Google Doodle vinh danh Sương Nguyệt Anh

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Nhân dịp 105 ngày ra mắt tờ Nữ Giới Chung, Google Doodle vinh danh ký giả, nhà thơ Sương Nguyệt Anh - nữ tổng biên tập đầu tiên của Việt Nam.

Con gái đồ Chiểu

Là con gái thứ tư của nhà thơ, nhà văn hóa cận đại Nguyễn Đình Chiểu, Sương Nguyệt Anh sinh ngày 8/3/1864 tại Ba Tri, Bến Tre. Tên thật của bà vốn là Nguyễn Thị Ngọc Khuê, hoặc có nơi chép là Nguyễn Thị Xuân Khuê, Ngọc Anh là tên chữ.

Lớn lên trong gia đình có truyền thống Nho giáo, được đích thân cụ đồ Chiểu truyền dạy, bà và người chị gái tên Nguyễn Thị Xuyến nổi tiếng văn hay chữ tốt. Cũng vì tài sắc vẹn toàn mà khi lớn lên hai chị em bà được người dân trong vùng ca tụng là “Nhị Kiều”.

Khi Sương Nguyệt Anh 24 tuổi, nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu qua đời. Tri phủ Ba Tri hỏi cưới bà làm vợ lẽ nhưng bị từ chối nên sinh lòng oán hận. Lo ngại việc bị hãm hại tại quê nhà, bà cùng người anh Nguyễn Đình Chúc chuyển sang Mỹ Tho rồi về Rạch Miễu ở nhờ nhà một người họ hàng. Tại đây, bà kết hôn với Phó tổng sở tại góa vợ, sinh được một người con gái tên là Nguyễn Thị Vinh. Năm con bà lên ba tuổi thì chồng mất, bà mở một trường dạy học, bốc thuốc, thủ tiết thờ chồng nuôi con. Chính trong thời gian này, bút danh Sương Nguyệt Anh ra đời với ý nghĩa “Nguyệt Anh goá bụa”.

Trong thời gian dạy học, Sương Nguyệt Anh là người tích cực hưởng ứng phong trào Đông Du của chí sĩ Phan Bội Châu. Bà đã bán một phần điền sản để quyên góp cho nhóm học sinh xuất dương du học. Ngưỡng mộ tài năng và tinh thần của Sương Nguyệt Anh, đến năm 1917, nhóm chí sĩ ái quốc mời bà lên Sài Gòn làm chủ bút tờ báo Nữ Giới Chung, có nghĩa là “tiếng chuông của nữ giới”. Với chủ trương đề cao vị trí của người phụ nữ trong xã hội, tờ báo ra số đầu tiên vào ngày 1/2/1918. Dù bị mật thám Pháp theo dõi gắt gao nhưng chủ bút Sương Nguyệt Anh vẫn khéo léo điều hành Nữ Giới Chung, dần gây được tiếng vang lớn ở Nam Kỳ.

Google Doodle vinh danh Sương Nguyệt Anh ảnh 1

Ảnh chụp nữ ký giả, nhà thơ Sương Nguyệt Anh thời trẻ.

Trong các bài viết hàng tuần, bà luôn dành sự quan tâm và nhiệt huyết trong việc chấn hưng tinh thần nữ giới Việt Nam với các chủ đề về đức hạnh, nữ công gia chánh, phê phán hủ tục khắt khe với nữ giới, đòi quyền bình đẳng nam - nữ.

Bên cạnh viết báo, Sương Nguyệt Anh còn làm thơ. Thơ bà tuy không nhiều nhưng có giá trị, một số bài nêu bật được phẩm chất đáng quý của người phụ nữ Nam Bộ như Thưởng bạch mai, Vịnh ni cô, Vua Thành Thái vào Nam, Cảm tác lính Việt đi Âu chiến…

Đến tháng 7/1918, tờ Nữ Giới Chung của Sương Nguyệt Anh chính thức bị đình bản. Cùng thời gian này, con gái của bà sinh khó rồi qua đời. Bà bồng bế cháu ngoại về lại Ba Tri sống nhờ người em út là ông Nguyễn Đình Chiêm. Không bao lâu sau đôi mắt Sương Nguyệt Anh dần yếu đi rồi mù hẳn, dù vậy bà vẫn cố gắng lần mò bốc thuốc, dạy học và sáng tác văn thơ. Ngày 9/1/1922, nữ Tổng biên tập đầu tiên của Việt Nam qua đời vì bạo bệnh, hưởng thọ 58 tuổi.

Tiếng chuông thức tỉnh nữ giới

Nhiều nhà nghiên cứu nhận định Nữ Giới Chung do Sương Nguyệt Anh làm chủ bút không chỉ là tờ báo đầu tiên viết về vấn đề nữ giới mà còn là một trong số những tờ báo sớm quan tâm đến việc truyền bá chữ Quốc ngữ, phổ cập kiến thức thường thức, dạy cách đối nhân xử thế hằng ngày, chú trọng đến sự kết nối giữa con người với con người, thương mại và tiểu thủ công nghiệp.

