệ trẻ.
Có được trải nghiệm thực tế, các bạn đều cảm thấy hiểu hơn về nghệ thuật dân gian, yêu hơn và muốn góp phần lưu giữ những di sản văn hóa của Việt Nam. Tất cả có thể bắt đầu từ những việc nhỏ như chia sẻ cùng bạn bè, gia đình, giới thiệu với khách du lịch hay tình nguyện tham gia các chương trình gìn giữ văn hóa dân tộc.
Hợp tác cùng Thời Nay
Xem thêm: