Hồi bé hay ngồi cạnh mẹ xem mẹ đan, rồi được mẹ dạy đan cho luôn. Mẹ thì đan mảnh áo to, con thì nhặt mấy sợi len vụn nối vào nhau, cũng cuộn thành một cuộn, nhưng bé tí xinh xinh, rồi ngoáy ngoáy chọc chọc một mẩu que đan cũng xinh xinh.
Thỉnh thoảng mẹ lại thẩy cho một đống len rối tinh rối mù, bảo gỡ hộ cho mẹ. Sợ nhất là gặp phải những đống len rối lại còn nhiều mối nối. Nhiều lúc cáu tiết giật tung lên. Càng giật, càng rối. Chỉ muốn tung hê lên giời.
Mẹ bảo: "Gỡ rối phải từ từ, lần từng chút một...".
Lòng bình lại, lười thè ra, lặng lẽ rút từng sợi một, để riêng ra từng góc, chui , luồn, vòng vèo, xoắn ngược, xoắn xuôi, từng nút, từng nút lỏng ra, thẳng thớm từng phần, lòng người cũng theo đó mà mỉm cười đắc chí.
|
Gỡ len (Ảnh minh họa). |
May mà hồi bé được mẹ dạy cho cách gỡ len như thế. Phải đến lúc lớn lên, sống trong đời, mới biết cuộc sống có những mối quan hệ rối ren, những nút thắt chằng chịt. Không phải cứ từ từ mà gỡ nổi. Có những lúc muốn giật tung, muốn vứt bỏ, nhưng lại nhớ đến lúc ngồi gỡ len, cùng mẹ, lòng lắng lại. Tất nhiên không phải cứ lúc nào cũng suôn sẻ gỡ trọn vẹn một đọan len dài. Rối quá, cũng phải cầm kéo, cắt xọet một cái, bung ra một đầu mối mới tinh để mở đường cho những nút thắt khác.
Con người cần bao nhiêu lâu? Cần những gì để có đủ độ bền bỉ, nhẫn nại kiên trì mà gỡ bong ra những nút rối ren thít chặt của những mối quan hệ nhằng nhịt? Tôi không biết nữa, không phải ai trên đời cũng được học cách nhẫn nại bằng việc gỡ len. Để mỗi lần, trải qua những cuộc rối tung mịt mù của cuộc sống, lại có cảm giác mình đã làm được. Như khi bé, nhìn một cuộn len tròn vo đã được gỡ xong với những vòng cuốn uốn lượn đều tăm tắp, mình vẫn biết ẩn sâu trong lớp len mềm mại, là những nút thắt thật nhỏ, thật khéo, cố gắng không quá trồi lên để nối dài cho bền bỉ khao khát chỉ mình mình đong đếm được!
>>> Xem thêm
1. Những kỹ năng sinh tồn bố mẹ nhất thiết phải dạy trẻ
2. 5 đối tượng mẹ tuyệt đối không cho hôn con mình
3. 6 sai lầm của người lớn khi cho trẻ ăn sữa chua
Hợp tác cùng ấn phẩm Thời nay