Giữ lửa nghề truyền thống ở làng chế tác vàng bạc 500 năm tuổi ở Hải Dương

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Theo sử sách ghi lại, nghề thủ công vàng bạc Châu Khê được xuất phát từ nghề đúc bạc nén dưới thời vua Lê Thánh Tông (1460-1497), cách đây hơn 500 năm.
Nghệ nhân Phạm Bình Minh kiểm tra chất lượng dây truyền bạc. Ảnh: Tiến Vĩnh/TTXVN.
Nghệ nhân Phạm Bình Minh kiểm tra chất lượng dây truyền bạc. Ảnh: Tiến Vĩnh/TTXVN.

Nằm cách thành phố Hải Dương 20km về phía Tây Nam, Châu Khê là một trong 3 làng nghề truyền thống chế tác vàng bạc ở miền Bắc, nổi danh khắp đất nước, đó là: Định Công (Hà Nội), Đồng Xâm (Thái Bình) và Châu Khê (Hải Dương).

Theo sử sách ghi lại, nghề thủ công vàng bạc Châu Khê được xuất phát từ nghề đúc bạc nén dưới thời vua Lê Thánh Tông (1460-1497), cách đây hơn 500 năm.

Khi đó, Thượng thư bộ lại Lưu Xuân Tín, người làng Châu Khê được vua giao trọng trách đúc bạc nén làm tiền tệ tại kinh thành Thăng Long. Ông mới tập hợp những người thợ của làng lên kinh đô ( phố Hàng Bạc bây giờ), lấy gia đinh ở làng lên mua đất ở phường Đông Các, Đông Thọ, tổng Hữu Trác, huyện Thọ Xương (nay là số nhà 58 phố Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) lập xưởng đúc vàng, bạc nén phục vụ cho đúc tiền của cả nước và đồ dùng trong cung vua.

Từ đó, nghề vàng bạc Châu Khê và phố Hàng Bạc cùng hình thành và phát triển. Dân lên phố ngày một đông, họ tổ chức thành phường giáp như ở quê và lập đình gọi là Châu Khê vọng sở cùng thờ thành hoàng làng và tổ nghề như ở quê, cuộc sống xoay vần, họ từ đây mở nghề kim hoàn mỹ nghệ, rồi phát triển khắp cả kinh thành và cả ở quê vì sự liên hệ gia đình họ mạc làng xóm mật thiết nên có câu:

"Tại hương tại phố một quê

Châu Khê-Hàng Bạc đi về ngược xuôi

Như hương tỏa khắp mọi nơi

Kim hoàn trang sức cho đời đẹp xinh"

Mục đích ban đầu của nhà vua khi giao chỉ cho Lại bộ Thượng thu Lưu Xuân Tín chỉ là đúc bạc nén, vàng thỏi, tiền đồng để tiện cho việc trao đổi buôn bán trong nước. Nhưng sau một thời gian nhận thấy số lượng vàng thỏi và bạc nén đã đủ dùng, Lưu Xuân Tín được truyền chỉ tạo ra các đồ trang sức, vật phẩm dành riêng cho vua chúa và phía hậu cung. Đây cũng là tiền đề để ra đời những bộ trang sức vàng, bạc đầu tiên ở nước ta.

Điều đặc biệt là những trang sức hoàn toàn được chế tác bằng tay (phương pháp thủ công) nhưng nó có những tỷ lệ rất chính xác của một món trang sức hoàn hảo, cân đối. Có thể kể đến một số sản phẩm nổi tiếng của các nghệ nhân trong làng như cành vàng, trâm ngọc, chén ngọc, được tiến vào trong hoàng cung cho các bậc đế vương dùng.

Vài trăm năm sau, nghề đúc bạc nén bị chuyển vào Huế, đa số thợ đúc bạc Châu Khê ở lại. Họ nhanh chóng chuyển sang làm mỹ nghệ kim hoàn. Đầu tiên chỉ làm các đồ dùng gia đình như xà tích, ống vôi, rồi mới đến vòng nhẫn, mặt đá. Đôi khi nạm bạc như vật dụng gia bảo như ấm trà, ống điếu, tẩu thuốc, khay đĩa cổ. Dần dần, họ mới làm nhẫn dây chuyền, lắc, vòng và những đồ tinh xảo hơn…

Làm ăn khá thịnh vượng, người dân Châu Khê còn phải gọi thêm cả các thợ chế tác vàng bạc ở Định Công ở Thanh Trì xưa, cùng người ở Đồng Xâm, có nghề chạm bạc ở Thái Bình lên cùng làm để đáp ứng yêu cầu của thị trường. Phố Hàng Bạc hình thành thêm nghề làm trang sức từ ngày đó.

