Là địa phương tập trung đông đồng bào dân tộc Tày, Nùng từ các tỉnh miền núi phía Bắc vào sinh sống và xây dựng kinh tế mới, xã Sông Ray, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai có nhiều nét văn hóa đặc trưng của cộng đồng các dân tộc ít người. Thời gian qua, địa phương đã có nhiều biện pháp nhằm phát triển, giữ gìn bản sắc truyền thống của đồng bào dân tộc ở vùng đất mới.
Một trong số những nét văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Tày, Nùng là hát Then. Để duy trì nét văn hóa đặc trưng này, xã Sông Ray đã hình thành và phát triển Câu lạc bộ hát Then.
Câu lạc bộ hát Then xã Sông Ray được hình thành từ năm 2020, nhưng ngày đầu, câu lạc bộ chỉ có vài thành viên, sau gần 3 năm hoạt động và phát triển, đến nay câu lạc bộ đã có hơn 30 người tham gia. Những người tham gia trong câu lạc bộ tuy có độ tuổi, công việc khác nhau, nhưng định kỳ mỗi tháng, các thành viên đều tổ chức sinh hoạt và tập luyện vào các buổi tối.
Để duy trì hoạt động và thu hút các thành viên mới tham gia, câu lạc bộ thường xuyên biểu diễn khi ấp, xã có những sự kiện đặc biệt, các dịp lễ, Tết và tham gia giao lưu với các câu lạc bộ khác trong và ngoài địa phương.
Chị Vi Thị Sự, Câu lạc bộ hát Then xã Sông Ray cho biết, chị là người dân tộc Tày nhưng được sinh ra và lớn lên ở vùng đất nơi cha mẹ đi xây dựng kinh tế mới nên bản thân chị không biết tiếng Tày. Do đó, chị Sự rất muốn được tham gia câu lạc bộ để được học tiếng Tày, biết hát Then để hiểu hơn và lưu giữ nét văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc mình.
Theo các thành viên tham gia Câu lạc bộ hát Then, câu lạc bộ hoạt động không chỉ góp phần phát huy, gìn giữ các trị văn hóa của người Tày, Nùng mà còn làm phong phú đời sống tinh thần, tạo sự đa dạng và thúc đẩy phong trào văn hóa văn nghệ ở địa phương. Ngoài ra, Câu lạc bộ hát Then ra đời cũng góp phần loại bỏ những hủ tục lạc hậu của đồng bào dân tộc, tăng cường tinh thần đoàn kết cộng đồng.
Bà Vi Thị Bích, Chủ nhiệm Câu lạc bộ hát Then xã Sông Ray cho hay, câu lạc bộ hoạt động với mong muốn để các thành viên được góp sức trong việc gìn giữ nét văn hóa đặc trung của đồng bào dân tộc. Câu lạc bộ đã được chính quyền địa phương rất quan tâm, tạo điều kiện cho câu lạc bộ được hoạt động như hỗ trợ về kinh phí, nhạc cụ. Thời gian tới, các thành viên cũng rất mong muốn được đầu tư một nhà sàn dân tộc để bà con sinh hoạt văn hóa tại địa phương.
Theo Ủy ban nhân dân xã Sông Ray, địa phương có hơn 30% dân số là người dân tộc Tày, Nùng. Do đó, để góp phần gìn giữ nét văn hóa đặc trưng, phát triển mô hình câu lạc bộ hát Then, thời gian tới tại 5 ấp có đông đồng bào dân tộc sinh sống, địa phương sẽ thành lập mỗi ấp 1 câu lạc bộ hát Then, sẽ hỗ trợ một phần kinh phí mua sắm trang thiết bị, đạo cụ. Đồng thời, tổ chức 1 - 2 chương trình giao lưu để khuyến khích duy trì phong trào tập luyện. Ngoài ra, địa phương cũng đã kiến nghị huyện Cẩm Mỹ đầu tư 1 cơ sở vật chất văn hóa là nhà sàn tạo không gian sinh hoạt thường xuyên cho bà con đồng bào nơi đây.
Bà Bùi Thị Liên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Sông Ray, huyện Cẩm Mỹ cho biết, với đặc thù là địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số về sinh sống và xây dựng kinh tế, nên thời gian qua, địa phương đã rất quan tâm và thực hiện đầy đủ các chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Để phát triển các Câu lạc bộ hát Then, xã đã đầu tư đàn, nhạc và hỗ trợ một phần kinh phí cho bà con hoạt động.
Ngoài ra, địa phương cũng thường xuyên phát động các phong trào trong đó có phong trào văn hóa văn nghệ, đây chính là một trong tiêu chí trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, khu dân cư kiểu mẫu. Từ đó, thu hút đông đảo đồng bào dân tộc tham gia đóng góp và phát triển hoạt động cho các Câu lạc bộ hát Then tại địa phương.
Theo Phòng Dân tộc huyện Cẩm Mỹ, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số thông qua mô hình câu lạc bộ là biện pháp quan trọng để nâng cao đời sống tinh thần của người đồng bào và làm đa dạng, phong phú đời sống văn hoá ở khu dân cư. Ngày nay, thông qua giao lưu văn hóa, đi xây dựng kinh tế mới, hát Then đã ngày càng phổ biến ở các tỉnh, thành phố trong cả nước.