Tiến sĩ Yang Hu của Đại học Lancaster cho biết trong một báo cáo xuất bản hôm thứ Hai trên tạp chí Frontiers in Sociology: “Chúng tôi rất ngạc nhiên khi phát hiện ra rằng một người lớn tuổi chỉ tiếp xúc ảo trong thời gian giãn cách phải trải qua nỗi cô đơn và tác động tiêu cực đến sức khỏe tâm thần hơn, so với một người lớn tuổi hoàn toàn không tiếp xúc với người khác. Chúng tôi đã kỳ vọng rằng liên hệ ảo sẽ tốt hơn là cô lập hoàn toàn, nhưng điều đó dường như không đúng với trường hợp của những người lớn tuổi."
Báo cáo có tên "COVID-19, Liên hệ giữa các hộ gia đình và Sức khỏe tinh thần của Người lớn tuổi ở Hoa Kỳ và Vương quốc Anh", đã thu thập dữ liệu từ 5.148 người trên 60 tuổi ở Anh và 1.391 người ở Mỹ trước và trong đại dịch. Nghiên cứu này nằm trong số những dự án đầu tiên đánh giá một cách tương đối các tương tác xã hội giữa các hộ gia đình và tình trạng tinh thần trong thời kỳ đại dịch.
Kết quả điều tra cho thấy nhiều người lớn tuổi đã trải qua sự gia tăng tình trạng cô đơn và rối loạn sức khỏe tâm thần lâu dài do chuyển sang xã hội hóa trực tuyến, nhiều hơn so với những người lớn tuổi không giữ liên lạc bằng công nghệ. (Ảnh: Anny) |
TS. Hu cho biết, một số người lớn tuổi không quen với công nghệ, dẫn dến cảm thấy căng thẳng khi học cách sử dụng nó. Nhưng ngay cả những người quen thuộc với công nghệ cũng cảm thấy việc lạm dụng các phương tiện này gây căng thẳng và tổn hại đến sức khỏe tinh thần của họ, hơn là chỉ đơn giản đối phó với sự cô lập khi giãn cách và nỗi cô đơn.
“Tiếp xúc nhiều với các phương tiện truyền thông kỹ thuật số cũng có thể gây ra kiệt sức. Kết quả rất nhất quán", "Tiếp xúc ảo không chỉ khiến họ cảm thấy cô đơn hơn, mà sức khỏe tâm thần nói chung cũng bị ảnh hưởng: họ trở nên trầm cảm hơn, cô lập hơn và cảm thấy không hạnh phúc hơn, do sử dụng công nghệ cho các cuộc tiếp xúc ảo”.
TS. Hu cho biết cần tìm ra những cách an toàn để tiếp xúc trực tiếp trong những trường hợp khẩn cấp tương tự trong tương lai. Đồng thời, kết quả nghiên cứu này nên được lấy làm động lực để có biện pháp tăng cường năng lực kỹ thuật số cho các nhóm lớn tuổi
Caroline Abrahams, Giám đốc Từ thiện tại Age UK, hoan nghênh kết quả báo cáo: “Chúng tôi biết môi trường ảo có thể làm trầm trọng thêm nhận thức bản thân đang 'không thực sự ở đó' với những người thân yêu", “Do đó, điều cần thiết là Chính phủ phải đặt ưu tiên lên việc ngăn ngừa và giải quyết tình trạng cô đơn, được hỗ trợ với nguồn tài chính thích hợp." Bà nhận định, trong những trường hợp xấu nhất, nỗi cô đơn có thể giết chết người lớn tuổi, theo nghĩa làm suy giảm khả năng phục hồi trước các mối đe dọa sức khỏe đa dạng, khiến họ mất hết hy vọng và lý do để tiếp tục sống.
Nghiên cứu trước đây của Aging Better cho thấy rằng kể từ sau đại dịch, đã có sự gia tăng đáng kể trong việc sử dụng công nghệ kỹ thuật số ở những người từ 50-70 tuổi. (Ảnh: Christophers Trobel) |
Patrick Vernon, Phó Giám đốc tại Trung tâm Aging Better (Thúc đẩy Lão hóa khỏe mạnh) cho biết ông đã thấy nhiều ví dụ về những người lớn tuổi sử dụng công nghệ để duy trì kết nối theo “những cách thực sự tích cực”. Nhưng ông cũng bày tỏ nỗi nghi ngại: “Chúng tôi biết rằng ngay cả đối với những người đang trực tuyến, việc thiếu kỹ năng và sự tự tin có thể ngăn cản mọi người sử dụng Internet theo cách họ muốn”.
Theo Nghiên cứu Aging Better, có 3 triệu người trên khắp Vương quốc Anh đang ở tình trạng ngoại tuyến, không tiếp xúc với công nghệ với sự phân chia kỹ thuật số đáng kể. 27% những người ở độ tuổi 50-70 có thu nhập hộ gia đình hàng năm dưới 25.000 bảng Anh đã ngoại tuyến.
Ông Vernon cho biết: “Nghiên cứu của chúng tôi đã phát hiện ra rằng một số người ngoại tuyến cảm thấy khó kết nối với gia đình, bạn bè và hàng xóm trong thời kỳ đại dịch," thế nhưng ngay cả những người có thể thực hiện các kết nối thông qua công nghệ cũng cho biết tiếp xúc ảo không thể bù đắp được cho việc đánh mất các tương tác xã hội trực tiếp.