Trải qua các giai đoạn thăng trầm của lịch sử, có giai đoạn nghề chế tác vàng bạc ở Châu Khê trầm lắng và tưởng chừng mai một. Nhưng khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, lòng đam mê và sự quyết tâm giữ nghề của người dân Châu Khê và các nghệ nhân đã giúp làng nghề nhanh chóng hồi phục, khẳng định thương hiệu và ngày càng phát triển.

Năm 2004, Làng nghề vàng bạc Châu Khê, xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang được Ủy ban Nhân dân tỉnh Hải Dương công nhận danh hiệu “Làng nghề thủ công vàng bạc Châu Khê.”

Thống kê hiện nay, cả làng có gần 300 hộ gia đình, có tới 97% hộ làm nghề vàng bạc truyền thống. Số lượng này có giảm 1/3 so với những năm 1980 của thế kỷ trước do nhiều hộ chuyển lên sản xuất tại Hàng Bạc, Hà Nội và nhiều nơi khác trong cả nước.

Do yêu cầu của thị trường về các sản phẩm vàng bạc nên người thợ trong làng thường xuyên phải tìm tòi, sáng tạo để cho ra những sản phẩm tốt nhất, đẹp nhất đáp ứng yêu cầu của thị trường trong và ngoài nước.

Hiện nay, các sản phẩm được thị trường ưa chuộng như lắc bạc, vòng tay, dây chuyền, nhẫn… Với mỗi sản phẩm từ nguyên liệu đến thành phẩm đều phải trải qua nhiều công đoạn. Mỗi nghệ nhân thực hiện một công đoạn bằng tay khác nhau như khò, tạo hình, chế tác hoa văn tỉ mỉ.

Một trong những sản phẩm khó mà phải người thợ có tay nghề cao và có nhiều kinh nghiệm mới thực hiện được như nhẫn đầu rồng, dây chuyền bạc hình chữ S và hoa văn hình trái tim. Đây là 3 sản phẩm đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao của tỉnh Hải Dương.

Để bảo tồn gìn giữ và phát triển làng nghề, Ủy ban Nhân dân huyện Bình Giang thường xuyên quan tâm đến sự phát triển của làng nghề. Các ban, ngành trong huyện đã tham mưu với cơ quan chức năng để mở những chương trình bồi dưỡng, tập huấn, đồng thời làm tốt khâu tuyên truyền tới người dân cùng duy trì và phát triển làng nghề truyền thống này. Thời gian tới, huyện cũng sẽ huy động nguồn vốn để cho các hộ gia đình có thêm điều kiện để duy trì và phát triển làng nghề truyền thống.

Thí sinh tại điểm thi Trường THPT Đoàn Kết, quận Hai Bà Trưng. Ảnh tư liệu: Hoàng Hiếu/TTXVN
Học sinh Hà Nội mong phương án tuyển sinh lớp 10 sớm được công bố
(Ngày Nay) - Năm học 2024 - 2025 đã đi qua gần hết học kỳ 1, song các nhà trường, học sinh lớp 9 và phụ huynh trên cả nước vẫn chưa biết phương án tuyển sinh lớp 10 năm học tới. Cùng với các địa phương, thành phố Hà Nội chưa thể “chốt” được phương án tuyển sinh lớp 10 vì còn chờ Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố quy chế tuyển sinh.
Dự án Khu nhà ở cao cấp Vạn Thuận – Tây Thăng Long (phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) do Công ty TNHH Xuân Trường Hoành Bồ làm chủ đầu tư.
Hà Nội: Sau đấu giá, quy hoạch nhà ở cao tầng được điều chỉnh về thấp tầng
(Ngày Nay) - Ô đất TT-07 (tên cũ là CT–04, nằm tại phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) trước đây từng được quy hoạch để thực hiện dự án nhà ở chung cư cao tầng. Tuy nhiên, sau khi kết quả trúng đấu giá được phê duyệt, ô đất này bất ngờ được thay đổi quy hoạch thành đất ở thấp tầng, để thực hiện dự án Khu nhà ở cao cấp Vạn Thuận – Tây Thăng Long.