Từ tháng 2 - 6/1918, Nữ Giới Chung đều đặn ra mắt vào Thứ Sáu hàng tuần. Với các chuyên mục như Xã thuyết, Học nghề, Gia chánh, Văn uyển và Tạp trở, tờ báo đánh dấu sự thức tỉnh của một bộ phận nữ giới thời bấy giờ. Có thể nói, Nữ Giới Chung không chỉ chia sẻ tri thức văn minh của khoa học mà còn mang đến khát vọng về quyền được tự do và hạnh phúc, trong bối cảnh phụ nữ còn chịu nhiều sự kìm kẹp của xã hội thực dân nửa phong kiến.

Google Doodle vinh danh Sương Nguyệt Anh ảnh 2

Tờ báo Nữ Giới Chung do bà Sương Nguyệt Anh làm chủ bút.

Chính vì tính phản biện và lan tỏa mạnh mẽ, sau nửa năm ra mắt Nữ Giới Chung bị chính quyền đình bản. Dù vậy, tờ báo và chủ bút Sương Nguyệt Anh đã mở đường cho công cuộc đấu tranh vì phụ nữ, dùng tinh thần nhân bản và khai phóng để nâng cao địa vị phụ nữ trong xã hội còn nhiều rào cản.

Phong trào đấu tranh vì phụ nữ khởi phát rộng rãi ở nhiều tỉnh miền Nam, cộng hưởng với các phong trào đấu tranh vì nữ quyền khác ở miền Bắc và miền Trung dần trở nên lớn mạnh. Kể cả khi Sương Nguyệt Anh qua đời, làn sóng của những phong trào canh tân nữ giới này cũng không dừng lại mà có chiều hướng gia tăng, đặc biệt trong tầng lớp nữ giới Tây học.

Kể từ năm 1929, các đầu báo dành cho nữ giới tại Việt Nam liên tiếp ra đời như điểm xuyết vào bức tranh chung mà Sương Nguyệt Anh đã phác thảo từ trước đó hơn một thập kỷ. Có thể kể đến sự xuất hiện của tờ Phụ Nữ Tân Văn vào năm 1929 tại Sài Gòn; tờ Phụ Nữ Thời Đàm năm 1930 tại Hà Nội và Phụ Nữ Tân Tiến năm 1932 tại Huế.

Google Doodle vinh danh

Trước khi tôn vinh Sương Nguyệt Anh, Google Doodle điểm tên một số gương mặt văn hóa tiêu biểu tại Việt Nam như Trịnh Công Sơn (28/2/2019), Bùi Xuân Phái (1/9/2019), Xuân Quỳnh (6/10/2019) và Tôn Thất Tùng (10/5/2022). Trong lời giới thiệu trên trang chủ, Google Doodle cho biết Sương Nguyệt Anh được nhớ đến với trí tuệ và nhân cách cao đẹp cùng sự kiên cường vượt qua nghịch cảnh của bà. Bà là người tiên phong và truyền cảm hứng cho thế hệ các nữ nhà văn và tổng biên tập hiện đại ở Việt Nam.

Google Doodle vinh danh Sương Nguyệt Anh ảnh 3

Hình ảnh biểu tượng về Sương Nguyệt Anh được Camelia Phạm thể hiện trên Google Doolde.

Hình ảnh biểu tượng về Sương Nguyệt Anh trên Google Doodle được họa sĩ trẻ Camelia Phạm thể hiện. Chia sẻ về tác phẩm và dự án, nữ họa sĩ cho biết cô cảm thấy vinh dự và cố gắng tìm kiếm hình ảnh minh họa từ cảm hứng ở những bài thơ do Sương Nguyệt Anh sáng tác. Trong đó, đặc sắc nhất có thể kể đến bài Cây mai của nữ ký giả với những câu từ khoáng đạt như: "Tài không sắc, sắc không tài/ Lá úa nhành khô cũng tiếng mai/ Ngọc ánh chi nài son phấn đượm / Vàng ròng há sợ sắc màu phai".

Cảm hứng về bài thơ nói trên được Camelia Phạm kết hợp phong cách đồ họa phẳng, thể hiện bằng các họa tiết và sắc màu hoài cổ, gợi cảm giác xưa cũ hợp với bối cảnh sống của Sương Nguyệt Anh. Hình ảnh minh họa về bà cũng được nữ họa sĩ trẻ khắc họa với sự quyết tâm, ý chí mạnh mẽ khi cố gắng phá tư tưởng cũ để thành lập tờ báo riêng cho phụ nữ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tới sân bay quốc tế Trường Thủy (thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh GMS, Hội nghị Cấp cao ACMECS, Hội nghị Cấp cao CLMV và làm việc tại Trung Quốc. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Thủ tướng tới Vân Nam, bắt đầu chuyến công tác tại Trung Quốc
(Ngày Nay) - Sáng 5/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay quốc tế Trường Thủy (thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh GMS, Hội nghị Cấp cao ACMECS, Hội nghị Cấp cao CLMV và làm việc tại Trung Quốc từ ngày 5 đến ngày 8/11/2024.
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Phó Tổng thống Kamala Harris đang chạy đua với thời gian. Ảnh: ABC.
Cuộc đua sít sao trước thềm ngày bầu cử Mỹ
(Ngày Nay) - Trước thềm ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 (5/11), hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang chạy đua với thời gian nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các nhóm cử tri chưa đưa ra quyết định, trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn rất sít sao.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.